Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nền tảng để MTTQ Việt Nam TPHCM triển khai mọi lĩnh vực công tác

|

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM và các tổ chức thành viên đã nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, phát huy dân chủ và tinh thần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn liền sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để hệ thống Mặt trận các cấp triển khai mọi lĩnh vực công tác.

Hôm nay, 2-10, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029 chính thức khai mạc, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh nội dung này.

Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc

- PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, trong nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp của TPHCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đồng chí đánh giá đâu là những kết quả nổi bật?

- Đồng chí NGUYỄN PHƯỚC LỘC: Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TPHCM, sự phối hợp với chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, hệ thống MTTQ Việt Nam TPHCM đã triển khai và đạt kết quả toàn diện các mặt công tác; vận động, tập hợp và phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tương thân tương ái, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Từ đó nâng cao các chỉ số tăng trưởng, chất lượng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phục vụ nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn công tác Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa

Các kết quả của nhiệm kỳ 2019-2024 nổi bật, đó là hệ thống MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức thành viên nỗ lực toàn diện để cùng thành phố vượt qua đại dịch Covid-19; mọi yêu cầu về phòng chống dịch đều có đội ngũ cán bộ, đoàn viên, hội viên của MTTQ và các đoàn thể nhân dân tham gia không ngại khó khăn, nhất là tuyên truyền, vận động và chăm lo an sinh xã hội để người dân tin tưởng vào quyết sách của thành phố. Đó còn là Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM” tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tiêu biểu cho quá trình phát triển cộng đồng, các hoạt động đóng góp cho việc vận động đoàn kết tập hợp nhân dân chung sức vì sự phát triển của địa phương và TPHCM.

Cùng với đó, Giải báo chí “MTTQ Việt Nam TPHCM - Vì hạnh phúc của nhân dân” trao thưởng các sản phẩm báo chí tuyên truyền về tổ chức, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp có những công trình, phần việc đem lại lợi ích, sự thụ hưởng của nhân dân. Đó là xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” - gắn với đặc trưng về tinh thần đại đoàn kết, nhất là xây dựng nếp sống văn hóa, phẩm chất tốt đẹp, biểu dương những nhân tố tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là “Hành trình kết nối” để đoàn kết các tổ chức, tín đồ tôn giáo trong MTTQ gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Đó là “Chương trình Vì Trường Sa xanh”, tạo ra sự kết nối, làm sâu sắc hơn nghĩa tình hậu phương quân đội, gắn liền với phong trào “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Đó là, xây dựng “Khu dân cư Đoàn kết - Nghĩa tình - Tự quản” trong phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết nhân dân tại khu dân cư, hướng tới xây dựng khu dân cư “an ninh - an toàn - an sinh”.

Đó là, MTTQ các cấp tiếp tục khẳng định và hoàn thiện ngày càng tốt hơn chức năng là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân thông qua việc phát huy dân chủ và giám sát phản biện xã hội… Các kết quả thiết thực như trên đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận; huy động được nguồn lực của nhân dân chung sức vì thành phố.

- Đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp đã thể hiện sự: “Tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân được nhờ”. Cụ thể, đã có những công trình, phần việc nào được thực hiện, thưa đồng chí?

- Đạt được những kết quả nêu trên, trước hết đó là sự quan tâm lãnh đạo toàn diện và tạo điều kiện của Đảng, cơ chế phối hợp đồng bộ của chính quyền các cấp, sự chung sức của các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhất là việc kịp thời tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Đáng chú ý là sự quan tâm ủng hộ của xã hội, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân thành phố cũng như đồng bào ta ở nước ngoài.

Kết quả trên cần ghi nhận, động viên, biểu dương đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp thành phố đã không ngừng nỗ lực, triển khai nhiều mô hình, giải pháp nhằm đoàn kết, tập hợp nhân dân.

Có thể kể như: quận Tân Bình với chuỗi hoạt động tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc; “Ngày hội Buffet chay vì người nghèo” (quận 1), “Chương trình Hạt gạo từ bi” (huyện Củ Chi) huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, các cơ sở tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng doanh nghiệp để tạo thêm nguồn lực chăm lo hộ nghèo, cận nghèo, các diện khó khăn trên địa bàn.

