Viết tiếp khúc tráng ca Điện Biên Phủ - Bài 3: Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng

|

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Điện Biên đã Điện Biên Phủ anh hùng phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng, toàn diện trên mọi mặt, là điểm đến ngày càng hấp dẫn về văn hóa, du lịch, đầu tư... Địa phương đang phấn đấu đến năm 2045 nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước.

Tinh thần tự lực, tự cường

Điện Biên có diện tích tự nhiên trên 9.500km2 (đứng thứ 9/63 địa phương trên cả nước), dân số trên 630.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 83%. Điện Biên có “báu vật” Điện Biên Phủ; khả năng phát triển năng lượng tái tạo và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; có cánh đồng Mường Thanh rộng hơn 150km2 - lớn và nổi tiếng của khu vực Tây Bắc… Đó là những lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, hội tụ đủ các điều kiện riêng mà Điện Biên có để phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá, biên giới vững chắc của vùng Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường, thời gian qua, tỉnh đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường. Điển hình là trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tỉnh đã nỗ lực cân đối nguồn lực, quyết tâm hoàn thành dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên vào cuối năm 2023 nhằm khắc phục điểm yếu về hạ tầng giao thông, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiều năm qua (đường bộ chủ yếu là cấp giao thông miền núi, chất lượng mặt đường chưa cao, chưa có đường cao tốc). Chính vì vậy, việc nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên được coi là bước đột phá về đầu tư hạ tầng, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, du lịch của Điện Biên.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được khánh thành ngày 24-12-2023

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho biết, sân bay Điện Biên đã thực sự phát huy được hiệu quả đầu tư với lượng hành khách qua cảng tăng nhanh. Sân bay đang có 2 hãng hàng không khai thác bằng các dòng máy bay cỡ lớn hiện đại Airbus A320, A321 là Vietnam Airlines và Vietjet Air với tần suất 7 chuyến/tuần chặng Hà Nội - Điện Biên, 3 chuyến/ tuần chặng TPHCM - Điện Biên. Sản lượng từ khi khai thác đến nay đạt hơn 1.000 chuyến với hơn 70.000 hành khách. Nhiều hành khách từ các tỉnh Lai Châu, Sơn La cũng di chuyển đến Điện Biên Phủ để bay đi Hà Nội hoặc TPHCM, tạo không khí tấp nập hơn rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt, mới đây, 2 hãng hàng không đã công bố tăng chuyến bay lên 42 chuyến/ tuần để phục vụ nhu cầu du khách trong năm 2024, là “Năm du lịch quốc gia - Điện Biên”, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Anh Nguyễn Quang Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Thành An, cũng cho biết, sân bay Điện Biên đã mở rộng, nếu Điện Biên có thêm các hoạt động quảng bá, thêm các sản phẩm du lịch đậm nét văn hóa bản địa thì chắc chắn lượng du khách sẽ còn tăng lên, mục tiêu đón 2 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025 của Điện Biên là trong tầm tay. Cùng với sân bay Điện Biên, thời gian vừa qua, tỉnh Điện Biên đã đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn và đang kêu gọi, thu hút đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) đối với dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Với kế hoạch này, hạ tầng giao thông tỉnh Điện Biên kỳ vọng được cải thiện, đảm bảo tính kết nối liên vùng, phát huy lợi thế, thu hút đầu tư để phát triển trong tương lai…

Phát triển nhanh, bền vững

Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên để phát triển bền vững, không gì khác hơn chính là hình thành được những vùng sản xuất lâu dài cho người dân. Những năm qua, Điện Biên đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung với trên 10.000ha và 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; đang triển khai 14 dự án trồng cây mắc ca với quy mô gần 70.000ha (đến hết năm 2023 đã trồng được 7.300ha); toàn tỉnh có 68 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Trong đó, điểm sáng đáng chú ý là mô hình phát triển cây cà phê Arabica tại huyện Mường Ảng.

Bí thư Huyện ủy Mường Ảng Nguyễn Tiến Đạt cho biết, huyện xác định cà phê Arabica là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện. Toàn huyện có hơn 2.200ha cà phê, đang rà soát trồng thêm 500ha trong năm 2024, nâng tổng diện tích lên khoảng 3.000ha. Hiện, có 1 nhà máy chế biến thô công suất 250 tấn/ngày đặt tại huyện, bảo đảm thu mua hết cà phê của bà con địa phương. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất của huyện đã đầu tư chế biến tinh với các sản phẩm như cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê muối, cà phê tắm trắng... đáp ứng thị hiếu khách hàng, mở rộng thị trường. Tại Mường Ảng, những cơ sở cà phê như Hải An, Hà Chung vẫn giữ được một số công đoạn thủ công trong chế biến rang, xay với bí kíp được trao truyền là dùng củi nhãn để rang cà phê, tạo ra một hương vị rất riêng cho cà phê Mường Ảng. Chị Bùi Thị Việt Hà, chủ cơ sở chế biến cà phê Hà Chung, cho biết, rất cảm kích sự “dấn thân” của lãnh đạo huyện khi không ngại khó, ngại khổ mang cà phê đi khắp nơi để “chào hàng”, không chỉ ở lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Tuần Văn hóa thể thao du lịch Tây Bắc tại TPHCM… mà vào cả kỳ họp Quốc hội, miễn là cà phê Mường Ảng được “biết mặt, đặt tên”.

Khi làm việc với tỉnh Điện Biên mới đây, có một gợi ý rất thú vị mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra. Đó là Điện Biên cần nghiên cứu, triển khai việc trồng và phát triển cây hoa ban; phát động phong trào mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan cùng trồng hoa ban để tạo cảnh quan, môi trường và phát triển du lịch; đưa hoa ban trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và đưa lễ hội hoa ban trở thành thương hiệu riêng của Điện Biên, tạo sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế. Nếu thực hiện từng bước đi vững chắc như đã và đang làm, tương lai, Điện Biên sẽ được biết đến không chỉ Chiến thắng Điện Biên Phủ, mà còn là câu chuyện của cây cà phê, mắc ca, lễ hội hoa ban…

Quy hoạch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% vào GRDP của tỉnh. Đến năm 2050, Điện Biên là trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quốc gia hướng tới đẳng cấp quốc tế, phát triển mạnh dịch vụ thương mại và vùng biên giới ổn định, vững chắc. Trong đó có phát huy giá trị Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nâng cấp lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành lễ hội - sự kiện quốc tế.

Điện Biên xóa đói giảm nghèo, phát triển đột phá, nhanh, bền vững là điều mà mỗi người dân Việt Nam đều mong muốn khi hướng về Điện Biên. Vấn đề còn lại là Điện Biên cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn hiện tại như hạ tầng giao thông, viễn thông, điện… Trong đó, Điện Biên cần tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát huy giá trị “báu vật” Điện Biên Phủ.

Viết tiếp khúc tráng ca Điện Biên Phủ - Bài 2: Hướng về Điện Biên