Cởi mở trong thẩm định phim

|

Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) vừa tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh. Hai kịch bản đoạt giải nhì (giải cao nhất của cuộc thi) đều thuộc về những tác giả trẻ, trong đó có tác giả theo đuổi dòng phim độc lập. Đây là tín hiệu vui cho thấy sự cởi mở hơn trong cách nhìn nhận và thẩm định điện ảnh của đơn vị quản lý.
\r\n

Mắt biếc là bộ phim để lại nhiều ấn tượng tốt với công chúng

Ấn tượng những gương mặt trẻ

 Được tổ chức và phát động trong một thời gian ngắn nhưng cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh đã thu hút được nhiều thành phần tác giả với độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau như biên kịch, nhà văn, đạo diễn; người viết không chuyên như kỹ sư xây dựng, giáo viên, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, nhân viên truyền thông, người làm kinh doanh, nhiếp ảnh gia, phóng viên… Bên cạnh những tác giả chuyên nghiệp, điều đáng mừng là tiêu chí và sự cởi mở của cuộc thi đã tạo nên sức hút đối với những tác giả trẻ, với nhiều kịch bản có cách thể hiện tươi mới, mạnh bạo; có kịch bản dành cho phim độc lập, phim tác giả, điều hiếm gặp ở các cuộc thi khác. Nhiều kịch bản thể hiện sự đầu tư, tìm tòi kỹ lưỡng của tác giả về các vấn đề của lịch sử hoặc đời sống; thể hiện sự chuyên nghiệp; hướng tới xây dựng thị hiếu lành mạnh cho công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ.

“Sức trẻ cho chúng ta điều kỳ vọng tình trạng khan hiếm những kịch bản tốt, hay sẽ dần được khắc phục. 8 kịch bản được chọn và trao thưởng đều có tính khả thi cao, có thể là tác phẩm để Nhà nước đặt hàng, hoặc là đối tượng để các nhà sản xuất phim tư nhân tìm đến”, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh, Trưởng ban Chung khảo, chia sẻ. Tuy không tìm được kịch bản để trao giải nhất, nhưng 2 giải nhì  (một kịch bản đề tài dã sử, một kịch bản đề tài mang tính đương đại)  cho thấy sự cởi mở trong lựa chọn của giám khảo, cũng như sự mạnh dạn trong lựa chọn và khai thác đề tài của các tác giả trẻ.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho rằng, số lượng hơn 200 kịch bản của các tác giả khắp mọi miền là minh chứng cho thấy lĩnh vực sáng tác kịch bản điện ảnh vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều đối tượng trong xã hội. Việc mạnh dạn đổi mới thành phần ban giám khảo với nhiều người làm điện ảnh độc lập và mở rộng đề tài đã mang đến cho cuộc thi nhiều kịch bản thú vị. “Cuộc thi không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm kịch bản điện ảnh để sản xuất phim mà còn tạo môi trường sáng tác, khích lệ những dự án điện ảnh có cơ hội được đến với khán giả”, Cục trưởng Cục Điện ảnh kỳ vọng.

Phim làm ra phải có doanh thu

 Ông Vi Kiến Thành cho biết, sắp tới sẽ có nhiều điều chỉnh mới, đặc biệt là với phim đặt hàng. Cụ thể, theo dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được đăng tải để lấy ý kiến, sẽ không đưa ra hướng đấu thầu trong sáng tác điện ảnh mà vẫn đề nghị theo hình thức đặt hàng. “Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, nếu căn cứ vào giá thành bỏ thầu để chấm thầu cho đơn vị rẻ tiền nhất sẽ khó kiểm soát được chất lượng nghệ thuật”, ông Vi Kiến Thành phân tích. 

Thực tế, ở thời điểm này, nhiều hoạt động vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là ở mảng phim tài liệu - khoa học và phim hoạt hình. Riêng trong lĩnh vực phim truyện, mỗi năm Nhà nước chỉ rót kinh phí (có hạn) với tối đa 3 phim truyện. Vì vậy, nếu muốn phát triển bứt phá, không thể chỉ trông chờ vào phim đặt hàng mà cần phải hoạt động theo quy luật của thị trường.

Lâu nay, các nhà phát hành trong nước luôn lo lắng vì các nhà phát hành nước ngoài xâm lấn thị trường. Thế nhưng, một trong những nguyên nhân lại do điện ảnh trong nước èo uột, thiếu tác phẩm hay. Khán giả vẫn sẵn sàng đi xem phim Việt, ví dụ như Tiệc trăng máu đem lại doanh thu hơn 170 tỷ đồng, Mắt biếc hơn 180 tỷ đồng; Hai Phượng gần 200 tỷ đồng… Nhiều người băn khoăn vì nhiều phim giải trí chỉ tập trung khai thác đề tài có doanh thu, song đó là quy luật tất yếu của giai đoạn quá độ bước chân vào công nghiệp văn hóa. Với điện ảnh, phim làm ra phải có doanh thu, có người xem. Khi đã tích lũy đủ tiềm lực về kinh tế, về con người, các nhà sản xuất, người làm phim mới có thể nghĩ tới làm phim có tính nghệ thuật cao, hướng tới các đấu trường quốc tế. “Với số lượng phim lớn, doanh thu cao, người làm điện ảnh phía Nam đã bước một chân vào thị trường điện ảnh, nền công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa…”, lãnh đạo Cục Điện ảnh thẳng thắn nhận định.

Nhằm khích lệ các nhà sản xuất mạnh dạn thay đổi tư duy, chấp nhận những cách làm mới, đại diện Cục Điện ảnh kỳ vọng những thay đổi trong công tác quản lý, theo hướng từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cởi mở trong liên kết với các thành phần làm phim có yếu tố nước ngoài… sẽ tiếp thêm nhiều nguồn lực mới cho điện ảnh Việt Nam.