Quận 4 có mô hình kết nối và tuyên truyền địa chỉ những phòng khám, hiệu thuốc hỗ trợ khám bệnh, phát thuốc miễn phí đến từng hộ nghèo, người già neo đơn; mô hình “2 cùng, 4 có, 4 không” (quận 6), mô hình “Vì màu xanh quận 8” để xây dựng không gian xanh, cải tạo cảnh quan môi trường và tinh thần tự quản trong nhân dân.

Mô hình “Ngày hội tình làng nghĩa xóm” (quận Phú Nhuận) đã tạo sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giúp nhau cùng phát triển; Hộp thư góp ý “Ý Đảng lòng dân” (quận 8), mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” (quận 12); mô hình “Mặt trận lắng nghe nhân dân nói” (huyện Nhà Bè) nhằm gia tăng sự kết nối những ý kiến, đề xuất trong nhân dân; quận Bình Thạnh đã tổ chức Liên hoan Ban Công tác Mặt trận khu phố nhằm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh phong trào thi đua trong các Ban công tác Mặt trận để phục vụ công tác mặt trận ngày càng tốt hơn…

Đồng lòng, chung sức vì lợi ích chung

- Đợt chống dịch Covid-19 tại TPHCM được xem là “Cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử”. Thành phố đã bước ra khỏi những thách thức cam go của đại dịch này. Theo đồng chí, điều gì đã giúp làm nên sự thành công trong giai đoạn ấy?

- Có thể nói, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cùng với Đảng bộ, chính quyền, MTTQ thành phố và các tổ chức thành viên đã nêu cao quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng vượt khó của đội ngũ cán bộ Mặt trận đã góp phần quan trọng vào thành công chung trong đẩy lùi dịch bệnh.

An sinh xã hội được xem là một trong những vấn đề cốt lõi để triển khai việc chăm lo cho người dân, thông qua đó đảm bảo được sự an dân và tạo được sự đồng thuận xã hội, đồng lòng của nhân dân cùng thành phố vượt qua đại dịch. Ngày 15-8-2021, TPHCM đã thành lập Trung tâm An sinh xã hội với mục tiêu nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ đúng địa chỉ, người thụ hưởng và tránh trùng hoặc bỏ sót đối tượng; phấn đấu trao tặng túi an sinh để chăm lo tất cả người dân gặp khó khăn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ thông qua các đường dây nóng; triển khai mô hình “Lưới an sinh” trong vòng 2 tuần đã vận động kinh phí hỗ trợ hơn 2 triệu túi an sinh cho người dân. Tổ chức 10 đợt xuất quân với 678 tình nguyện viên các tôn giáo tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly; tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 300 tổ chức, nhóm và cá nhân kịp thời hỗ trợ thực phẩm, lương thực, thuốc men, dụng cụ y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch…

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được TPHCM xem là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn trong tổng thể sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thành phố, giúp thành phố vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Tình dân tộc, nghĩa đồng bào đã được phát huy mạnh mẽ, nhất là ở các thời điểm khó khăn. Ví dụ cụ thể là nhân dân chung sức chống dịch Covid-19; ủng hộ phát triển kinh tế - xã hội; đồng tình chung tay, góp sức giúp đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra

NGUYỄN PHƯỚC LỘC

Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng Đoàn,

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM

Đại dịch Covid-19 là một thách thức để thấy rằng trong nguy khó, tinh thần “đoàn kết”, “tương thân, tương ái” của dân tộc lại được nhắc đến nhiều hơn lúc nào hết. Các tầng lớp nhân dân đã biểu hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào bằng những hành động thiết thực, hiệu quả; thông qua vận động của MTTQ, người dân sẵn sàng đóng góp dù mình còn khó khăn. Đây cũng là điều sâu sắc trong kinh nghiệm về tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vận động mọi nguồn lực nhân dân. Nguồn lực của người dân cũng được xem là sức mạnh nội sinh, nếu phát huy nguồn lực này, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ phục vụ nhân dân, vì vậy, cần đặc biệt thường xuyên quan tâm, coi trọng và phát huy.

