Vì nước sạch chính là tương lai

|

Ngày Lương thực Thế giới năm nay, 16/10/2023, có chủ đề: "Nước là sự sống, nước là thực phẩm. Không để ai bị bỏ lại phía sau" (Water is life, water is food. Leave no one behind).

ĐẾN đầu tháng 11 này, vẫn luôn có những số liệu nhói lòng, khi bạn lướt theo dòng các diễn biến thời sự quốc tế. Ở dải Gaza, ngày 31/10, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo: Hàng nghìn trẻ em đã thiệt mạng vì bom đạn, nhưng sẽ còn nhiều em nữa có nguy cơ phải rời bỏ cuộc sống vì thiếu nước sạch, nhất là với nhóm trẻ sơ sinh. Tại mảnh đất đau thương ấy, nguồn cung nước sạch đã chỉ còn lại khoảng 5%, so với trước khi các cuộc giao tranh bùng nổ.

Trước đó một ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo: 30 năm qua, những ngọn núi nghìn năm tuyết phủ ở Nepal, dưới chân "nóc nhà thế giới Himalaya", đã mất gần một phần ba lượng băng. Hệ quả của nó là gì? Là nước biển dâng. Là xâm nhập mặn. Là sự suy thoái nguồn nước ngọt cũng như sự hủy hoại các sinh quyển. Là sự thiếu hụt lương thực. Là nạn đói. Là bệnh tật. Là những đoàn người di cư tìm cả "miếng ăn" lẫn "nước uống" theo nghĩa đen.

Đây chính là những hình dung u tối gắn với viễn cảnh mà hồi tháng 8, Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) đã một lần nữa khẳng định: "Thế giới đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nước sạch chưa từng có, và nó đang càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn, khi đi kèm các hệ lụy của quá trình biến đổi khí hậu". Theo WRI, khoảng một nửa dân số thế giới đang đối mặt tình trạng "căng thẳng cao về nước sạch" trong ít nhất một tháng mỗi năm, và dự kiến tình trạng này sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Cuối tháng 9, Chính phủ Peru đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 544 khu vực trong vòng 60 ngày, nhằm ứng phó nguy cơ thiếu nước. Trong khi đó, người dân Uruguay chật vật tìm nước uống khi phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 70 năm. Tình trạng khan hiếm nước cũng ảnh hưởng đến 11% dân số Liên minh châu Âu (EU) trong mùa hè vừa qua. Tại khu vực Nam Á, hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng, trong khi ở Trung Đông và Bắc Phi, con số này là 83%.

NHƯ Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) khẳng định: Tài nguyên nước là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Trung bình một ngày, mỗi người cần uống từ 2-4 lít nước; và để làm ra số lương thực cần dùng cho mỗi con người trong mỗi ngày phải mất từ 2.000-5.000 lít nước. Bảo vệ an ninh nguồn nước, hay nói ngắn gọn là "gìn giữ tài nguyên nước", vì vậy, chính là trọng tâm để các quốc gia trên thế giới đạt những mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Trên thực tế, các chính phủ đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải bảo đảm việc tiếp cận nước công bằng cho mọi người dân, cũng như bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Trong vòng 20 năm qua, Trái đất đã mất khoảng một phần năm lượng nước ngọt sẵn có, và nếu không hành động ngay, tỷ lệ ấy sẽ là một phần ba, vào năm 2050.

Nước bao phủ khoảng 71% bề mặt Trái đất, nhưng chỉ khoảng 2,5% trong số đó là nước ngọt, thích hợp để uống cũng như sử dụng trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp (chiếm tới 72% lượng nước ngọt được sử dụng toàn cầu).

Bản đồ dự báo phân bổ nước của WRI thể hiện rõ: 60% số cây trồng cần tưới tiêu đang bị đe dọa bởi tình trạng căng thẳng về nước ở mức "cực kỳ cao", nhiều hồ chứa nước ngọt, sông suối trên thế giới đang dần cạn kiệt, nguồn nước ngầm đang suy giảm ở tốc độ rất nhanh.

Trong khi đó, nước ngọt đang bị hoang phí. Cả khối lượng và chất lượng nước lại cũng đều đang suy giảm nhanh chóng do quản lý kém, khai thác nước ngầm quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu trong nhiều thập niên qua, song song đà tăng dân số toàn cầu. Sự cạnh tranh để giành nguồn tài nguyên vô giá này ngày càng gia tăng. Cùng đó, theo hãng tin Bloomberg, giao dịch buôn bán nước sạch lại đang trở thành một ngành kinh doanh đầy triển vọng.

