Có hay không độc quyền trong thẩm định phim truyện?

|

Song song với việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan tới việc thẩm định, cấp phép phổ biến phim hoạt hình có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp, Bộ VH-TT-DL đặc biệt chú trọng tới việc tiếp tục kiện toàn nâng cao chất lượng của hội đồng thẩm định phim. PV Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông (ảnh) xung quanh vấn đề này.\r\n

* PHÓNG VIÊN: Những năm gần đây, số lượng phim qua hội đồng thẩm định là bao nhiêu, con số này có sự gia tăng theo năm không, thưa ông? Việc gia tăng như vậy có tạo sức ép đối với hội đồng thẩm định phim?

* Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG: Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, nhiệm kỳ 2019-2021 có 11 thành viên, bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện ảnh, các nhà hoạt động điện ảnh, đạo diễn, các nghệ sĩ sáng tác, nghiên cứu, lý luận và phê bình. Bình quân, hội đồng thực hiện 3 buổi duyệt phim mỗi tuần và mỗi buổi duyệt 2 phim truyện điện ảnh.

Theo thống kê sơ bộ, năm 2018, hội đồng đã tổ chức thẩm định, phân loại và đề nghị cấp phép phát hành 243 phim (bao gồm 32 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 219 phim truyện nước ngoài, 2 phim truyện hợp tác với nước ngoài), không cho phép phổ biến 24 phim nhập khẩu.

Chỉ riêng 9 tháng năm 2019, số lượng phim được hội đồng thẩm định phân loại và đề nghị cấp phép phát hành lên tới 176 phim. Trong đó, có 31 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 143 phim truyện nước ngoài, 2 phim truyện hợp tác với nước ngoài. Có 20 phim không được cấp phép phổ biến và đó toàn bộ là phim nhập khẩu. 

Với số lượng phim thẩm định ngày càng tăng về số lượng, độ phức tạp của nội dung, công tác thẩm định của hội đồng đã gặp nhiều áp lực. 

* Việc để lọt lưới trong quá trình kiểm duyệt phim vừa qua cho thấy, rõ ràng hoạt động của hội đồng có nhiều vấn đề cần phải được thay đổi. Xin ông cho biết có hướng cụ thể nào để cải thiện, nhằm giúp công việc “gác cửa” đạt được hiệu quả hơn?

* Hiện nay, Bộ VH-TT-DL đang giao Cục Điện ảnh tham mưu cùng với việc kiện toàn Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, bộ cũng tính tới nghiên cứu thành lập bộ phận giúp việc hội đồng thẩm định để đảm bảo chủ động, có hiệu quả theo quy định của Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009. 

Từ những vụ việc vừa xảy ra, bên cạnh việc xây dựng bộ phận giúp việc thì việc kiện toàn của hội đồng cũng được tính đến theo hướng sẽ xây dựng một đội ngũ chuyên gia cộng tác thường xuyên. Tùy từng thể loại, từng nội dung, hội đồng sẽ mời các chuyên gia trong lĩnh vực đó tham gia duyệt và thẩm định cùng để có thể nhận được những nhận xét, góp ý toàn diện mang tính chuyên môn hơn.

Mở rộng thành viên của hội đồng theo hướng linh hoạt như vậy sẽ tận dụng được nhiều “chất xám”, kinh nghiệm chuyên môn của các chuyên gia, tránh những sai sót trong quá trình thẩm định và duyệt phim. 

* Một số ý kiến lo ngại việc lập thêm một bộ phận giúp việc nữa sẽ khiến cho bộ máy trở nên cồng kềnh, tốn kém về cả nhân lực và có thể sẽ khiến cho quá trình kiểm duyệt phim kéo dài hơn trước?

* Đề xuất ban đầu cho thấy, tổ giúp việc không chỉ giống như một lưới lọc thô ban đầu mà còn giúp thu thập thêm thông tin xung quanh bộ phim, giúp cho hội đồng tiếp cận với bộ phim chính xác và hiệu quả hơn. Tôi tin rằng, khi có nhiều sự hỗ trợ hơn thì việc thẩm định cũng sẽ hoạt động theo chiều hướng nhanh hơn, chính xác hơn.

* Vừa rồi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có góp ý về việc nên cởi bỏ độc quyền thẩm định phim và tăng hậu kiểm như lĩnh vực xuất bản, vừa góp phần tạo sự thông thoáng cho người làm điện ảnh, đồng thời lại nâng cao trách nhiệm tự kiểm duyệt cho nhiều đơn vị khác. Quan điểm của bộ về đề xuất này như thế nào?

* Nếu cho rằng việc thẩm định phim độc quyền và chỉ duy nhất Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện mới làm công tác thẩm định và cho phép phát hành phim là chưa chính xác.

Thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim đã được quy định tại Điều 38 Luật Điện ảnh năm 2006 và Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21-5-2010, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009. 

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 54 quy định về thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim như sau: “UBND cấp tỉnh được cấp giấy phép phổ biến phim truyện khi năm trước liền kề, các cơ sở điện ảnh thuộc địa phương đáp ứng các điều kiện sau: Sản xuất ít nhất 10 phim truyện nhựa được phép phổ biến; nhập khẩu ít nhất 40 phim truyện nhựa được phổ biến. Nếu trong năm địa phương không đáp ứng được 2 điều kiện quy định tại khoản này thì năm kế tiếp UBND cấp tỉnh không còn thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim truyện nhựa”.

Điều này cho thấy, với số lượng phim sản xuất và nhập khẩu như hiện nay thì một số tỉnh, thành phố như Hà Nội và TPHCM cũng có thể tự mình lập hội đồng cấp giấy phép phổ biến phim.

Cảnh trong phim Everest - Người tuyết bé nhỏ có hình bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp

* Một số ý kiến cho rằng đang có hiện tượng “thả lỏng” khi thẩm định và cho phép phát hành phim nhập khẩu, còn đối với phim sản xuất trong nước thì bị “bóp nghẹt”, làm giảm sức sáng tạo của nghệ thuật thứ bảy?

* Tôi chưa đồng tình với nhận định này. Theo số thống kê năm 2018, có 24 phim không được phép phát hành hoàn toàn là phim nhập khẩu; 9 tháng của năm 2019, số lượng phim không được phát hành là 20 phim và cũng là phim nhập khẩu. Như vậy không thể nói rằng “thả lỏng” khi thẩm định phim nước ngoài.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, hiện nay lĩnh vực điện ảnh phát triển nhanh chóng trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số đã làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất phim, cũng như cách phát hành và phổ biến phim truyền thống. Số lượng phim nhập khẩu không bị hạn chế, tính chất phức tạp và nhạy cảm trong nội dung ngày càng gia tăng. Do vậy, để phù hợp với sự phát triển của dòng chảy điện ảnh trong nước và trên thế giới, một số điều quy định trong Luật Điện ảnh cũng như Nghị định hướng dẫn đang được lấy ý kiến để xem xét, bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Bộ VH-TT-DL đang trong quá trình hoàn thiện Luật Điện ảnh sửa đổi, trong đó dự kiến có những điều chỉnh quy định về thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim.