Đẩy mạnh kết nối, cung cấp dịch vụ công trực tuyến

|

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 153 phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2016 - 2020 với tổng kinh phí thực hiện 1.520 tỷ đồng. 

Chương trình được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thống nhất từ trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin quốc gia và xác thực điện tử…
 Theo mục tiêu của chương trình, đến năm 2020, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung; đáp ứng kết nối trên 50% các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia; 30% hồ sơ thủ tục hành chính của các địa phương được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng; hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương để kết nối các hệ thống dịch vụ của các bộ, ngành, địa phương đã sẵn sàng; trên 80% hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của các địa phương được áp dụng phương án bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
 Quy mô của chương trình gồm đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT tuân thủ khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính phủ điện tử cấp tỉnh, đảm bảo an toàn, bảo mật và kết nối liên thông giữa các địa phương và trung ương và với các hệ thống thông tin dùng chung cấp quốc gia; xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng kỹ thuật hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương tạo cơ sở ứng dụng CNTT trong nội bộ, phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Cùng với đó là triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tại các bộ, ngành và địa phương; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng, hệ thống xử lý các mối nguy hại thường trực trên mạng, hệ thống giám sát an toàn thông tin các trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức; đầu tư xây dựng hệ thống xác thực điện tử quốc gia; hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho 5 khu CNTT tập trung tại các địa phương lợi thế và vùng kinh tế trọng điểm; hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm CNTT trọng điểm.
Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT mới đây,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Danh mục dịch vụ công trực tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; phấn đấu đến hết năm 2018 tăng gấp đôi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 so với năm 2017, trong đó ưu tiên triển khai các dịch vụ công liên quan đến doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ được giao hoàn thành việc xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và đưa vào sử dụng trong năm 2018, bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với cổng dịch vụ công các bộ, ngành địa phương, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ; tăng cường thuê dịch vụ CNTT trong quá trình triển khai, nhất là đối với các cơ sở dữ liệu đi kèm với dịch vụ công (đo đất đai, cấp phép xây dựng…). 
Về hạ tầng viễn thông, Phó Thủ tướng giao Bộ TT-TT tập trung phát triển hạ tầng băng rộng, 4G, tháo gỡ khó khăn (cước phí, băng tần) trong việc phân bổ tài nguyên viễn thông, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của đất nước. Bộ TT-TT cũng cần sớm nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ hành lang pháp lý để chỉ đạo thống nhất việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng; trên tinh thần kết nối thống nhất về Cổng dịch vụ công quốc gia của Chính phủ để chia sẻ, dùng chung.