Rút kinh nghiệm, tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022 - 2030

|

\

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Một nội dung cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo sáng nay 22-9 là kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Theo kế hoạch, mục đích giám sát là xem xét, đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021; rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 - 2030.

Qua giám sát sẽ đề xuất các kiến nghị, lộ trình tiếp tục thực hiện việc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022 - 2030; kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC, phân loại đô thị, việc sắp xếp ĐVHC cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn...) và quy trình, cách thức thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 - 2030.

Một trong những nội dung quan trọng của cuộc giám sát là đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá tính hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương và tính hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước cũng như việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa phương khi thực hiện sắp xếp ĐVHC.

Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh hai vấn đề cần có câu trả lời rõ ràng sau giám sát.

Một là sau khi sáp nhập có tinh giản được đầu mối và biên chế, cùng với đó là tiết giảm về ngân sách hay không?. Theo Chủ tịch Quốc hội, giám sát không thể nghe một chiều, phải đảm bảo tính khách quan của số liệu và muốn biết tiết kiệm được chi phí như thế nào thì cứ bám sát số liệu của Bộ Tài chính.

Câu hỏi thứ hai cần được trả lời là sau sáp nhập có đạt yêu cầu nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương hay không?, chỉ số hài lòng của người dân thế nào?. Bởi "hai anh yếu ghép lại vẫn thành một anh yếu thì không có ý nghĩa gì nhiều, hai anh khoẻ thành một anh yếu càng tệ nữa" – Chủ tịch Quốc hội ví von.