VỀ chuyên môn, kết thúc ASIAD 19, Đoàn Thể thao Việt Nam đã đoạt được ba huy chương vàng (bắn súng, cầu mây, karatedo), năm huy chương bạc và 19 huy chương đồng, qua đó hoàn thành chỉ tiêu đề ra: hai đến năm huy chương vàng. Các vận động viên đã thi đấu hết mình vì mầu cờ sắc áo của Tổ quốc, và dù nhiều bộ môn không đạt huy chương vàng (như thể dục dụng cụ, bắn cung, bóng chuyền...), chúng ta đã thể hiện tiến bộ vượt bậc, đặc biệt ở các vận động viên trẻ.
Về thông số thành tích, bên cạnh những tấm huy chương vàng, Việt Nam sở hữu nhiều điểm nhấn đáng khích lệ. Nguyễn Huy Hoàng cán đích nội dung bơi 800m tự do với 7 phút 51 giây 44, đã tốt hơn 2,88 giây so huy chương đồng giành được tại ASIAD 18. Hay như nội dung 4x400m tiếp sức của điền kinh, thành tích 3 phút 31 giây 61 đã vượt qua mức 3 phút 32 giây 36 ở Giải vô địch châu Á 2023.
Đặc biệt, vị trí thứ tư là thành tích tốt nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam tại các kỳ ASIAD. Dù để thua 0-3 trước Thái Lan ở trận tranh huy chương đồng, các cô gái của chúng ta cũng đã cho thấy sức vươn mạnh mẽ khi vượt qua những đối thủ đẳng cấp như Triều Tiên và Hàn Quốc.
Dẫu vậy, ASIAD 19 vẫn để lại nhiều tiếc nuối. Trước thềm Đại hội, cua-rơ Nguyễn Thị Thật bị chấn thương và mới tập luyện trở lại được một tháng. Tới lúc thi đấu, Thật đã bị kẹt lại ở nhóm đua thứ hai. Thay vì chờ đợi đến khoảng cách chừng 200m, tay đua này đã quyết định mạo hiểm nước rút sớm từ khoảng cách 300m để bứt lên nhóm cạnh tranh ngôi vị dẫn đầu. Song, nỗ lực ấy là chưa đủ để san lấp khoảng cách và Thật chỉ chịu thua vận động viên giành huy chương vàng đúng một thân xe.
Trên bảng xếp hạng huy chương chung cuộc ASIAD 19, Đoàn Thể thao Việt Nam dừng ở vị trí thứ 21. Nếu chỉ tính riêng nhóm các nước Đông Nam Á, chúng ta xếp thứ sáu, ngay sau Singapore (hạng 20), Philippines (hạng 17), Malaysia (hạng 14), Indonesia (hạng 13) và Thái Lan (hạng 8).
Đây không phải thông tin gây quá nhiều bất ngờ. Theo thống kê, xuyên suốt hơn 40 năm tham dự ASIAD (từ năm 1982), thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam là hạng 15 toàn đoàn (năm 2002) và hạng tư Đông Nam Á (hạng 16 toàn đoàn, năm 2018). Còn lại, chúng ta thường xuyên duy trì các vị trí từ hạng 5 đến 7 so các nước trong khu vực.
Nhìn vào Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mục tiêu đặt ra là từ năm 2019, thể thao Việt Nam phải đạt 10-15 huy chương vàng, xếp hạng từ 10-15 châu Á, để rồi phấn đấu lọt top 10 nền thể thao hàng đầu châu lục. Hiện tại, nếu tính cả năm tấm huy chương bạc, Việt Nam chỉ lọt vào tám trận chung kết ở ASIAD 19. Như vậy, để đạt được mục tiêu đề ra với tối thiểu 10 huy chương vàng, vẫn còn cả một chặng đường dài đầy thử thách khắc nghiệt.
Phân tích các môn thể thao đạt huy chương vàng của các nước Đông Nam Á chúng ta thấy rất rõ: Hầu hết huy chương của họ đến từ các môn thể thao đã được xã hội hóa, cũng như các môn thể thao truyền thống có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học.
Như nhận định của Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt, công tác tuyển chọn vận động viên, tuyển chọn nhân tài cho thể thao Việt Nam còn nhiều khó khăn. Hoạt động tuyển chọn tài năng giống như việc "đãi cát, tìm vàng". Chúng ta cần một quy trình toàn diện, khoa học và bài bản, cần xác định môn nào là trọng điểm, cần phải có hệ thống tuyển chọn và hệ thống thi đấu ngay từ cấp tiểu học và phải được triển khai sâu rộng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Còn hiện tại, việc đầu tư trọng điểm chỉ diễn ra trong tập huấn, thi đấu cấp độ đội tuyển và tuyển trẻ.
Muốn giải quyết trọn vẹn bài toán trên, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể thao được xem như giải pháp mang tính căn bản. Tất nhiên, sẽ không có điều gì là dễ dàng. Bây giờ là thời điểm không thể phù hợp hơn để đưa ra những sự cải cách toàn diện.
Olympic Tokyo đánh dấu lần đầu, thể thao Việt Nam không thể giành bất kỳ huy chương nào kể từ năm 2004. Điều này hoàn toàn có thể lặp lại tại Olympic Paris 2024, bởi với hầu hết các bộ môn, chuyện "có vé tham dự sân chơi Olympic đã là thành công đáng mừng".