Vấn đề là, hơn 80% lượng nước được thải ra môi trường không được xử lý hoặc tái sử dụng. Gần một tỷ tấn thực phẩm (nghĩa là 17% tổng số thực phẩm có sẵn cho người tiêu dùng trên toàn thế giới) bị vứt bỏ mỗi năm, cũng chính là sự lãng phí các nguồn tài nguyên quý giá, tiêu biểu là nước, được sử dụng để sản xuất ra chúng.

Thay đổi nhận thức, từ cá nhân đến các định chế quản trị vĩ mô, như vậy, chính là điểm mấu chốt đầu tiên để thay đổi thực trạng về bảo vệ an ninh nguồn nước hiện tại. Như Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh: Tất cả chúng ta phải ngừng coi nước là tài nguyên vô hạn, và trọng tâm nhằm giải quyết những thách thức chồng chéo trước mắt phải là những kế hoạch phối hợp cấp quốc gia và khu vực.

ĐÓ cũng chính là những thách thức cơ bản được khẳng định ở cấp cao nhất, thông qua Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết luận chỉ rõ: "Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân". Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại một số hạn chế, yếu kém.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Việt Nam có 3.450 sông, suối, chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 108 lưu vực với 331.000 km2 lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta (chiếm 28,3% tổng diện tích của 108 lưu vực). Tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của các sông vào khoảng 830-840 tỷ m3. Cả nước có hơn 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tính khoảng 70 tỷ m3. Nguồn nước ngầm có trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm, tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam khoảng 1.940-1.960mm (tương đương 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành tài nguyên cũng nhấn mạnh, nguồn nước mặt của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh. Hằng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta khoảng 520 tỷ m3 nước, chiếm khoảng 63% tổng lượng nước mặt của Việt Nam. Nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo "An ninh và mất an ninh nguồn nước: tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học", tổ chức ngày 11/9 tại Bình Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết thêm: Trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước của Việt Nam đã tăng gấp ba lần.

Nhưng không chỉ vậy, việc sử dụng nước ở Việt Nam còn kém hiệu quả, lãng phí. Tổng lượng nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm hơn 80%, nhưng mỗi đơn vị m3 nước chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, trong khi mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD (số liệu từ Ngân hàng Thế giới).

Cùng với đó, nhiều vấn đề đe dọa an ninh nguồn nước ở nước ta xuất phát từ chính những nguyên nhân chủ quan. Đó là tình trạng ô nhiễm nguồn nước do xả thải bừa bãi không qua xử lý vào sông, suối, kênh, rạch; hoặc chôn lấp rác thải không đúng quy chuẩn, do khai thác khoáng sản, do sử dụng hóa chất bừa bãi trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đó là tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy, suy giảm diện tích đất rừng-nguồn sinh thủy...

BẠN tôi, một đạo diễn, khi thực hiện một bộ phim tài liệu về lực lượng nữ Thanh niên Xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng được nghe những câu chuyện trần trụi, khốc liệt, đau đớn, nhưng cực kỳ chân thực. Như là, phần thưởng cho các nữ Thanh niên Xung phong, y, bác sĩ hay văn công ở hỏa tuyến có lúc đơn giản chỉ là một xô nước sạch. Khi đến tháng, nỗi thèm muốn có nước sạch ở vài binh trạm lớn đến nỗi hồi tưởng lại, các bà, các cô vẫn đùa rằng họ sẵn sàng "yêu bất cứ ai mang nước sạch đến cho mình". Nếu không có ai, họ sẽ phải đi, vừa đi vừa ngã, suốt vài cây số luồn rừng, để xách được nước về. Có người vấp mìn, không về nữa. Có người về đến nơi, nước đã sánh ra, chỉ còn một chút dưới đáy xô. "Thiên đường hạnh phúc" của họ là tìm được một dòng suối, để ngâm mình xuống, thật lâu, cho dòng nước cuốn đi mọi mệt mỏi bức bối…

Chiến tranh lùi xa, thì đến thời bao cấp. Nước sạch không còn quý như máu nữa, nhưng ngay ở Thủ đô Hà Nội, cũng có biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu con người biết mặt nhớ tên nhau nhờ đứng xếp hàng ở các vòi nước công cộng, thậm chí là vào rạng sáng hay nửa đêm. Và cũng mới mấy năm gần đây thôi, những ánh mắt tuyệt vọng của bà con trồng thanh long tại Ninh Thuận, khi không có cách nào cứu thành quả lao động của mình dưới trời nắng lửa, vẫn còn như đau đáu.

Tương lai, bằng mọi giá, không thể là sự lặp lại những nỗi ám ảnh ấy từ quá khứ…