Đạo diễn Nguyễn Bảo Hoàng: Đưa phim Việt thâm nhập Trung Quốc

|

Là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được Chính phủ Trung Quốc cấp học bổng toàn phần đào tạo về nghệ thuật tại Học viện Hí kịch Trung ương Trung Quốc, cái nôi của những tên tuổi nổi bật như Củng Lợi, Chương Tử Di, Thang Duy... \r\n

Sau 6 năm nỗ lực, mới đây Nguyễn Bảo Hoàng đã chính thức được Hội đồng Thẩm định cấp quốc gia Trung Quốc cấp học vị Thạc sĩ đạo diễn điện ảnh.

*PHÓNG VIÊN: Anh có thể cho biết hành trình đến với Học viện Hí kịch Trung ương Trung Quốc của mình?

- Đạo diễn NGUYỄN BẢO HOÀNG: Năm 2013, tôi đang có những hoạt động khá tốt tại Việt Nam, nhưng thời điểm ấy, nền giải trí Việt Nam chưa có gì mới, ca nhạc sân khấu và ca nhạc truyền hình vẫn giữ vị trí số một. Tôi nghĩ, bản thân mình sống được với nghề là nhờ sự kiện, ca nhạc, sân khấu; nhưng 5 năm, 10 năm sau, ca nhạc và sự kiện thoái trào, mình sẽ làm gì? Lúc ấy, thị trường Việt Nam chuyển mình ra quốc tế, mình có nền tảng gì để hội nhập? Tôi ấp ủ suy nghĩ đó trong một tháng và quyết định đi nước ngoài nâng cao trình độ đạo diễn. Bản thân từng tốt nghiệp đạo diễn sân khấu, công việc cũng là đạo diễn sân khấu nên tôi muốn tìm một trường về sân khấu để học. Hí kịch Trung ương Trung Quốc đáp ứng được nguyện vọng của tôi. Trong quá trình làm hồ sơ, không hiểu sao ngành học tôi lựa chọn bị nhầm lẫn thành đạo diễn điện ảnh. Tôi hoang mang và làm đơn xin chuyển đổi ngành, nhưng tự nghĩ, chắc là duyên, tôi quyết định xé đơn và bước vào tìm hiểu, nghiên cứu một hướng đi không hẳn mới nhưng là một ngả rẽ của bản thân. 

Đạo diễn Nguyễn Bảo Hoàng
Anh cho biết, anh chọn lựa nghiên cứu về vấn đề gì và nó có giúp cho công tác đào tạo cũng như môi trường làm nghề tại Việt Nam hiện nay?

- Trong mấy năm theo các giáo sư Trung Quốc, các đạo diễn, nhà sản xuất đến từ các trường nghệ thuật Pháp và cả các chuyên gia Hollywood, tôi được dạy rất nhiều về cấu trúc, các yếu tố tạo nên một bộ phim chuyên nghiệp chuẩn; trong đó liên quan phần lớn là màu sắc và âm thanh trong phim điện ảnh. Đề tài nghiên cứu khoa học của tôi là kết hợp trường phái thực nghiệm điện ảnh với màu sắc trong phim để tạo nên sự đột phá mới trong màu sắc phim. Nói đến màu sắc của phim, hiện nay rất ít phim Việt thể hiện đúng quy chuẩn thiết kế màu. Cũng vì tư tưởng “nghệ thuật là sáng tạo” nên người ta chủ quan bỏ qua những điều cơ bản.

Cũng có thể do ảnh hưởng của chi phí sản xuất nên thiết kế màu không được chú trọng; chủ yếu ánh sáng chan hòa, màu sắc rực rỡ, đẹp mắt là đủ. Mặt khác, tài liệu nghiên cứu ở Việt Nam cũng không nhiều. Tôi đánh giá, gần đây Việt Nam có nhiều phim thiết kế màu tốt, hoặc ít ra bắt đầu có tư duy về việc dùng màu sắc kể chuyện, như Hai Phượng của Ngô Thanh Vân, Đảo của dân ngụ cư của Hồng Ánh, Những tháng năm rực rỡ của Nguyễn Quang Dũng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ.

