Đẹp như Người vợ cuối cùng

|

Đẹp, có lẽ là tính từ miêu tả chính xác nhất tác phẩm điện ảnh vừa ra mắt của đạo diễn Victor Vũ. Tính duy mỹ một lần nữa lại được đạo diễn Việt kiều nâng niu, khai thác triệt để bên cạnh những sáng tạo khá mới mẻ.

Một cảnh trong phim Người vợ cuối cùng. Ảnh: ĐPCC

10 năm trước cũng ở thể loại cổ trang với Thiên mệnh anh hùng, hay gần nhất trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc…, đạo diễn sinh năm 1975 luôn cho thấy sự chịu khó tìm tòi, khai phá cảnh sắc khắp Việt Nam. Lần này, Bắc Kạn đã “bước lên” màn ảnh rộng với vẻ đẹp khiến bất cứ người xem nào cũng phải choáng ngợp bởi chốn non nước hoang sơ, sơn thủy hữu tình. Ngoài những khung cảnh tự nhiên, các bối cảnh dàn dựng từ phủ quan tri huyện cho đến làng Cua Ngộp, từ mâm cỗ, chợ quê đến ngôi nhà tranh, mái đình... đều đầy chất thơ, đầy sự dụng tâm và tỉ mỉ.

Cái đẹp của bối cảnh cũng hòa quyện trong hàng trăm bộ phục trang nhân vật vốn được nghiên cứu kỹ lưỡng, may đo riêng cho từng diễn viên. Bên cạnh đó, mỗi nhân vật đều có cách trang điểm, làm tóc riêng để làm bật lên số phận, tính cách. Sự cầu kỳ ấy càng khiến khán giả thêm mãn nhãn.

Vẻ đẹp bật lên trong phim còn đến từ khâu diễn xuất. Kaity Nguyễn tiếp tục có màn hóa thân xuất sắc khi lột tả đa chiều cảm xúc của nhân vật: từ sự nhẫn nại, cam chịu cho đến sẵn sàng sống chết vì tình yêu và đỉnh điểm là sự nổi loạn, vượt lên tất cả lề thói của xã hội đương thời. Thuận Nguyễn dẫu có phần lép vế một chút nhưng cũng rất tròn trịa. Cái hay của Victor Vũ còn là sự cân bằng trong diễn xuất của dàn diễn viên hai miền. NSƯT Kim Oanh và Quang Thắng chứng tỏ sự dạn dày bên cạnh những nhân vật còn lại của Đinh Ngọc Diệp, Anh Dũng, Quốc Huy… đều được xây dựng tính cách đặc trưng. Một chút đáng tiếc có lẽ là diễn viên nhí đóng cùng Kaity Nguyễn chưa thể hiện được đúng vai diễn.

Người vợ cuối cùng đánh dấu một bước chuyển trong phong cách làm phim của Victor Vũ. Thân phận của người phụ nữ dưới thời phong kiến được khắc họa đa chiều, đặt trong những ràng buộc, hà khắc của xã hội. Lần đầu tiên anh dám đưa vào phim những cảnh nóng tả thực táo bạo, trần trụi nhưng không dung tục để khắc họa vẻ đẹp mãnh liệt của tình yêu.

Thuộc thể loại tâm lý, cổ trang, Người vợ cuối cùng có các xung đột diễn ra khá dồn dập. Nhưng đạo diễn Victor Vũ vẫn đan cài thế mạnh kịch tính, một chút trinh thám từ tiểu thuyết gốc. Có lẽ vì một số tình tiết còn mang tính dàn trải khiến thời lượng phim kéo dài lên đến 132 phút. Hai hồi đầu của câu chuyện được dẫn dắt lớp lang nhưng đến phần giải quyết lại khá chóng vánh, ít nhiều khiến cảm xúc người xem có phần hụt hẫng.

Người vợ cuối cùng - bộ phim đầu tiên đạo diễn Victor Vũ gói ghém đúng ngân sách