Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo (AI) và tài chính xanh cho phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Viện Friedrich Naumann vì Tự do (FNF) tổ chức vào chiều 5-12.
GS TS Andreas Stoffers, Trường Đại học Khoa học ứng dụng cho Kinh tế và Quản lý, cho rằng giao dịch kỹ thuật số đang bùng nổ, mở đường cho tài chính xanh. Số hóa là một bước ngoặt, ảnh hưởng đến toàn bộ ngành tài chính, bao gồm tài chính xanh. Trong bối cảnh xu hướng tài chính xanh ngày càng phát triển, Fintech (tài chính công nghệ) là tiên phong. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này nên số hóa là ưu tiên số 1 của Việt Nam, song hành với tài chính xanh.
Ông Ludwig Graf Westarp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Việt – Đức cũng nhận định, việc ứng dụng AI và công nghệ mới đã trở thành một phần tất yếu trong sự phát triển lâu dài của ngành dịch vụ tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều này không chỉ tạo cơ hội cho các công ty cải thiện dịch vụ mà còn có thể mang lại doanh thu lớn hơn và lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp thách thức trong việc chưa có khung pháp lý cũng như đội ngũ để phát triển AI. Hiện Việt Nam đang đứng trước thách thức về thiếu hụt chuyên gia trong lĩnh vực AI cũng như thiếu các chương trình đào tạo chất lượng về AI.
Theo nghiên cứu của Google, tiềm năng từ AI tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên đến 79,3 tỷ USD cho các doanh nghiệp vào năm 2030 nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi. Con số này tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Ngành công nghệ tại Việt Nam cần thêm ít nhất 500.000 lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường vào năm 2025. Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng, đặc biệt ở các vị trí chuyên sâu.
TS Lê Hoàng Anh, Trưởng Bộ môn Công nghệ Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cũng nhìn nhận, hiện đang rất thiếu nguồn nhân lực để vận hành. “Đại học Ngân hàng TPHCM cũng đang có các chương trình đào tạo AI cho nhiều ngân hàng thương mại để có đội ngũ vận hành AI. Hiện các trường đại học đều có các chương trình đào tạo về Fintech nhưng cũng chỉ mới tuyển sinh nên vài năm sau mới có thêm lực lượng kỹ sư trong lĩnh vực này”, TS Lê Hoàng Anh cho hay.
Ngoài nguồn nhân lực, các chuyên gia cũng cho rằng, việc ứng dụng AI vào lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài chính xanh tại TPHCM còn đối mặt với một số thách thức khác. Cụ thể như dữ liệu cho vay, hiện dữ liệu tài chính xanh chưa có nên chưa có dữ liệu đầu vào để ứng dụng AI trong cho vay tài chính xanh. Hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng đang gặp khó khăn khi xác định dự án nào là “xanh” để rót vốn “xanh” vì Việt Nam chưa có quy định chung về Danh mục phân loại xanh phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế.
“Thách thức tiếp theo là Việt Nam vẫn đang thiếu hệ thống pháp luật quy định quyền hạn và trách nhiệm khi ứng dụng AI, đặc biệt là trong lĩnh vực nhạy cảm như tài chính. Chẳng hạn như ngân hàng ứng dụng AI khuyến nghị tài trợ tài chính xanh, nhưng khi rủi ro xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai? Do đó, cần có một đạo luật, khung pháp lý để phát triển AI một cách có trách nhiệm”, TS Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.
Việc việc này, ông Ludwig Graf Westarp cũng cảnh báo, ứng dụng AI trong tài chính xanh cần cẩn trọng và phải có chiến lược nhằm đảm bảo an ninh mạng và an toàn dữ liệu vì AI là lĩnh vực quá mới, cần được nghiên cứu kỹ và quản lý nhằm tránh rủi ro.