Nhà nhà làm cỗ cúng Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng (15-1 Âm lịch) là một trong những ngày lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Việc làm mâm cỗ cúng sao cho tươm tất luôn được các gia đình quan tâm. Năm nay, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ sáu, là ngày mà đại đa số bà nội trợ vẫn phải đi làm, thế nhưng họ vẫn dành sự chăm chút cho mâm cỗ quan trọng này.
Bởi ngày này còn có cái tên khác là Tết Nguyên tiêu nên trong tâm tưởng của người Việt, coi như được ăn thêm một ngày Tết nữa. Mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng truyền thống cơ bản giống mâm cỗ cúng ngày Tết. Trong đó có một con gà trống, đây là vật tế trong nghi lễ truyền thống. Rồi bánh chưng, tượng trưng cho sự vuông tròn của trời đất. Xôi gấc cũng là món khó có thể thiếu. Màu đỏ tươi được chuộng không chỉ vì nó giúp mâm cỗ thêm đẹp mắt mà còn vì được quan niệm đó là màu may mắn. Ngoài ra cũng cần có sự hiện diện của các món xào, món dưa muối, hành muối… Tráng miệng có chè kho, chè hoa cau…Tức là một mâm cỗ hội tụ đủ năm vị chua, cay, mặn, ngọt, chát.
Mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Giêng truyền thống.
Tuy nhiên, trên nền truyền thống, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng của mỗi gia đình cũng theo kiểu tùy tiền biện lễ. Bên cạnh những xôi những gà/ bóng/ mọc… mâm cỗ thời 4.0 có thể còn thêm hoặc thay bằng bắp bò ngâm mắm, gà Hàn quốc xông khói thái lát, cá rán, thịt bò cuộn nấm chiên dầu… Mâm cỗ được soạn sửa chu đáo, thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà, tổ tiên và cầu mong một năm may mắn, an lành không nhất thiết phải đủ tám đĩa năm bát như lễ nghi xưa.
Qua mạng Facebook, có thể thấy bức tranh về xã hội, kể cả là từ một… mâm cỗ cúng Rằm. Bên cạnh nhiều gia đình kiên quyết duy trì mâm cỗ tuy không truyền thống cứng nhắc nhưng nhất quyết phải là cỗ mặn, cúng Rằm tháng Giêng năm nay bằng cỗ chay đang là một xu hướng. Mấy năm trước cũng đã không ít nhà cúng cỗ chay nhưng năm nay, vẻ như còn có phần lấn át cả cỗ mặn.
Đa sắc màu những mâm cỗ chay
Chị Lê Hoàng Thu Hà, một cán bộ của VTVcab cho biết, chị thường xuyên đi chùa và nghe những lời thầy giảng mà thấm. Con người ta cần hướng đến những điều thiện, làm việc đức cho muôn loài, biết kiềm chế trước những ham muốn sân si. Trong đó có cả việc nên ăn chay một cách khoa học và cúng chay cho thần linh, tổ tiên. Để giảm tối đa những nghiệp chướng hãy hạn chế sát sinh và góp phần cho người khác sát sinh. Cây cỏ cũng có linh hồn, nói gì đến con vật. Vì vậy, không chỉ Rằm tháng Giêng mà các ngày lễ khác trong năm, nhà chị đều biện mâm cỗ cúng chay. Cúng chay chị cũng thấy mâm cỗ thanh tao và thấy lòng an nhiên hơn. Các món cho mâm cỗ chay có thể bao gồm: Đồ xôi (gấc, trắng, lạc, đỗ…); canh măng nấu với nấm hương hoặc canh củ quả nấu nấm hương; nem rán làm nhân như bình thường chỉ thay thịt bằng đậu phụ, bỏ trứng; rau củ quả xào nấm; giò chay; chè (chè cốm, chè sắn, chè con ong…). Gia vị cúng chay gồm: dầu ăn chay, gia vị chay, mì chính Nhật, xì dầu,...
Một mâm cỗ chay được bày biện đẹp mắt.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, một nhân viên công ty của Nhật thì cho biết: "Mọi năm vào ngày này mình thường xin nghỉ phép để làm cơm cúng rằm, mâm cơm phải có đủ gà, bò, tôm... Tất bật đi chợ rồi nấu nướng, hạ lễ xong lại cho vào hộp cất tủ lạnh vì không thể nào ăn hết được các món. Để vài ngày có món phải bỏ đi. Năm nay, nghe ông xã, mình giản lược rất nhiều, chỉ nấu xôi dừa nếp than và chè đỗ xanh, thêm quả và hoa thật đẹp để dâng lên Phật, thần linh và gia tiên. Trộm nghĩ, không cần phải mâm cao cỗ đầy, chỉ là một vài món đơn giản được làm với lòng thành kính, được nấu bằng tình yêu thương, chắc các Ngài cũng chứng cho lòng thành của mình".