Quỹ phát triển Điện ảnh và câu chuyện “thuế chồng thuế”

|

Vấn đề liên quan đến Quỹ Điện ảnh, đặc biệt làm thế nào để từ những quy định đã có trong luật có thể thực thi trong thực tiễn là vấn đề nổi cộm, nhận được nhiều sự tranh luận của các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh.

Sáng 23-11, trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ 23 đang diễn ra tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng diễn ra hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện nay”.

Nan giải quỹ điện ảnh

Trong tham luận "Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh: Thực trạng tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và các kiến nghị tăng cường sự hiện diện của điện ảnh Việt Nam ra thế giới", bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VH-TT-DL, khẳng định việc thành lập Quỹ Điện ảnh có vai trò vô cùng quan trọng.

Tại Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng đã được quy định trong Luật Điện ảnh từ năm 2006 và vẫn được quy định trong Luật Điện ảnh sửa đổi 2022.

Các đại biểu tham dự hội thảo về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Trong dự thảo về Đề án thành lập Quỹ Phát triển điện ảnh Việt Nam, Quỹ sẽ có vốn do Thủ tướng Chính phủ cấp khi thành lập; các nguồn thu tăng thêm, gồm: từ việc trích tỷ lệ phần trăm trên giá vé tại các rạp chiếu (đề nghị 3%); từ phát hành và phổ biến những phim được sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước, sau khi đã trừ đi các chi phí khác theo quy định; từ các khoản đóng góp tự nguyện, viện trợ, tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Quy định pháp luật là thế. Tuy nhiên, cho đến nay Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chưa thể thành lập. Nguyên nhân chính được cho là do các vấn đề liên quan các nguồn thu thường xuyên và các nguồn thu đề xuất chưa phù hợp với các văn bản pháp luật khác.

Vướng mắc trong thành lập Quỹ phát triển Điện ảnh được ông Vi Kiến Thành chia sẻ

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục điện ảnh, cho biết, việc thống nhất giữ lại nội dung về quỹ điện ảnh trong Luật Điện ảnh sửa đổi 2022 cũng đã từng nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Theo ông, dù đã có quy định trong luật nhưng lại bị vướng mắc ở các văn bản dưới luật.

"Có quỹ điện ảnh nhưng nguồn thu nào dành cho quỹ. Chúng tôi có đề xuất các phương án, các nước thực hiện được nhưng Việt Nam thì không", ông Thành nhấn mạnh.

Ông cũng diễn giải, việc trích tiền từ vé xem phim bị phía Tổng cục thuế và các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim phản đối vì như thế là tính thuế 2 lần, thuế chồng thuế.

Trong khi đó, trích tiền từ % doanh thu quảng cáo trên truyền hình thì các đài truyền hình không đồng ý. Lý do là bởi, việc trích % từ doanh thu quảng cáo từ truyền hình để làm phim truyền hình còn không đủ nên không thể trích sang cho điện ảnh. Ngoài ra, các nguồn thu khác cũng không được chấp nhận.

Theo bà Ngô Phương Lan, cần có sự liên thông mới có thể phát triển nguồn thu cho quỹ

Bàn sâu hơn về khía cạnh từ hành lang pháp lý cho đến thực tiễn, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cũng có những phản hồi liên quan đến quỹ điện ảnh.

Theo bà Lan, tại Việt Nam, hai lĩnh vực điện ảnh và truyền hình riêng biệt. Nhiều đài truyền hình đang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự cân đối thu chi. "Việc trích % từ doanh thu quảng cáo truyền hình cho điện ảnh là chưa thuyết phục. Phải có kế hoạch sản xuất phim điện ảnh chất lượng, sau đó sẽ được phát trên truyền hình rồi mới tính đến khả năng trích tiền từ truyền hình", bà Lan cho biết.

Đồng thời theo bà, cần có sự liên thông giữa việc sản xuất phim điện ảnh với các đài truyền hình, để bộ phim cũng trở thành sản phẩm của đài truyền hình mới có thể dễ hơn trong việc trích tiền từ doanh thu quảng cáo của đài truyền hình.

Những tiếng nói đa dạng

Ngoài câu chuyện về quỹ điện ảnh, các đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết liên quan đến việc xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.

Theo bà Ngô Phương Lan, các văn bản luật liên quan đến lĩnh vực điện ảnh tương đối hoàn thiện nhưng đưa vào thực tế lại gặp nhiều khó khăn, gồm cả vấn đề cơ chế chính sách ưu đãi thuế, đất đai; sản xuất phim đặt hàng; việc hợp tác làm phim, tổ chức liên hoan phim...

Bà Ngô Thị Ngọc Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT-DL, chia sẻ về các chính sách ưu đãi trong phát triển điện ảnh trong đó có 9 hoạt động được nhà nước đầu tư hỗ trợ cùng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, đầu tư, khuyến khích xã hội.

Bà Oanh nhấn mạnh, bên cạnh cố gắng của Nhà nước, cũng rất cần sự cố gắng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để phát huy năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh Việt Nam và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh dần lớn mạnh, thực sự đem lại những lợi ích thiết thực cho xã hội, thu hút được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Nhiều vấn đề tồn tại của điện ảnh Việt được đưa ra tại hội thảo

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh trình bày khía cạnh khá mới mẻ liên quan đến việc giờ làm việc trên trường quay của nhân sự làm phim. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đặt ra vấn đề các nhà sản xuất phải đối mặt với thị trường điện ảnh khi tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Công nghệ số trong công nghiệp điện ảnh và câu chuyện sản xuất phim hoạt hình của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng; công nghệ sản xuất ảo của đạo diễn hình ảnh Nguyễn K'Linh; phim trường trong sản xuất phim kết hợp điện ảnh du lịch của nhà sản xuất Lê Thị Kiều Nhi... cũng là những vấn đề nhận được nhiều sự chú ý. Những tiếng nói bảo vệ nhà làm phim từ những lùm xùm nổi cộm thời gian gần đây của đạo diễn Phi Tiến Sơn hay PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cũng mang đến thêm những góc nhìn đa dạng cho hội thảo.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII "được mùa" thu hút lượng phim dự thi

Đạo diễn phim hành động triệu đô "chết đứng" vì phim bị hàng trăm web lậu phát tán