"Giáo dục khai phóng sẵn sàng cho thế giới ngày càng khó đoán định"

|

Từng là CEO Ngân hàng ANZ nhiều năm, chuyên gia tài chính Đàm Bích Thủy (ảnh bên) bỗng chuyển qua làm giáo dục và trở thành Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam khiến nhiều người bất ngờ, nhưng với bà đó là lẽ tự nhiên. Mặc dù vừa tuyên bố từ nhiệm chức Chủ tịch Đại học Fulbright vào mùa hè 2023 nhưng bà Đàm Bích Thủy vẫn đầy nhiệt huyết khi nói về ngôi trường này, về giáo dục khai phóng trong thế giới ngày càng khó đoán định, về giá trị căn tính Việt trong thời đại toàn cầu hóa...

Đại học Fulbright với triết lý giáo dục khai phóng có gì khác biệt để giúp những người trẻ thích ứng và thành công trong một thế giới ngày càng khó đoán định, hay còn gọi là thế giới VUCA, được định hình bởi sự Biến động (Volatility), Bất định (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity), thưa bà?

Trước hết tôi muốn nói, giáo dục khai phóng không phải là lời giải của tất cả mọi vấn đề của giáo dục Việt Nam, nó chỉ tạo ra một sự lựa chọn khác cho một số nhóm sinh viên khác. Tôi nghĩ, muốn phát triển, chúng ta cần đa dạng mô hình giáo dục cho những nhóm sinh viên có năng lực khác nhau.

Trong thời đại VUCA, nếu theo những dự báo khoa học hiện nay, khoảng 80% công việc của năm 2030, tức là chưa đầy 10 năm nữa, còn chưa xuất hiện. Rõ ràng, cách các trường đại học được thiết kế theo kiểu chỉ đào tạo những chuyên ngành hẹp như lâu nay đã trở nên lạc hậu với thời cuộc.

Điều giáo dục khai phóng làm được để sẵn sàng cho thế giới VUCA, đó là dạy rất rộng, người học có khả năng biết rất nhiều thứ. Tôi tin rằng giáo dục đại học của thế kỷ 21 phải làm thế nào để dạy cho sinh viên "học cách để học", để họ có thể liên tục tái tạo và học hỏi những kỹ năng mới. Một phông nền kiến thức rộng, mang tính liên ngành và đa ngành, chú trọng những kỹ năng như tư duy phản biện, tư duy giải quyết vấn đề và sáng tạo có lẽ nên là những cấu phần không thể thiếu trong bất kỳ một mô hình giáo dục đại học nào. Nhờ đó, giúp cho người học quan sát sự thay đổi và tìm được những gì liên quan đến nhau, từ đó định hình ra bước sắp tới trong tương lai với khả năng chuyển đổi và thích ứng rất dễ dàng.

Nhưng để tạo sự thay đổi trong giáo dục không dễ dàng khi mà hầu hết người Việt Nam đều nghĩ học đại học để lấy một nghề. Một số người đặt câu hỏi với chúng tôi: Tại sao sinh viên phải học âm nhạc, nghệ thuật để làm gì, sao không học luôn về Toán ứng dụng và Khoa học máy tính luôn? Nhưng qua quá trình 4 năm học của lứa sinh viên đầu tiên, tôi nhận thấy nhận thức ấy đã thay đổi. Nhờ học nhiều lĩnh vực tri thức cơ bản từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, cho tới nhân văn và nghệ thuật, sinh viên đã có những phổ rộng để trải nghiệm, khi đi thực tập các em được đánh giá cao vì kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm tốt hơn nhiều so với kỳ vọng.

Tôi nghĩ mô hình giáo dục khai phóng cùng với thời gian, phải chứng minh được sản phẩm đầu ra có chất lượng thực sự, giải được bài toán về chất lượng nhân lực, như thế dần dần sẽ thúc đẩy hệ thống thay đổi.

Việt Nam đang trong công cuộc đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng 4.0, trong đó yêu cầu rất cao về chất lượng nguồn nhân lực. Theo bà chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là những nhân lực đã qua đào tạo đại học hiện nay đã sẵn sàng cho công cuộc đổi mới sáng tạo hay chưa?

