Xử lý nghiêm để trị tham nhũng vặt

|

Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại TPHCM đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều vụ việc đã được phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vặt trong một số ngành, lĩnh vực vẫn còn diễn ra, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, đòi hỏi phải có giải pháp phòng ngừa và xử lý nghiêm để răn đe.

Nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý

Năm 2022, TPHCM phát sinh một số vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực và nay đang trong giai đoạn điều tra. Chẳng hạn như vụ tham ô tài sản xảy ra tại khu phố 4, phường An Lạc, quận Bình Tân.

Trong vụ này, đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã giả chữ ký, chữ viết của người dân để nhận tiền hỗ trợ. Một trường hợp tham ô tài sản khác xảy ra tại Trường Tiểu học Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi cũng bị phát hiện và xử lý.

Qua công tác tự kiểm tra của thủ trưởng công an các đơn vị tại TPHCM đã phát hiện 5 vụ/6 trường hợp cán bộ sai phạm liên quan đến hành vi có dấu hiệu tham nhũng bị xử lý kỷ luật; 2 trường hợp lãnh đạo, chỉ huy liên đới trách nhiệm bị xử lý vì để xảy ra sai phạm. Đồng thời, qua công tác điều tra, xử lý tội phạm đã xử lý kỷ luật 3 trường hợp cán bộ, chiến sĩ sai phạm liên quan đến hành vi tham nhũng và đã tước danh hiệu Công an nhân dân 2 trường hợp.

Người dân nộp và nhận hồ sơ qua hệ thống tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tự động tại UBND quận 6, TPHCM. Ảnh: VĂN MINH

Trong năm 2022, TPHCM cũng đã kỷ luật 9 đảng viên tại Công ty Dịch vụ cơ quan nước ngoài (Fosco) vì tham ô tài sản. Ngoài ra, TPHCM phát hiện 3 vụ/3 trường hợp có hành vi tham ô tài sản với tổng số tiền tham nhũng đã phát hiện là hơn 448 triệu đồng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Theo UBND TPHCM, các hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ vẫn còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực như quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính, mua sắm trang thiết bị y tế, các dự án có nguồn vốn từ ngân sách...

Ứng dụng công nghệ giám sát

Qua tiếp nhận phản ánh và kiểm tra công vụ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Ngô Thị Hoàng Các nhìn nhận, còn một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, tác phong làm việc, giờ giấc tiếp dân chưa đúng. Trong đó, Thanh tra TPHCM tiếp nhận nhiều vụ việc phản ánh tình trạng nhũng nhiễu, nhất là ở các bộ phận thường xuyên tiếp xúc, giải quyết vấn đề liên quan đến người dân.

Để ngăn chặn tham nhũng vặt, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã rà soát, nhận diện cụ thể những vị trí việc làm có nguy cơ cao. Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo chia sẻ, quận tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát bằng các thiết bị công nghệ giám sát từ xa... ở các bộ phận thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân và doanh nghiệp nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nếu cán bộ gây khó khăn, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân. Cùng với đó, tổ chức lại cách thức làm việc ở bộ phận thường tiếp xúc người dân theo hướng gần gũi, lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ người dân.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 1 Hoàng Thọ Diêu nêu ý kiến: “Để xử lý từ gốc rễ tình trạng tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt, việc trước tiên là phải đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bởi quy trình, thủ tục nhiều, phức tạp dẫn đến người dân chờ đợi, xếp hàng, nhờ vả... thì tiêu cực, tham nhũng vặt sẽ có đất để sinh sôi”.

Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam nhấn mạnh đến quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là việc giải quyết các hồ sơ liên quan đến nhà đất. Hiện tại nhiều cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện giải pháp thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt. Cùng với đó, liên thông thuế điện tử tất cả các quy trình, thủ tục để trao đổi thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Vừa qua, Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề về cách làm hay trong việc phòng chống tham nhũng vặt liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải thông tin, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực thời gian qua còn nhiều hạn chế. Các vụ việc phát hiện chủ yếu qua kiểm tra, thanh tra, điều tra của cấp trên và qua báo chí. Để cải thiện tình hình này, các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải nhận thức rõ tầm quan trọng, cấp thiết của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ tâm huyết, đạo đức, luôn ý thức việc phục vụ nhân dân là bổn phận bình thường trong công việc. Đồng thời, xem xét trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, nhất là ở các cơ quan, đơn vị dễ phát sinh tiêu cực.

Luân chuyển cán bộ là một trong những giải pháp phát huy hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực được TPHCM áp dụng. Trong năm 2022, TPHCM chuyển đổi vị trí công tác hơn 2.300 cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều vị trí, chức danh tư pháp, hộ tịch, văn hóa - xã hội, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính - nhà đất, y tế...