*Anh có những so sánh, rút tỉa gì sau thời gian theo học tại một trong những cái nôi đào tạo nghệ thuật hàng đầu châu Á?

- Tôi nhận thấy ở Việt Nam, công tác đào tạo chưa được đổi mới để cập nhật với sự thay đổi của thế giới. Đa phần kiến thức nghề ở ta có được theo hình thức tích lũy kinh nghiệm của thầy cô truyền đạt, điều này rất tốt cho sinh viên tham khảo, nhưng nó không giúp sinh viên phát huy bản lĩnh, năng khiếu. Tôi không dám đánh đồng tất cả, tôi chỉ nói trên quan sát cá nhân... Nhiều thầy cô hiện nay thích thị phạm nhiều hơn là khuyến khích các em sáng tạo.

Theo anh, đâu là những điểm thị trường điện ảnh Việt Nam có thể tham khảo từ thị trường điện ảnh Trung Quốc?

- Tôi nghĩ, Việt Nam có những thế mạnh riêng mà Trung Quốc không có, như chi phí sản xuất rẻ, cát-xê diễn viên cũng không quá cao, nhu cầu thưởng thức của khán giả Việt Nam không quá khắt khe, nhiều đạo diễn trẻ có thực tài. Sau 6 năm cọ xát thực tiễn với môi trường đào tạo nghề và làm nghề tại Trung Quốc lẫn Việt Nam, tôi thấy Trung Quốc hiện đang phát triển khá mạnh khâu biên kịch. Cách đây gần 7 năm, không chỉ Việt Nam mà Trung Quốc cũng phải ngưỡng mộ biên kịch Hàn Quốc, thì những năm gần đây, Hàn Quốc có vẻ im ắng, còn Trung Quốc đã làm được điều đó một cách ổn định. Các nhà nghiên cứu và biên kịch của Hàn Quốc cũng sang Học viện Hí kịch Trung ương Trung Quốc học về biên kịch phim.

Điểm cần học hỏi thứ hai, theo tôi đó là nâng cao tư duy, nhận thức của khán giả xem phim bằng quản lý của cơ quan chức năng và định hướng thẩm mỹ từ các đạo diễn. Cuối cùng là công tác đào tạo đội ngũ làm phim kế thừa, cần dạy các em những kiến thức chuyên ngành sát với yêu cầu và thẩm mỹ chung của thế giới. Qua rồi cái thời dùng tư duy, kiến thức cũ để giảng dạy và áp đặt.

* Quá trình theo học, được biết anh tham gia hợp tác cả phía Việt Nam lẫn Trung Quốc để làm phim và không giấu tham vọng đưa phim Việt thâm nhập vào thị trường Trung Quốc...

- Trong thời gian học tập, tôi cũng hợp tác nhiều với các ê kíp làm phim Trung Quốc và Pháp, tôi cùng nhóm bạn trẻ Đam Mê Việt lập nên kênh phát hành riêng cho phim Việt tại thị trường Trung Quốc, đưa các sản phẩm của mình xuất hiện trên các trang phim và các sân chơi online. Việc thể nghiệm này đã thu được một số thành công nhất định, nhiều bạn trẻ Trung Quốc bắt đầu biết đến phim ảnh Việt Nam. Khen có, chê cũng có và tất nhiên giá trị cao nhất mà tôi hướng đến chính là giới thiệu ê kíp, diễn viên và phim của bản thân tôi đến với cộng đồng trẻ tại Trung Quốc.

Đến thời điểm này, thông tin và hình ảnh về các sản phẩm của tôi đã xuất hiện trên trang tìm kiếm Baidu, trên các phương tiện thông tin như Weibo, Weixin, các diễn đàn phim ảnh. Như series phim Vì gặp nên mới tương phùng, không chỉ khán giả ở Việt Nam ủng hộ mà còn được khán giả tại Myanmar, lãnh thổ Đài Loan đón nhận. Riêng ở Myanmar, phim này được chiếu đồng thời với ở Việt Nam và Trung Quốc.