Hướng tới xuất khẩu đạt mốc 1.000 tỷ USD - Bài 3: “Đầu tàu” kinh tế sẽ tăng trưởng 2 con số

|

Là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, năm 2024, TPHCM lần đầu tiên thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở để thành phố “chốt” tăng trưởng kinh tế 10% cho năm sau, sẽ đóng góp lớn hơn cho kinh tế cả nước.

Điểm tựa nguồn lực

Phân tích cơ cấu nguồn thu, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng cho biết, thu nội địa năm nay chiếm 71% và tăng 17,6% so với năm ngoái. Một số sắc thuế có số thu tăng cao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 19,4%, tập trung ở một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, thương nghiệp, tài chính ngân hàng…

Kiểm kê hàng hóa trước khi xuất khẩu, tại Nhà máy Tôn Đông Á. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên cạnh đó, thuế VAT tăng 12,2% nhờ sự phục hồi kinh tế của các ngành. Thuế thu nhập cá nhân chiếm 12,9% tổng thu và tăng 15,6%, trong đó thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tăng 59,2%. Đồng thời, các khoản thu về nhà đất tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, trong đó tiền thuê mặt đất, mặt nước tăng 14,5% do các đơn vị nộp tiền thuê đất trước hạn và phát sinh khoản nộp tiền thuê đất một lần.

Trong năm 2024, sự phục hồi của kinh tế thành phố và các chính sách liên quan đến bất động sản thay đổi, dẫn đến thị trường tích cực đã góp phần lớn vào tăng thu ngân sách năm 2024 là 12% so với năm 2023. Một trong những ngành tăng trưởng mạnh tạo nên dấu ấn rõ nét chính là du lịch.

Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), chia sẻ, năm 2024 là một năm đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội đối với ngành du lịch Việt Nam. Cả năm 2024, Saigontourist Group đạt mức tổng doanh thu 16.900 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, tổng lãi gộp thực hiện được 4.353 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Về lượng khách cả năm, Saigontourist Group đón tiếp và phục vụ trên 2 triệu lượt, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, với sự đóng góp khá lớn từ khối trực tiếp kinh doanh và liên doanh nước ngoài.

Để đạt được thành quả này, Saigontourist Group đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc chủ động tổ chức và tham gia nhiều sự kiện quốc tế quy mô lớn tại các thị trường trọng điểm. Đó là phát động điểm đến Việt Nam tại Trung Quốc; xúc tiến du lịch tại Campuchia năm 2024; xúc tiến du lịch châu Âu; giới thiệu điểm đến Việt Nam và ký kết biên bản hợp tác phát triển dịch vụ du lịch hai chiều Việt Nam - Malaysia; giới thiệu điểm đến Việt Nam tại Nhật Bản và lễ kỷ niệm 30 năm đường bay Việt Nam - Nhật Bản, cùng các hoạt động xúc tiến, quảng bá kết nối doanh nghiệp dịch vụ, du lịch của hai quốc gia…

Nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của du khách, TPHCM liên tục đầu tư, chăm chút các địa điểm du lịch. Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, nên thành phố đã chỉ đạo ngành du lịch cần chăm chút cho từng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là du lịch “xanh”, bền vững.

Khép lại năm 2024, TPHCM đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu khoảng 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Là thành phố đông dân nhất cả nước, lĩnh vực thương mại năm 2024 cũng khá khởi sắc. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, thành phố đã giao Sở Công thương thúc đẩy tiêu dùng nội địa và lấy tiêu dùng nội địa làm một trong những trụ cột, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Thông qua nhiều biện pháp thực hiện tích cực, lĩnh vực thương mại, bán buôn, bán lẻ của TPHCM đạt kết quả rất khả quan.

Tăng tốc

Sự bứt phá của năm 2024 là cơ sở để TPHCM đưa ra chỉ tiêu thực hiện tăng trưởng 10% cho năm tới. Tất nhiên, quyết tâm thôi chưa đủ mà đòi hỏi phải có giải pháp đủ mạnh, tổng lực. Trước hết, phải nhận diện và làm mới lại tiềm năng vốn là thế mạnh và là động lực tăng trưởng của thành phố.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, chia sẻ, thành phố đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư. Đồng thời, áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư như miễn, giảm thuế 10% trong thời hạn 15 năm, hoặc không quá 30 năm; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất…

“Việc gia cố nội lực chính là cơ sở thuận lợi để hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, khẳng định.

Nhận diện điểm yếu của thành phố cần sớm khắc phục, ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM, phân tích, hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành công nghiệp, tình trạng tắc nghẽn giao thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn vẫn diễn ra. Tình trạng thiếu, chưa tạo được quỹ đất công nghiệp sạch, lớn, nhất là cho các nhà đầu tư “đại bàng” cũng như chi phí cho việc thuê đất và đầu tư cao đang làm giảm sức cạnh tranh.

Ở khía cạnh khác, liên kết chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn nhiều hạn chế, trong khi công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Ngoài ra, môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chánh còn nhiều hạn chế, rào cản. Do đó, thành phố nên thực hiện nhanh chóng các dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, mở rộng các cửa ngõ, các tuyến metro… để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thành phố.

Dưới góc nhìn khác, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đề nghị, thành phố đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, giảm thâm dụng lao động trong các ngành công nghiệp; đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, sản xuất chip, bán dẫn. Vấn đề then chốt chính cho sự thành công là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với các ngành lĩnh vực mới.

Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI:

Cùng với nỗ lực phi thường là các giải pháp phải cụ thể

Giải pháp tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 là thách thức đối với TPHCM, bởi với quy mô kinh tế lớn thì tăng trưởng cao là rất khó khăn. Bên cạnh nỗ lực phi thường là các giải pháp phải cụ thể. Trước hết, để đạt tăng trưởng 10% thì tổng đầu tư toàn xã hội của TPHCM phải đạt 500.000 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư từ ngân sách khoảng 100.000 tỷ đồng, chiếm 20%; còn 400.000 tỷ đồng sẽ được huy động từ đầu tư xã hội. Để huy động được nguồn vốn này, chúng ta cần thực hiện các giải pháp tháo gỡ các dự án đang tồn đọng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ chương trình kích cầu của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC).

HFIC hiện sẵn sàng 5.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình này, tuy nhiên thành phố sẽ huy động các nguồn để nâng con số này lên 10.000 tỷ đồng. Từ số vốn mồi này, TPHCM sẽ huy động thêm các ngân hàng thương mại cùng tham gia hợp vốn, để có được 40.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay đã có BIDV và Agribank tham gia. Trong tháng 12 này, TPHCM sẽ duyệt ít nhất 6 dự án để triển khai ngay. Bên cạnh đó là các giải pháp cụ thể về tiêu dùng, xuất khẩu và các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số. Nếu trong kịch bản tăng trưởng cũ (8%-8,5%), công nghiệp tăng 7%-7,5%, thì với kịch bản tăng trưởng 10%, công nghiệp phải tăng cao hơn nữa. Tăng trưởng thương mại cũng phải đạt trên 2 con số. Đặc biệt phải tạo sự đột phá về du lịch.

Hướng tới xuất khẩu đạt mốc 1.000 tỷ USD - Bài 1: Năm 2024 - Thành quả ấn tượng