- Xin đồng chí cho biết những định hướng lớn của công tác Mặt trận trong tình hình mới?

- Bước vào giai đoạn mới, TPHCM phấn đấu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8%-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP (theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Theo đó, MTTQ Việt Nam TPHCM cần triển khai các phong trào thi đua yêu nước để vận động nhân dân tham gia tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương của thành phố đạt được các mục tiêu như mong đợi. Để người dân thấy rằng trong mỗi bước phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại của thành phố đều có sự chung sức của mình. Điều đó cũng có nghĩa người dân tham gia như là tác giả, nhóm tác giả cho việc xây dựng và phát triển thành phố, đây cũng là chiều sâu của sự tham gia, sự đồng thuận và sự thụ hưởng của nhân dân.

Hệ thống Mặt trận các cấp luôn luôn xác định lấy người dân làm trung tâm để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển. Làm tốt điều này sẽ góp phần củng cố niềm tin, huy động sự ủng hộ, đồng thuận của người dân tham gia tự nguyện, đóng góp tâm huyết, trí tuệ, công sức cho công tác của MTTQ Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố.

Dự kiến MTTQ Việt Nam TPHCM nhiệm kỳ 2024-2029 tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện các chỉ tiêu, đề án, công trình, chương trình trọng điểm, gồm:

5 Chỉ tiêu

1. Hàng năm, phấn đấu 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi khu dân cư có ít nhất 1 công trình hoặc phần việc thiết thực phục vụ cộng đồng.

2. Hàng năm, phấn đấu trên 50% khu dân cư tổ chức lễ hội văn hóa hướng đến mục tiêu của dân, do dân, vì dân và các phần việc, công trình phát huy tình làng nghĩa xóm.

3. Vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” phấn đấu đạt 650 tỷ đồng, góp phần cùng thành phố thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững.

4. Vận động ủng hộ Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” phấn đấu đạt 200 tỷ đồng, góp phần cùng hệ thống chính trị chăm lo quân, dân ở các vùng biển, hải đảo, vùng biên giới và công tác hậu phương quân đội.

5. Phối hợp xây dựng 50% trở lên khu dân cư được công nhận khu dân cư “Đoàn kết, nghĩa tình, tự quản”.

Các Đề án, Công trình, Chương trình trọng điểm

1. Đề án số 06-ĐA/TU ngày 20-8-2021 về “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam thành phố và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TPHCM giai đoạn 2021-2030” (giai đoạn 2).

2. Đề án “Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động Ban công tác Mặt trận trong tình hình mới”.

3. Công trình “Vì thành phố thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư”.

4. Chương trình “Chung sức - Vì thành phố nghĩa tình, bao dung, phát triển”.

Giải quyết những kiến nghị, đề xuất của người dân là yêu cầu quan trọng

-Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ của MTTQ, để thực hiện nhiệm vụ này, MTTQ các cấp thành phố cần tập trung vào vấn đề gì, thưa đồng chí?

- Đồng chí NGUYỄN PHƯỚC LỘC: Về giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận phối hợp cùng chính quyền, các tổ chức thành viên để xác lập các cơ chế hiệp đồng chặt chẽ, phân công rõ ràng, thống nhất đồng bộ và hiệu quả cao hơn. Đồng thời, chú trọng huy động lực lượng tư vấn, nâng cao năng lực giám sát và phản biện xã hội của đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận và đoàn thể nhân dân.

Tập trung làm rõ cơ chế quy trình giải quyết, xử lý các kiến nghị, đề xuất sau giám sát và phản biện xã hội, để việc giám sát và phản biện xã hội thực chất, sát hợp, đáp ứng được yêu cầu của công tác và nguyện vọng của nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với HĐND các cấp để việc giám sát đồng bộ, tránh trùng lắp, chồng chéo gây khó cho chủ thể được giám sát; phối hợp với các ngành chức năng đánh giá các bộ Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); xây dựng phương thức để tiếp thu ý kiến của người dân trong cải cách hành chính, thủ tục hành chính.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp trong việc giám sát Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân; trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở… Nếu các cơ chế này được thông qua thì việc giám sát, phản biện xã hội sẽ được vận hành thông suốt.