Atlanta “hút” các nhà làm phim

|

Trong 1 thập niên qua, thành phố Atlanta, thủ phủ bang Georgia (Mỹ) đã khai thác triệt để ngành công nghiệp điện ảnh, thông qua việc thành lập nhiều phim trường để tiếp đón các đoàn làm phim.
\r\n

Các phim trường của hãng Trilith Studios

Vùng ngoại ô phía Nam thành phố Atlanta là nơi tọa lạc của hãng phim Trilith Studios, với hàng chục phim trường có thể quay cùng lúc nhiều dự án. Bộ phim đầu tiên của vũ trụ điện ảnh Marvel mở rộng (MCU) từng được quay tại nơi này là phim Ant man (2013), ngoài ra còn có nhiều tựa phim khác của Marvel như Avengers: Endgame, Spider man: Homecoming hay bộ phim truyền hình nhiều tập Wanda Vision dành cho mạng trực tuyến Disney+.

Trong chưa đầy 10 năm, đã có hơn 20 nhà kho cỡ lớn được Trilith xây dựng trên những cánh đồng hoang, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tiếp đón các đoàn phim đến từ Hollywood, chủ yếu để thực hiện các bộ phim thương mại với kinh phí cao. Theo ông Frank Patterson, Tổng Giám đốc của Trilith Studios, hãng có hơn 40.000m2 phim trường có mái che, thuộc vào hàng lớn nhất nước Mỹ, không kém gì phim trường của hãng Warner Bros tại Hollywood.Cơ sở hạ tầng này là thành quả từ kế hoạch đầu tư vào ngành công nghiệp điện ảnh của bang Georgia. 

Atlanta trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút được khá nhiều đạo diễn tên tuổi và các đoàn phim quan trọng trong 2 thập niên gần đây, còn vì chính sách giảm thuế. Cụ thể, từ năm 2002, bang Georgia đã có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp giải trí, đây là cơ sở dẫn đến việc ra đời đạo luật Đầu tư công nghiệp điện ảnh bang Georgia, được thông qua năm 2008. Nhờ các chính sách này, trong hơn một thập niên, chi phí đầu tư vào ngành điện ảnh tại bang Georgia đã tăng gấp 400 lần, từ 68 triệu USD vào năm 2007 lên đến 2,9 tỷ USD vào năm 2019.

Trong 5 năm gần đây, Georgia thậm chí đã qua mặt 2 bang New York và California về số lượng phim được quay hàng năm. Các phim trường đã tạo hơn 50.000 việc làm. Các đoàn phim khi đến đây nhận được ưu đãi về nhiều mặt: cơ sở hạ tầng tối tân, nguồn lao động địa phương có tay nghề, dịch vụ ăn ở và di chuyển, sân bay quốc tế có thể tiếp đón nhiều tuyến bay đến từ nước ngoài.

Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, Trilith Studios đã nhộn nhịp trở lại, 24 trường quay đã không còn chỗ trống từ đây đến cuối năm 2022. Hãng phim này gần đây đã xây dựng thêm phim trường dành cho các nhà sản xuất phim nhiều tập. Đây là studio chuyên thực hiện các cảnh quay với công nghệ hình ảnh hiện đại, tạo dựng trực tiếp hình ảnh 3 chiều xung quanh diễn viên, qua đó giúp cho các đoàn làm phim giảm chi phí sản xuất. Công nghệ này từng được áp dụng cho loạt phim The Mandalorian của mạng Disney+, quay tại Los Angeles vào năm 2018; và giờ đây, hãng phim Trilith Studios đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ này, với việc xây thêm 4 phim trường, để khai thác tối đa nhu cầu.

Hãng cũng nuôi tham vọng trong 5-10 năm tới sẽ thành lập một công viên giải trí theo chuyên đề điện ảnh, tương tự như Universal Studios tại Hollywood hay là các công viên giải trí Disney trên thế giới. Trên đà thành công, Trilith Studios muốn thu hút thêm nhiều dự án điện ảnh đồ sộ khác, không riêng gì dự án phim siêu anh hùng. Có lẽ lúc đó, phim trường này nên đổi tên là “Trilithwood”, đuổi kịp kinh đô điện ảnh Hollywood.