Tôi cho rằng việc chuẩn bị cho nguồn nhân lực ấy vẫn chưa tới, rất chậm vì nhiều lý do. Nếu đổ tất cả lỗi cho ngành giáo dục thì cũng không phải, mà một phần vì chúng ta chưa có hệ sinh thái để giúp người trẻ thử nghiệm những ý tưởng mới. Ở Việt Nam thì sự an toàn được đặt lên hàng đầu, tâm lý sợ sai, sợ thất bại lấn át, như vậy làm sao đổi mới sáng tạo. Chúng ta chưa có văn hóa chấp nhận thất bại khi khởi nghiệp, mà xem thất bại như một vết nhơ, chỉ có thành công mới được ca ngợi. Nhưng thất bại cũng là mẹ của thành công.

Giáo dục không thể "ăn xổi", khó có thành quả ngay nhưng chúng ta thường thiếu kiên nhẫn. Vì bệnh thành tích, nhiều nơi, nhiều trường tìm cách này hay cách khác, "đốt cháy giai đoạn". Bệnh thành tích trong giáo dục thực chất là cũng chỉ thích thành công mà sợ thất bại. Tôi thấy bệnh thành tích rất nguy hiểm, chỉ khuyến khích một kiểu học sinh nghĩ rất giống nhau, làm giống nhau, viết giống nhau kiểu "văn mẫu" và như thế sinh ra nhưng thế hệ rất thụ động.

Trong lý thuyết "nguồn vốn con người" (human capital) nổi tiếng, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Gary Becker đã chỉ ra nguồn vốn con người thường chiếm từ 70-75% khả năng thịnh vượng của một quốc gia. Becker đã chỉ ra các nước châu Á từ Hàn Quốc đến Trung Quốc như là những thí dụ về những nền kinh tế đã sử dụng giáo dục để thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù có rất ít tài nguyên thiên nhiên, nhưng họ đầu tư mạnh cho hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học nhằm phát triển nguồn nhân lực của mình và gặt hái những phần thưởng xứng đáng.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ nếu muốn học hỏi bài học thành công của họ. Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi chúng ta đang sống trong thời đại mà những thay đổi diễn ra một cách chóng mặt và khó đoán định do tốc độ phát triển của khoa học-công nghệ. Để tiếp tục phát triển và đạt được những thành tựu kinh tế-xã hội tốt hơn, Việt Nam buộc phải chuyển đổi thành công sang các hoạt động kinh tế thâm dụng tri thức và giá trị gia tăng cao. Bởi vậy, lực lượng lao động có kỹ năng và chất lượng cao sẽ là điều kiện tiên quyết.

Giờ đây, nhiều bạn trẻ trở thành công dân toàn cầu, có trình độ và kỹ năng cao, nhưng theo bà đâu sẽ là điều tạo nên sự khác biệt của người Việt Nam trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thời đại toàn cầu hóa?

Tôi cho rằng rằng cái quan trọng nhất là phải có một căn tính Việt Nam rõ ràng. Dù nói tiếng Anh như gió hay hát K-pop giỏi nhưng nếu không có căn tính Việt Nam thì mất gốc rễ. Nhiều bạn trẻ hỏi: Cái gì có thể giúp các bạn ấy cạnh tranh trong thị trường toàn cầu? Tôi luôn có quan điểm rằng cạnh tranh không phải là các em giỏi cái gì mà quan trọng là điểm khác biệt của em so với người khác là gì?

Điểm khác biệt duy nhất: em là người Việt Nam. Vậy người Việt Nam có điểm mạnh gì cần phát huy? Chính vì thế Fulbright mặc dù là trường đại học mang tên một người Mỹ nhưng chúng tôi luôn muốn vun đắp căn tính Việt và đầu tư nhiều nhất cho khoa Việt Nam học, đầu tư về sách, về các hội thảo, các sự kiện. Chúng tôi đã tổ chức tuần lễ Kiều, tuần lễ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, rồi hội thảo quốc tế về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, sinh viên đều rất say mê tìm hiểu.

