Bài học quá đắt

|

Chỉ trong vòng 1 tuần, tại Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy lớn trong đêm ở khu vực nhà dân, làm chết 6 người và thiệt hại lớn về tài sản. 

Vụ cháy tại ngõ 41 phố Vọng làm 2 người chết đã khiến nhiều người bàng hoàng. Hàng xóm có cảm giác bất lực, đau đớn, bởi đã cố hết sức vẫn không thể cứu nạn nhân ra khỏi đám cháy (do ngôi nhà bị bịt kín toàn bộ phía trước bằng những lồng thép kiên cố được hàn vào ban công).
Vụ cháy trong ngõ 41 phố Vọng, Hà Nội làm 2 người tử vong
Điều đáng nói, dù các địa phương đã thường xuyên cảnh báo về tình trạng tùy tiện lắp đặt lồng sắt, bịt kín mặt tiền của các ngôi nhà, chặn hết các phương án thoát nạn khẩn cấp khi xảy ra sự cố cháy nổ của chính gia đình mình, nhưng nhiều người dân vẫn không tuân thủ. Trên thực tế, khi xảy ra cháy nổ, những ngôi nhà như thế thường để lại hậu quả đau lòng, thương tâm. 
Còn vụ cháy tại ngõ 205 phố Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm cướp đi sinh mạng của 4 người trong một gia đình cũng để lại những ám ảnh thật nặng nề. Theo một số hàng xóm trong ngõ này, việc dẫn đến cái chết thương tâm của gia đình 4 người là do căn nhà xây kín, không lối thoát hiểm; cửa chính ở tầng 1 bị khóa nhiều lớp. Khi xảy ra hỏa hoạn, chủ nhà có thể đã không kịp lấy chìa khóa để mở cửa hoặc lối thoát duy nhất đã bị lửa bịt kín nên  kết quả đau lòng đã xảy ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn. Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất vẫn là sự chủ quan và thiếu ý thức của người dân đối với công tác PCCC. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân xác định của nhiều vụ cháy nhà dân tại Hà Nội cũng như TPHCM bắt nguồn từ sự bất cẩn, thiếu ý thức chấp hành các quy định trong phòng chống cháy nổ. Hậu quả gây thiệt hại rất lớn về tính mạng con người, tài sản và là hồi chuông báo động nhưng vẫn còn rất nhiều hộ gia đình xem thường, không quan tâm đến các hướng dẫn của cơ quan chức năng về công tác PCCC.
Luật đã quy định rõ, công tác PCCC là trách nhiệm của toàn dân. Riêng công tác kiểm tra, nhắc nhở đối với các hộ gia đình thì các cấp chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm. Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy nổ, đặc biệt là bảo đảm tính mạng của người dân trong các vụ cháy, Cảnh sát PCCC các địa phương đều đã phân địa bàn thành các nhóm riêng để thực hiện các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra cho hợp lý. Trong đó ở các khu dân cư, công tác hướng dẫn phòng cháy do các cấp chính quyền địa phương trực tiếp đảm trách. Cảnh sát PCCC có nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng để họ là đơn vị đầu tiên thực hiện các biện pháp phòng và chữa cháy khi có vụ việc xảy ra, trước khi lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt... Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC đã không ngừng nỗ lực trong tuyên truyền, vận động nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Nếu người dân, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp vẫn tiếp tục không nhận thức đúng được vấn đề an toàn PCCC, thì lực lượng cảnh sát PCCC dù có tinh nhuệ đến đâu cũng không thể ngăn hết những hậu quả đau lòng như từng xảy ra trong thời gian qua!