Đã khó càng thêm khó

|

Khởi đầu năm 2021 bằng mùa phim tết thất bát nhưng nỗi lo của các đơn vị sản xuất, phát hành phim Việt chưa dừng lại ở đó. Khi hàng loạt phim phải dời lịch phát hành từ năm 2020 sang năm 2021, hiệu ứng dây chuyền rất có thể xảy ra khi tình trạng ùn ứ phim là điều đã được dự báo.\r\n

Doanh thu mùa phim tết sụt giảm đến hơn 95% so với thường kỳ. Không còn những kỷ lục trăm tỷ như các năm gần đây. Và đặc biệt, lần đầu tiên sau hàng chục năm, mùa phim tết 2021 không có bất kỳ phim Việt mới nào ra rạp. Với điện ảnh Việt, đặc biệt sau giai đoạn xã hội hóa mạnh mẽ, mùa phim tết vẫn là thời điểm ăn nên làm ra cho cả nhà sản xuất lẫn phát hành. Ít nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây, năm nào phim Việt cũng có những bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ. Có thể kể đến: Cua lại vợ bầu, Hai Phượng, Gái già lắm chiêu 3, Siêu sao siêu ngố, Trạng Quỳnh… Đặc biệt, khi phim Việt hoàn toàn không hề lép vế so với các phim ngoại nhập như thời điểm mùa phim hè, càng củng cố niềm tin cho các đơn vị sản xuất. 

Vậy nhưng… vì dịch bệnh, không ít bộ phim được lên kế hoạch phát hành từ năm 2020 nhưng đành phải dời lịch sang năm 2021. Điều này sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa chính các phim Việt với nhau. Nhưng trong một thị trường với quy mô tỷ lệ rạp chiếu/ngàn dân vẫn còn thấp, hiện mức doanh thu của những phim cao nhất cũng rất khó vượt qua con số 200 tỷ đồng thì miếng bánh thị phần càng bị chia nhỏ hơn. Cộng với việc kinh phí sản xuất của các phim ngày càng cao, đã lên đến 40-50 tỷ đồng/phim, đồng nghĩa cơ hội hòa vốn cho các phim Việt vốn đã khó, nay càng khó hơn. 

Khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát, một bài toán thách thức hơn đó là các phim ngoại nhập, đặc biệt các bom tấn ở Hollywood cũng lùi lịch phát hành sang năm 2021. Điều này đẩy cuộc cạnh tranh phim nội, ngoại sang đường đua còn khó lường hơn. Một khó khăn khác, không thể không nhắc đến. Đó là nếu các phim nước ngoài có thêm lựa chọn là phát hành trên các nền tảng trực tuyến và vẫn có thể thu về doanh thu hàng trăm triệu đồng, thì đối với phim Việt, bài toán đó là bất khả thi. Các nền tảng xem phim trực tuyến tại Việt Nam hiện nay xét về cả lượng người dùng, mức giá đều khá thấp. Do đó, hầu như hiếm nhà sản xuất nào chấp nhận đưa phim lên nền tảng trực tuyến và phát hành song song tại rạp. 

Sức chống đỡ của thị trường, đặc biệt của các nhà sản xuất, phát hành và liệu phim Việt có lấy lại được đà tăng trưởng như các năm trước đây vẫn là câu hỏi khó.