Khi tổ chức tuần lễ Kiều, lúc đầu chúng tôi không chắc thanh niên bây giờ có hứng thú với truyện thơ chữ Nôm này. Nhưng những gì diễn ra cho thấy sinh viên rất hào hứng, thay vì đọc thuộc Kiều nhiều em diễn giải Kiều bằng những hình thức sinh động như rap, nhạc kịch. Từ đó, tôi nhận ra khi xây dựng căn tính, không nhất thiết phải theo một mô hình nào đó mà điều quan trọng là phải hiểu được gốc rễ của mình ở đâu, có niềm tin vào gốc rễ của mình hay không. Từng có thế hệ sinh viên từ chối nguồn gốc Việt Nam, họ phải cố giống người nước này, người nước kia. Nhưng rồi họ nhận thấy nếu cứ giả vờ như thế thì không có cửa để cạnh tranh.

Điều tôi tâm đắc nhất trong giáo dục là làm sao cho giới trẻ vẫn là những công dân toàn cầu nhưng phải có căn tính Việt. Điều đó tạo ra sự khác biệt không ai có thể sao chép được, chứ nói tiếng Anh như người bản xứ cũng không có cách gì thành bản xứ được đâu. Mà tại sao lại cạnh tranh bằng thế yếu mà không cạnh tranh bằng thế mạnh của mình?

Giới thiệu văn hóa Việt Nam không nhất thiết phải ngồi trong lớp, đọc sách nghe giảng mà cho các em sống trong không gian văn hóa, tự các em sẽ tìm ra được phần nào cảm thấy rung động. Để có căn tính Việt, giới trẻ cần sự hun đúc, thẩm thấu một cách tự nhiên chứ không phải sự áp đặt. Nếu áp đặt, giới trẻ sẽ có tâm lý phản kháng.

Những trải nghiệm về dạy con của bà có giống với những gì bà nói ở Đại học Fulbright?

Thật ra, tôi dạy con không khác tôi nói với sinh viên. Thí dụ, thời còn làm Tổng Giám đốc ANZ, tôi có điều kiện cho con học trường quốc tế nhưng tôi muốn con học trường Việt Nam, bởi vì tôi hiểu tầm quan trọng của việc thành thạo tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt. Tôi không muốn một đứa trẻ thành người nước ngoài trên chính đất nước của nó. Tôi cũng không dạy con nói và viết theo văn mẫu và chấp nhận kể cả điểm không cao. Thời đó cũng đã hơn 20 năm rồi.

Bà nhận định thế nào về xu hướng của giáo dục Việt Nam trong thời gian tới?

Tôi nghĩ rằng càng ngày xã hội sẽ tham gia vào càng nhiều, rút dần sự phụ thuộc nhiều vào nhà nước, mặc dù nhà nước vẫn phải đóng vai trò trụ cột trong một số ngành không có tính hấp dẫn đối với khu vực tư nhân. Tôi thấy càng ngày khu vực tư nhân càng tham gia sâu. Thí dụ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp tài chính, nhận sinh viên. Vấn đề là từng trường sẽ tạo ra cơ chế thế nào để khuyến khích xã hội tham gia vào. Nhưng đừng xã hội hóa theo cách tuyển sinh rất đông và thu nhiều học phí mà phải làm sao để xã hội cùng đồng hành với mình. Tôi có cảm giác, khái niệm xã hội hóa giáo dục của chúng ta đang bị hiểu theo một nghĩa khá cực đoan, trở thành thương mại hóa giáo dục. Và nếu giáo dục bị thương mại hóa cao độ, thì những hệ lụy đi kèm rất đáng quan ngại, đặc biệt là cơ hội tiếp cận công bằng với giáo dục đại học của mọi người sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Với Fulbright, nguồn tài chính đến từ các Mạnh Thường Quân, từ các tổ chức quốc tế, từ những ai mong muốn cung cấp một nền giáo dục như vậy. Mô hình này ở nhiều nước phát triển khá phổ biến. Tôi nghĩ những hoạt động này sẽ ngày càng nhiều hơn. Điều quan trọng nhất là quan hệ hai chiều, người có tiền sẵn sàng đóng góp, nhưng các tổ chức nhận đóng góp phải chịu trách nhiệm giải trình và minh bạch các hoạt động để người ta thấy yên tâm tiền sử dụng đúng mục đích. Vấn đề quan trọng nhất là niềm tin.

Xin trân trọng cảm ơn bà!