Với suy nghĩ ấy, anh thương binh nặng Đào Trọng Chiến mang thương tật 81%, sau ba năm điều trị, quyết tâm học xong chương trình quản lý xí nghiệp, về nhận công tác tại Nhà máy Da giày xuất khẩu tỉnh Thái Bình. Nhưng cuộc sống những người nông dân quê anh còn lam lũ, thúc giục anh tự nguyện về làng chung vai đấu sức xây dựng lò gạch ngoài bãi sông Trà Lý. Tích lũy được chút vốn, anh chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng, đầu tư máy sản xuất gạch bê-tông, cống bi, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với mức thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. Thương binh Điểu Thanh Xuân xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) dù mất 81% sức khỏe vẫn tìm cách sống sao có ích cho xã hội. Ngày ngày đi trên chiếc xe ba bánh, ông đến với từng gia đình thôn Bù Kroai tuyên truyền công tác sinh sản và thực hiện kế hoạch hóa gia đình - nơi mà bà con dân tộc thiểu số lúc đầu “tẩy chay” ông. Nhưng bằng sự kiên nhẫn “mưa dầm thấm lâu”, ngày này qua năm khác, đã có 76 cặp vợ chồng trong tuổi sinh nở áp dụng biện pháp tránh thai, bảo đảm mỗi gia đình chỉ có hai con. Thương binh hạng 4/4 Bùi Xuân Đợi, xã Kim Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây chuồng nuôi trâu, đào ao thả cá với diện tích hơn 7.000 mét vuông, trồng 2,5 ha cam, tạo việc làm cho hơn 200 lao động thời vụ, bảo đảm thu nhập gia đình bình quân 500 triệu đồng/năm. Ông còn tích cực vận động bà con mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến. Cùng với sản xuất, ông thuyết phục một số hộ hiến đất mở đường, xây dựng nông thôn mới.
Rời quân ngũ, thương binh Nguyễn Văn Dũng hạng 2/4 ở phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) từng tham gia chiến đấu bảo vệ biển đảo Trường Sa trở về địa phương, nghiên cứu và xây dựng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải trí trên biển, hằng năm thu nhập hơn một tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 150 triệu đồng. Điều được các gia đình chính sách xúc động biết ơn vì ông đã thu nhận hơn 50 con em thương binh, bộ đội có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc tại công ty, bảo đảm cuộc sống ổn định. Còn thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Hường ở xã Sơn Hà, tỉnh Phú Yên, dù bị cụt một chân vẫn bền bỉ rèn luyện như người còn lành lặn, ngày đêm suy nghĩ tìm cách lao động tự nuôi mình và gia đình, không mảy may đòi hỏi sự ưu ái của Nhà nước. Anh đầu tư nuôi đàn gà, bò và trồng bốn sào mía, thu nhập một năm hơn 100 triệu đồng. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, anh trợ giúp một số bà con cùng anh mở rộng sản xuất, nhờ đó một số hộ thoát nghèo, từng bước làm giàu. Dù đã sang tuổi 80, chị Huỳnh Thị Ngân ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, thương binh hạng 4/4 vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã suốt bốn nhiệm kỳ. Bằng tiền tiết kiệm của bản thân, bà vận động một số chị em bảo trợ bốn học sinh nghèo hiếu học, giúp đỡ hai trẻ em mồ côi do mẹ nhiễm HIV; xây dựng, nâng cấp bốn “ngôi nhà tình thương” cho các hộ nghèo và gia đình chính sách...
Thế đó, còn biết bao gương sáng thương binh đang thầm lặng lao động cống hiến cho đất nước. Chúng ta nhớ lại, ngày 27-7-1947, Bác Hồ đã viết thư gửi bà Bá Huy - người đã giúp ruộng đất, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một an dưỡng đường cho thương binh. Mang nặng tình thương của Bác Hồ và những người hảo tâm, hàng vạn anh chị em thương binh ở khắp mọi miền Tổ quốc, tự động viên mình vượt lên bệnh tật, không đòi hỏi đãi ngộ, toàn tâm toàn ý mang sức lực còn lại xây dựng quê hương.
Cao đẹp thay hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay!