Đã gần trưa, nhưng sương mù vẫn còn vần vũ trên những ngọn núi cao chót vót và con đường độc đạo vào xã vùng cao Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Thầy hiệu trưởng Trần Quang Sáng đón chúng tôi ngay từ cổng Trường THCS bán trú Bản Khoang, với niềm xúc động: “Năm học mới này, các thầy cô giáo của nhà trường đã có nhà công vụ mới, các em học sinh đã có chỗ ở bán trú mới, bảo đảm bền chắc, sạch sẽ, an toàn. Đó là động lực mới để giáo viên và học sinh nhà trường vươn lên dạy tốt, học tốt”.
Cách đây không lâu, cũng sát ngày khai giảng, cơn lũ quét khủng khiếp bất ngờ ập xuống đã cuốn trôi sách vở, bàn ghế, đồ dùng dạy học… và san phẳng dãy nhà tập thể của hàng chục giáo viên Trường THCS bán trú Bản Khoang. Khi chúng tôi có mặt tại đây, dấu tích của trận lũ quét vẫn còn hiển hiện ở những tảng đá to như những cái bàn nước nằm chồng đống lên nhau bên đường, lăn vào xếp đầy trong căn nhà xây vốn trước đó là Trạm y tế Bản Khoang, khiến căn nhà xây hư hỏng, không sử dụng được nữa. Phía dưới khe sâu, dòng suối Can Hồ mùa này cũng lổng chổng đá do lũ quét để lại.
Sau lũ, cấp ủy đảng và chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã, và cộng đồng xã hội đã quan tâm, chung tay giúp người dân Bản Khoang ổn định cuộc sống, sản xuất, duy trì việc dạy và học, bảo vệ sức khỏe và môi trường sống. Khó khăn nhất là xây dựng lại lớp học, nhà ở cho giáo viên, nơi ở bán trú cho học sinh để duy trì sĩ số đến lớp. Thầy Sáng cho biết: Bước vào năm học mới này, huyện Sa Pa vừa có quyết định bàn giao toàn bộ hạ tầng trụ sở UBND xã Bản Khoang (đã chuyển sang khu hành chính mới xây dựng) cho Trường THCS Bản Khoang sử dụng. Khu nhà hai tầng này sẽ được dành làm nơi ăn ở, sinh hoạt cho 160 học sinh ở bán trú. Nhờ đó, các em học sinh dân tộc thiểu số ở các thôn, bản xa trường học từ 5 đến 12 km yên tâm ở lại cạnh trường, không phải lo việc đi lại vất vả, nguy hiểm để đến lớp học cái chữ. Điều quan trọng nữa là, các em được ăn ở, sinh hoạt trong môi trường tập thể, được các thầy cô giáo kèm cặp thêm vào buổi tối để nâng cao chất lượng học tập, ngôn ngữ tiếng Việt và kỹ năng sống.
Các thầy giáo của Trường THCS bán trú Bản Khoang đến tận nhà dân vận động học sinh đến lớp đúng thời gian khai giảng.
Cô giáo Bùi Thị Thu Ngàn kể chuyện leo đèo lội suối, xuống bản, đến tận từng nhà dân để “gọi” học sinh đến lớp. Điều làm cô ngạc nhiên là, phụ huynh rất phấn khởi đưa con em đến trường, sẵn sàng tham gia lao động vệ sinh cảnh quan trường lớp học, sửa sang chỗ ở bán trú để con em yên tâm học hành. Ông Chảo Dào Siểu, ở thôn Can Hồ nói với cô giáo: “ Mình đã thấy trường học mới, chỗ ở của con trai rất chắc chắn, sạch sẽ, an toàn; nhà nước lại cho tiền và gạo ăn hằng tháng nữa, thế thì yên tâm cho con đi học cái chữ để sau này làm việc, có cuộc sống tốt hơn”. Không những vậy, ông Siểu còn tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình đồng bào dân tộc Dao, Mông ở trong thôn Can Hồ đưa con cái đến lớp đúng thời gian, đóng góp công sức xây dựng nhà trường chuẩn bị cho năm học mới.
Theo thầy Trần Quang Sáng, năm học 2015-2016 này, Trường THCS bán trú Bản Khoang có tám lớp học, với 246 học sinh, tăng 25 em so với năm học trước. Với cơ sở trường lớp khang trang, nhà ở giáo viên và học sinh bán trú kiên cố, chắc chắn, nhà trường tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tỷ lệ chuyên cần đạt từ 95 đến 98%.
Mặt trời đã hửng lên, xua tan những đám sương mù quấn quanh những chỏm núi cao, chúng tôi chia tay Bản Khoang với những nụ cười của thầy, cô giáo và các em học sinh sẵn sàng cho một năm học mới đạt kết quả mong đợi.