Di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia

|

Sáng 24-7, tại huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ VH-TT-DL, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975.

Sáng 24-7, tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82, Lễ truy điệu và Lễ an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia, được đưa về nước đợt 2, giai đoạn XXIII (mùa khô 2023-2024). Buổi lễ do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ trì.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Quốc Phòng, Ban Liên lạc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, lãnh đạo Quân khu 7; Ngài Thống tướng Kun Kim, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Bộ trưởng Cấp cao Campuchia, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Campuchia; cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ...

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động; các đại biểu đã thực hiện nghi thức mặc niệm, tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ và tri ân công lao to lớn của quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia. Cũng tại buổi lễ, các đại biểu thực hiện nghi thức mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân vừa qua đời.

>> Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Theo Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo 515) tỉnh Tây Ninh, trong đợt 2, giai đoạn XXIII, hai đội K70 (thuộc Quân khu 7) và K71 (Tây Ninh) đã thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ tại 5 tỉnh thuộc Campuchia gồm: Banteay Meanchey, Oddar Meancheay, Siem Reap, Kampong Cham, Tbong Khmun từ ngày 1-3 – 28-6-2024. Kết quả, hai đội đã tìm kiếm, quy tập được 172 hài cốt liệt sĩ (trong đó Đội K70 quy tập 62 hài cốt, Đội K71 quy tập 110 hài cốt).

Cũng trong sáng 24-7, tại huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ VH-TT-DL, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975.

Theo đó, đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã trao quyết công nhận Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975 trong niềm tự hào về truyền thống 94 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của ngành Tuyên giáo.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975

Sau thắng lợi của Phong trào Đồng Khởi, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam, ngày 23-1-1961, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (thay thế cho Xứ ủy Nam bộ trước đó), đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà thường xuyên là Bộ Chính trị. Ngày 23-11-1961, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam họp tại Mã Đà - Chiến khu Đ (nay là tỉnh Đồng Nai) quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục, làm Trưởng ban. Năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam quyết định chuyển về Lò Gò - Xa Mát thuộc huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh để có điều kiện mở rộng căn cứ. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã tham mưu kịp thời về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, như chống chiến tranh đặc biệt, cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau khi ký kết Hiệp định Paris, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975. Ảnh: VĂN PHONG

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về nội dung của Luật Di sản văn hóa để cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Tỉnh Tây Ninh cần phối hợp với ngành du lịch, các cơ quan thông tin truyền thông kết nối Di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam với các di tích khác trong tỉnh, trong vùng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng hướng dẫn tham quan để du khách và nhân dân hiểu sâu sắc hơn giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.

HOÀNG BẮC