Giải bài toán sáp nhập cơ sở giáo dục

|

Trước thực trạng tuyển sinh èo uột, thu không đủ chi, hàng loạt trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã và đang lên kế hoạch sáp nhập. Đây cũng là mục tiêu nhằm tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc sáp nhập phải đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, giảm lượng - tăng chất.

Nhộn nhịp sáp nhập

Cuối tháng 5-2024, UBND tỉnh Tây Ninh có buổi làm việc với đoàn công tác của Trường ĐH Sư phạm TPHCM đến khảo sát và đề xuất thành lập phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TPHCM tại tỉnh này.

Tại buổi làm việc, đại diện Trường ĐH Sư phạm TPHCM đề xuất thành lập phân hiệu trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Sư phạm tỉnh Tây Ninh, thực hiện chức năng tuyển sinh, đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng ngắn hạn, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc chức năng của Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Đại diện UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng việc thành lập phân hiệu nhằm đổi mới giáo dục, đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu nguồn lực tại tỉnh, đảm bảo theo định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh Tây Ninh. Trước đó, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng thành lập phân hiệu tại tỉnh Long An trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Long An. Năm 2024, trường chính thức tuyển sinh tại phân hiệu này.

Sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM tại phân hiệu tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: THANH HÙNG

Tương tự, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và đưa ra đề xuất Trường ĐH Quảng Nam trở thành thành viên của ĐH này. Qua đó nâng tầm, tạo vị thế mới cho Trường ĐH Quảng Nam cũng như giải quyết vấn đề tuyển sinh của trường vì liên tiếp những năm gần đây, tỷ lệ tuyển sinh của trường đạt khá thấp so với chỉ tiêu.

Nhiều trường ĐH tại TPHCM cũng đã sáp nhập các trường CĐ, ĐH thành phân hiệu hoặc trường thành viên. Cụ thể, năm 2021, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và UBND tỉnh Ninh Thuận đã thống nhất việc sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận vào phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tại Ninh Thuận. Năm 2019, Bộ GD-ĐT có quyết định thành lập phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TPHCM (nay là ĐH Kinh tế TPHCM) tại tỉnh Vĩnh Long trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Kinh tế tài chính Vĩnh Long. Trường CĐ Tài chính Hải Quan sáp nhập với Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM vào năm 2017. Năm 2019, chủ quản của Trường ĐH An Giang chuyển từ UBND tỉnh An Giang sang Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, và trường này trở thành trường thành viên thứ 8 của ĐHQG TPHCM.

Trong khi đó, mảng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng đang nhộn nhịp việc sáp nhập các cơ sở. Cụ thể, đến năm 2025, cơ sở GDNN công lập sẽ giảm khoảng 20% so với năm 2020. Đây là mục tiêu đặt ra trong quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10-3-2023. Theo đó, trường trung cấp công lập sẽ giảm khoảng 40%; các cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài tăng khoảng 45%; hoàn thành việc sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên - GDNN, dạy nghề thành một cơ sở GDNN trên địa bàn cấp huyện...

Phải đảm bảo chất lượng

Theo PGS-TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, sau khi sáp nhập trở thành trường thành viên của ĐHQG TPHCM, nhà trường thoát khỏi tình trạng khó khăn về nhiều mặt. Từ năm 2019 đến nay, trường tuyển sinh luôn đạt kết quả tốt và được nhận nhiều dự án, nhiều chương trình hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như được tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, thu hút cán bộ giỏi về công tác tại trường.

Chia sẻ về những vấn đề gặp phải khi sáp nhập Trường CĐ Tài chính Hải Quan từ năm 2017, ThS Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho biết: ngoài chủ trương và các thủ tục pháp lý của cơ quan quản lý, hàng loạt vấn đề phải giải quyết như nhân sự, lộ trình chuẩn hóa, lương bổng, cơ sở vật chất… Vướng mắc lớn nhất là chưa có văn bản nào hướng dẫn nên nếu không quyết tâm, không có sự đồng thuận từ nhiều phía thì sẽ rất khó khăn khi thực hiện. Điều thuận lợi đối với nhà trường là cả hai trường đều thuộc Bộ Tài chính nên những vướng mắc được giải quyết nhanh chóng. Từ khi sáp nhập đến nay, cơ sở vật chất của trường được mở rộng, đội ngũ giảng viên được nâng lên và chất lượng đào tạo ngày càng cải tiến.

