Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống suy giảm 0,6% trong tháng đầu năm

|

Ngày 20-2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Năm 2024, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu làm rõ nguyên nhân tăng trưởng tín dụng suy giảm và những hạn chế vướng mắc cần tháo gỡ

Ngày 31-12-2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng (TCTD), thông báo công khai nguyên tắc xác định để các (TCTD) chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đến nay, mặc dù đã giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng năm 2024 cho các ngân hàng và có nhiều chính sách thúc đẩy nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn có dấu hiệu suy giảm.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1-2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Đây cũng là nguyên nhân hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả ngay từ những tháng đầu năm.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các TCTD cần tập trung định hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và NHNN

Giải thích nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng suy giảm, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, năm 2024 nhìn chung cơ chế dành cho tăng trưởng tín dụng của NHNN là rất thoáng, không có vướng mắc. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn suy giảm do khó khăn từ khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn chậm. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư cũ đang còn những vướng mắc, chưa được các địa phương giải quyết triệt để, tồn đọng nhiều năm nên không thể giải ngân vốn.

Tương tự, đại diện Vietcombank cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này cũng ghi nhận sự sụt giảm trong tháng 1-2024. “Tín dụng giảm chủ yếu liên quan đến tín dụng bán lẻ, tiêu dùng giảm, do kinh tế khó khăn, các dự án được cấp phép mới rất ít khiến tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm mạnh”, vị đại diện ngân hàng này cho hay.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc tín dụng toàn hệ thống suy giảm trong tháng đầu năm một mặt cho thấy có tính chất quy luật (dịp trước và trong Tết Nguyên đán tăng trưởng tín dụng có xu hướng chững lại), tuy nhiên mặt khác cũng cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm khiến khả năng hấp thụ vốn tín dụng yếu.

Do đó, theo ông Tú, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các TCTD cần tập trung vào các giải pháp cụ thể, đơn cử như có thể định hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt theo như chỉ đạo của Chính phủ.

“Gói 15.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ đối với ngành lâm sản, thủy sản thời gian qua cho thấy đã phát huy hiệu quả, tôi đề nghị thời gian tới các ngân hàng nên nâng quy mô gói này lên gấp đôi, ở mức 30.000 tỷ đồng”, ông Tú gợi ý.

Quy định can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu về gói tín dụng dành riêng cho khu vực kinh tế tập thể

Cùng doanh nghiệp đón Tết, HDBank tung thêm gói tín dụng lãi suất 0%

Tăng cường đấu tranh tội phạm "tín dụng đen" dịp cuối năm