Đâu dễ mà đồng cảm

|

Nếu nói phim điện ảnh ăn khách ở yếu tố nghệ thuật, kỹ xảo thì phim truyền hình kéo khán giả bởi sự chân thật, nhẹ nhàng như những câu chuyện đời len lỏi quanh cuộc sống hàng ngày. Vài năm trở lại đây, phim truyền hình ra mắt khán giả nhiều nhưng thật sự được công chúng quan tâm thì không có mấy phim.\r\n

Nhiều năm trước, khi lắp đặt cáp truyền hình trong nhà, mẹ và dì tôi dặn thợ chỉ cần có đài xem thời sự và đài thành phố để xem phim Việt Nam lúc 17 giờ là đủ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, phim truyền hình, nhất là các phim chiếu ở các đài phía Nam gần như không mấy thu hút khán giả.

Mỗi dự án phim truyền hình đều quy tụ khá nhiều gương mặt đang nổi tiếng, bất kể có phải là diễn viên hay không. Từ ca sĩ, người mẫu, hoa hậu đến hot boy, hot girl, YouTuber, Vlogger… chỉ cần đang là gương mặt ăn khách thì dễ dàng góp mặt trong các dự án phim truyền hình.

Cảnh quay được đầu tư, kỹ thuật quay phim hiện đại, kỹ xảo, hậu kỳ trau chuốt…, mỗi khung hình gần như đẹp long lanh nhưng lại xa cách với khán giả. Nội dung phim gần như chỉ diễn ra ở những ngôi biệt thự cao cấp, xe sang hay siêu xe… khiến khán giả, nhất là những khán giả bình dân khó mà đồng cảm được. Bởi nhân vật dù tuyến chính hay tuyến phụ, vai thiện hay ác, giàu hay nghèo đều được tạo hình lung linh, không sang chảnh thì cũng bóng bẩy. Những cuộc cạnh tranh thương trường hay hoạt động của “thế giới ngầm” về ma túy, buôn lậu động vật, gỗ rừng… gần như là những chuyện quá xa cách với lớp khán giả phổ thông, vì vậy mà nội dung phim khó đồng cảm và cũng trở nên nhạt nhòa không mấy cuốn hút người xem.

Không ít lần, mẹ và dì tôi xúc động với những bộ phim lấy bối cảnh làng quê hoặc những câu chuyện trong gia đình, nhất là khi nhìn thấy chái bếp trong phim cũng hệt chái bếp nhà cũ của ngoại. Những cái áo túi, áo bà ba đã từng rất quen thuộc mà mỗi lần xem phim, mẹ tôi lại nói: “Coi phim mới thấy áo bà ba chứ thời buổi bây giờ ít người bận, có còn cũng chỉ mấy bà già thôi”… Những điều đó gần như khó tìm thấy trong các phim truyền hình đang chiếu hiện nay.

Đẹp là yếu tố cần thiết và quan trọng trong mỗi phim, tuy nhiên cần phải biết đặt để đúng chỗ, nếu không rất dễ gây hiệu ứng ngược với khán giả. Tùy vào nội dung kịch bản mà thiết kế của mỗi đoàn làm phim sẽ chọn bối cảnh và hóa trang cho diễn viên phù hợp với nhân vật. Phim truyền hình thường là phim dài tập, người xem đi từ những tình huống nhẹ nhàng đến những nút thắt cao trào, nên rất cần mang hơi thở của cuộc sống thường nhật để khán giả tìm thấy sự đồng cảm, thấu hiểu nhân vật qua từng tập phim, từ đó mới có thể dẫn dắt người xem đi trọn một bộ phim. Nếu nội dung, hình ảnh đẹp nhưng lại xa cách với đời thực thì người xem khó mà tìm thấy yếu tố để đồng cảm và thấu hiểu.

Có thể thấy một loạt phim truyền hình phía Bắc ra mắt gần đây nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Nội dung phim dễ đi vào tâm lý người xem với những câu chuyện gần gũi với đời sống thực tế như: chuyện mẹ chồng nàng dâu, mâu thuẫn trong những gia đình nhiều thế hệ, hay những thói quê, lệ làng… Khán giả như bắt gặp đâu đó trong phim những lát cắt của đời sống chân thực mà bản thân họ đã từng trải qua, câu chuyện từ đó mà dẫn dắt, cuốn hút khán giả.