Nỗi lo nơi Đất Mũi

|

Cà Mau nằm ở cuối vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là khu vực đất thấp, được phù sa bồi tụ và có đến ba mặt giáp biển nên rất dễ bị tổn thương bởi các hình thái cực đoan của biến đổi khí hậu. Tại các khu vực trên, đê biển giữ vai trò tấm "lá chắn" tuyến đầu bảo vệ sản xuất và cuộc sống của người dân nhưng luôn trong tình trạng bị uy hiếp, đe dọa…

Với chiều dài bờ biển 254 km, Cà Mau là địa phương đứng thứ ba cả nước về tỷ lệ biển tiếp giáp bờ. Trong đó, khu vực bờ biển phía đông chưa có đê phòng hộ, còn bờ Biển Tây hình thành đê từ ngay sau cơn bão Linda vào năm 1997, nhờ công sức của chính quyền và nhân dân địa phương.

Giữ đê trước sóng dữ, triều dâng

Nhờ có đê Biển Tây mà trong suốt thời gian dài, hàng chục nghìn ha đất sản xuất của cư dân vùng ngọt Cà Mau được bảo vệ trước xâm thực mặn từ biển. Tuy nhiên, hơn chục năm gần đây, nước biển dâng và sạt lở đã tàn phá nghiêm trọng đai rừng phòng hộ phía ngoài đê. Sạt lở diễn ra hầu như quanh năm khiến nhiều khu vực như Đá Bạc-Kênh Mới, Hương Mai, Rạch Dinh… không còn đai rừng. Tại các khu vực nêu trên, đê biển phải đối đầu trực diện trước biển…!

Hạt trưởng Quản lý đê điều Cà Mau Bùi Văn Đông cho biết, trong nhiều năm liền, Cà Mau ban bố tình huống hộ đê khẩn cấp tại những khu vực không còn đai rừng, sóng đánh trực diện uy hiếp an toàn đê, nguy cơ vỡ đê, đồng thời cầu cứu sự hỗ trợ từ bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

Bảo vệ đê trước sóng dữ, triều dâng…, Cà Mau huy động một lượng lớn nhân lực, vật tư..., dùng cừ tràm, cừ dừa cắm xuống biển nhằm ngăn sóng áp bờ đánh trực diện vào thân đê. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, những loại cừ trên bị sóng dữ làm hư hỏng. Lực lượng chuyên trách nghĩ ra cách dùng kè rọ đá thả xuống biển áp sát thân đê nhằm gia cố đê. Tuy nhiên, chỉ sau hai, ba mùa biển động, nhiều đoạn kè rọ đá đã bị oxy hóa, đứt mối nối, chịu chung "số phận" như những đoạn kè bằng gỗ.

Các chuyên gia về đê điều và thủy lợi ở Cà Mau mày mò ra giải pháp ứng phó mới là cắm hai hàng cọc bê-tông nằm song song phía xa ngoài đê, bỏ đá vào giữa, sau đó gắn kết chúng bằng những đà chịu lực. Giải pháp công trình trên được gọi là "kè bê-tông ly tâm dự ứng lực". Từ một vài đoạn thí điểm ban đầu, sau thời gian kiểm chứng và nhận thấy mang lại kết quả tốt, Cà Mau dần áp dụng đại trà cho nhiều vị trí sạt lở đất xung yếu ven bờ Biển Tây, ưu tiên tại những nơi không còn cây rừng phòng hộ, nguy cơ vỡ đê cao. "Từ hồi có kè biển ngoài đê, tôi thấy sóng biển vào bờ yếu hơn, bên trong kè bồi tụ nhiều đất bùn, lâu ngày cây rừng tái sinh rồi thành những thảm rừng xanh tươi. Nhờ đó, gia đình tôi sinh sống phía sau đê bớt lo sợ sóng dữ gây vỡ đê" - ông Nguyễn Minh Chiến, hộ dân có đất sản xuất sau đê Biển Tây, đoạn thuộc ấp 8 (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) chia sẻ.

Nhờ sự hỗ trợ từ Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, đến nay, khoảng 40% chiều dài bờ Biển Tây đã có kè biển chắn sóng, bảo vệ đê từ vòng ngoài tại các khu vực xung yếu, với tổng kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng. Phần nhiều trong số đó là "kè bê-tông ly tâm dự ứng lực". Tùy theo mức độ và thời gian hoàn thành khác nhau, phía sau các công trình kè giờ đã có các thảm rừng tái sinh. Chúng được xem là "áo giáp" sinh thái bảo vệ đê Biển Tây.

Cần sự đầu tư đồng bộ

Những năm gần đây, ngành chức năng Cà Mau còn chủ động trồng nhằm khôi phục lại đai rừng tại những khu vực bãi bồi bên trong kè biển chắn sóng khu vực đê Biển Tây.

Tại khu vực bên trong kè biển thuộc huyện U Minh, đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa và khu vực cống T29, đến nay, ngành chức năng đã hoàn thành kê líp, trồng rừng với chiều dài 9,7 km. "Với 186 líp (mỗi líp rộng 12 m, dài 80 m) đã trồng xong và cây đang phát triển tốt (mỗi mặt líp trồng được hơn 3.300 cây mắm trắng) thì không lâu nữa, khu vực ven biển dài gần 10 km nêu trên sẽ có đai rừng phòng hộ dày đặc trở lại" - Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau Trần Thanh Út cho biết.