Theo TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, có thời gian do thành lập quá nhiều trường CĐ, ĐH nên sinh ra khủng hoảng thừa, tuyển sinh khó khăn, ngân sách không đủ choàng gánh. Đây là thời kỳ quá độ để sắp xếp lại và khẳng định giá trị thực của các trường CĐ, ĐH. Việc sáp nhập sẽ đạt kết quả tốt nếu đúng hướng, đúng mục tiêu; còn ngược lại, nếu không đủ chuẩn, không đủ năng lực thì sẽ dẫn đến tự đào thải.

Kế hoạch của Bộ GD-ĐT về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu củng cố, sắp xếp những trường ĐH không đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo các phương án tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3-5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở giáo dục đại học có uy tín...

* TS PHẠM VŨ QUỐC BÌNH, Phó Tổng cục trưởng Cục GDNN, Bộ LĐTB-XH: Sắp xếp lại hoặc giải thể những trường nghề yếu kém

Cả nước có trên 1.800 cơ sở GDNN (trong đó 1.205 cơ sở GDNN công lập), hiện đang hình thành mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, với quy mô tuyển sinh đạt bình quân 2 triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, dù đã phát triển nhưng hệ thống trường nghề còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Cơ cấu tuyển sinh GDNN còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm hơn 80%); chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều trường còn thấp, chưa gắn với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo... Những bất cập này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải sắp xếp lại hoặc giải thể những trường nghề yếu kém; đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; hoàn thiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thành lập và tham gia hoạt động GDNN.

* Bà HUỲNH LÊ NHƯ TRANG, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Giảm số lượng cơ sở GDNN

Dù số cơ sở GDNN của TPHCM chiếm 9,61% cơ sở trên cả nước, nhưng hiện phân bố không đồng đều. Bên cạnh đó, số cơ sở GDNN trực thuộc nhiều bộ, ngành và một số sở, ngành của thành phố quản lý cũng gây nhiều khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ chuyên môn đến quản lý. Cùng với đó, việc cơ sở GDNN đáp ứng tiêu chuẩn diện tích đất còn hạn chế: số cơ sở GDNN công lập do thành phố quản lý hiện đang sử dụng 49 địa chỉ nhà đất để làm địa điểm đào tạo, với tổng diện tích gần 900.000m², trong đó có 11 cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích đất và 17 cơ sở chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

Từ thực tế đó, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố và cả nước, TPHCM đã và đang tiến hành quy hoạch, sáp nhập, giảm số lượng cơ sở GDNN. Sau sáp nhập, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế, ASEAN.

* ThS NGUYỄN QUANG THÀNH, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính - Kế hoạch, Trường CĐ Bình Phước (tỉnh Bình Phước): Một trường có 3 cơ quan quản lý chuyên môn! Trường được thành lập từ năm 2019 trên cơ sở sáp nhập từ 3 trường: Trường CĐ Sư phạm Bình Phước, Trường CĐ Y tế Bình Phước, Trường CĐ Nghề Bình Phước. Việc sáp nhập có được thuận lợi là bộ máy được tinh gọn hơn. Tuy nhiên, hiện trường gặp khó khăn về chương trình đào tạo vì có tới 3 cơ quan quản lý chuyên môn: lĩnh vực y tế do Bộ Y tế quản lý, lĩnh vực sư phạm thuộc Bộ GD-ĐT quản lý, các khoa về nghề thì thuộc Bộ LĐTB-XH quản lý. Việc này đã vô tình kéo theo một số bất cập, như chế độ phụ cấp đứng lớp của cán bộ giảng viên hiện mỗi người một kiểu: giảng viên các ngành y tế được hưởng 25%, các ngành đào tạo nghề là 30%, ngành sư phạm 40%. Cùng một trường nhưng phụ cấp không đồng đều nên không chỉ khiến giảng viên thắc mắc mà công tác quản lý của trường cũng gặp nhiều khó khăn. Trường từng có văn bản gửi Tổng cục GDNN về vấn đề này, nhưng theo quy định hiện hành thì không thay đổi phụ cấp đứng lớp của giảng viên từng ngành học được.