Đừng bi kịch hóa phim truyền hình

|

Một số phim truyền hình Việt thời gian gần đây xuất hiện không ít nhân vật, tình tiết câu chuyện gây tranh cãi bởi ý đồ của nhà làm phim cố tình đẩy bi kịch lên cao trào, đôi khi trở thành vô lý.\r\n

Cây táo nở hoa đã trải qua 1/2 chặng đường phát sóng. Hình tượng “người anh quốc dân” Ngọc do Thái Hòa đảm nhận hay các nhân vật: Ngà (Trương Thế Vinh), Báu (Nhã Phương), bà Ích (NSƯT Mỹ Duyên)… gây ra không ít phản ứng trái chiều từ khán giả. Vì thương em quá mức, Ngọc trở nên nhu nhược, thậm chí mù quáng. Ngọc chấp nhận ly hôn, bán nhà để “chuộc” em khỏi cảnh tù tội. Trong khi đó, Báu, Ngà gây ức chế bởi tuýp nhân vật “mãi không chịu lớn”.

Một cảnh trong phim Cây táo nở hoa

Những tập phát sóng gần đây, khán giả thậm chí nổi giận với nhân vật bà Ích - một người mẹ sẵn sàng ruồng bỏ con cái nhưng khi quay lại, bà ăn cắp tiền mừng cưới của con, dàn dựng đặt tiếng xấu chia rẽ anh em Ngọc… Không ít khán giả cho rằng, những nhân vật và tình tiết câu chuyện đang được đội ngũ biên kịch xây dựng theo lối bi kịch hóa nhằm tạo kịch tính. Tuy nhiên, sự căng thẳng lặp đi lặp lại ấy đang khiến khán giả cảm thấy quá… mệt mỏi.

Trước đó, trên sóng VTV3, nhân vật dì Tư Diệu của NSƯT Hạnh Thúy trong Thương con cá rô đồng cũng khiến khán giả phẫn nộ vì quá độc ác với các cháu. Đánh đập, chửi rủa, bắt làm lụng vất vả, bắt nhịn ăn… Thôi thì đủ cả. Thậm chí, một người cháu vì bị đánh đập quá nhiều còn sinh ra ngu ngơ. Nhân vật Út Lành (Hoàng Yến) cũng được xây dựng theo hướng này khi liên tiếp chứng tỏ mình hỗn láo, ngang bướng, bất cần… Bi kịch trong Thương con cá rô đồng dù có phần “nhẹ đô” hơn nhưng cũng dồn dập theo kiểu “trăm dâu đổ đầu tằm”.

Ở phương diện của nhà sản xuất, việc xây dựng câu chuyện hay nhân vật mang tính cao trào là điều tất yếu nhằm tạo sự thu hút với khán giả. Nếu một bộ phim chỉ trôi qua trong bình lặng sẽ khiến khán giả cảm thấy nhàm chán. Bản thân nhà làm phim chắc chắn cũng lường trước tất cả những phản ứng từ phía người xem. NSƯT Hạnh Thúy từng chia sẻ, vì vai diễn này chị bị chửi “rất nhiều và rất ghê với những từ ngữ nặng nề, câu chữ gay gắt”. Dưới mỗi tập phát sóng trên YouTube hay trên các diễn đàn phim ảnh, Cây táo nở hoa dù được yêu mến cũng phải nhận không ít gạch đá của khán giả.

Phim ảnh có đời sống riêng, và tất yếu không thể bê nguyên hiện thực cuộc sống lên phim. Thế nhưng, những bộ phim được đầu tư chỉn chu không nhất thiết phải cố tình tạo tính cách nhân vật, các tình tiết bị đẩy lên quá đà. Rất nhiều phim Việt thành công thời gian qua ghi điểm với khán giả bởi sự kịch tính được tính toán hợp lý, sự gần gũi, tự nhiên và cho người xem thấy hình ảnh của mình trong đó. Mang đến những năng lượng tích cực cho khán giả, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, càng đáng quý hơn.