Thống kê từ ngành lâm nghiệp Cà Mau, trong giai đoạn từ 2011-2021, tỉnh này đã có hơn 5.200 ha đất và rừng phòng hộ ven biển bị mất đi do sạt lở, trong đó một diện tích không nhỏ thuộc khu vực bờ Biển Tây. Thấy rõ hiểm họa "điểm nóng" về sạt lở nêu trên nên Trung ương đã hỗ trợ Cà Mau hàng nghìn tỷ đồng để triển khai nhiều dự án, công trình ứng phó với sạt lở vùng ven biển.

Nhờ sự tiếp sức đó mà đến nay, khu vực ven Biển Tây đã có hơn 43 km kè đã được xây dựng, cùng hơn 51 km đê biển đã được nâng cấp (đoạn từ Sông Đốc đến Khánh Hội và từ Hương Mai đến Tiểu Dừa) và một số công trình phục vụ dân sinh, trong đó có bảy dự án dân cư, giúp bố trí, sắp xếp được khoảng 1.300 hộ dân vùng dễ tổn thương ven biển vào sinh sống an toàn.

Theo ông Trần Tấn Công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời, tại các khu vực đê đã được nâng cấp, tuyến đê bằng đất trước đây đã được bồi trúc cao đến 3 m, bề mặt có đường bê-tông kiên cố, bảo đảm xe ô-tô lưu thông dễ dàng bất kể nắng mưa. "Đường giao thông trên đê đáp ứng nhiều yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau, cả phòng chống lụt bão, an ninh quốc phòng và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống của dân trong vùng khá ổn định, các hoạt động thương mại sôi động như chốn thị thành" - ông Công chia sẻ.

Trong tháng 8/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh, tổng chiều dài hơn 29 km. Tuy nhiên, các "điểm nóng" về sạt lở chủ yếu ven bờ Biển Đông. Khu vực ven đê Biển Tây tuy vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đã và đang bộc lộ những "lỗ hổng" cần sớm có giải pháp, nguồn lực… để hoàn thiện nhằm phát huy tối đa công năng, hiệu quả các công trình đã đầu tư.

Trước hết, đó là việc nâng cấp đê Biển Tây chưa đồng bộ. Suốt tuyến trên hiện còn khoảng 50% chiều dài đê chưa được nâng cấp, mặt đê cũ bằng đất, cao trình nơi cao nhất dương 1,6m, nơi thấp nhất chỉ khoảng 1m. Trong khi đó, triều cường các năm gần đây đo được tại Cà Mau trung bình từ 2,2 đến 2,6m và có thời điểm cao hơn. Vì thế, triều cường thường xuyên tràn qua khu vực đê chưa nâng cấp, gây hại đến sản xuất của người dân, đặc biệt là đoạn từ cửa biển Hương Mai về Khánh Hội, và đoạn khu vực cuối đê Tây (từ Sông Đốc về Cái Đôi Vàm).

Đi kèm với nỗi lo triều dâng tại những đoạn đê chưa nâng cấp là sinh kế của người dân đã được di dời, bố trí vào sinh sống tại các khu tái định cư ven biển. Trong 13 khu tái định cư mà Cà Mau đang triển khai, có bảy khu đã hoàn thành và bố trí dân cư vào sinh sống. Nhưng vì nhiều lý do, hiệu quả nhiều khu tái định cư chưa mang lại kết quả kỳ vọng, sinh kế của người dân không bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Cũng vì lẽ đó, có nhiều trường hợp hộ dân đã bỏ đi nơi khác hoặc tìm về chốn cũ vùng ven biển để tìm kế sinh nhai.

Với giải pháp đầu tư công trình kè phía ngoài đê, tuy bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo được bãi bồi để khôi phục rừng, nhưng tại nhiều vị trí đã đầu tư, cao trình đỉnh kè còn khá thấp trong khi nước biển ngày càng dâng cao. Do đó, các công trình đầu tư mới cần nghiên cứu, tính toán đến chiều cao đỉnh kè phù hợp với mức tăng của nước biển.

Trong lần khảo sát thực tế về sạt lở gần đây, khi làm việc với nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu địa phương trong vùng sạt lở: Chủ động các biện pháp nhằm ổn định nơi ở cho người dân, tránh để bị động, bất ngờ; tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Về lâu dài, theo lời Thủ tướng, cần nghiên cứu làm các dự án mang tính chiến lược, rất căn cơ, bài bản cho cả vùng để khắc phục tình trạng sạt lở. Trong đó, ưu tiên nghiên cứu cách làm "ba trong một" như Cà Mau: Nâng cấp đê gắn với làm đường giao thông; phá sóng, ngăn chặn sạt lở; giữ đất phù sa, tạo cơ hội lấn biển những nơi có điều kiện nhưng không ảnh hưởng môi trường.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: Do nguồn lực còn hạn chế nên chúng tôi chỉ ưu tiên đầu tư công trình tại những nơi cần thiết nhất với những biện pháp phù hợp nhất nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra. Nhờ những công trình đã đầu tư hoàn thành mà trong 5 năm gần đây, Cà Mau khôi phục lại được gần 1.000 ha rừng phòng hộ; đê Biển Tây nhiều lần bị sóng biển uy hiếp nhưng cũng không đoạn nào bị phá vỡ, góp phần bảo vệ an toàn hàng chục nghìn héc-ta đất sản xuất vùng ngọt của địa phương .