Hướng nào để giải bóng chuyền quốc gia đông khán giả hơn

|

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 vẫn là cuộc thử nghiệm của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam để tìm phương cách kéo khán giả tới nhà thi đấu đông đảo hơn. Dù thực tế, lượng người vào các nhà thi đấu cổ vũ trực tiếp là ít.

Khán giả là sự sống còn của các giải thi đấu vô địch quốc gia, kể cả môn bóng chuyền. Ảnh: MINH MINH

Chỉ khi ổn định số đội mới hiệu quả

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 là năm thi đấu cuối mà ban tổ chức còn giữ nguyên số lượng 10 đội nam, 10 đội nữ được tham dự. Lộ trình của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam là đến năm 2025, số đội dự giải vô địch quốc gia gói gọn còn 8 nam và 8 nữ. “Hiện tại, chúng ta vẫn đang trên lộ trình hoàn thiện số lượng đội thi đấu để có được chất lượng tốt nhất. Tính ổn định sẽ có khi số đội dự giải vô địch quốc gia chỉ còn 16 và lúc đó chúng tôi tin rằng khán giả sẽ vào nhà thi đấu xem trực tiếp đông đảo hơn”, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường đã trao đổi.

Mùa giải năm 2024, số đội bóng còn là 9 nam và 9 nữ. Chưa có dự báo nào được đưa ra liệu khán giả trực tiếp vào cổ vũ sẽ đông đảo hay không ở mùa giải năm sau. Bởi vì, chỉ khi có hệ thống thi đấu ổn định với số lượng đội cố định và không thay đổi qua mỗi năm, giải đấu sẽ có được các con số cụ thể giúp nhà quản lý đánh giá tính hiệu quả trên nhiều góc độ. Chính những con số (trực tiếp là lượng khán giả) sẽ ảnh hưởng cụ thể vào cơ hội tìm kiếm các nhà tài trợ, bản quyền truyền hình cùng nhiều nguồn thu khác cho giải đấu.

Giai đoạn cao trào nhất, giải bóng chuyền vô địch quốc gia đã có 12 đội nam và 12 đội nữ góp mặt. Quãng thời gian với số lượng đội bóng như trên được kéo dài và ít nhiều có tính ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2018, số lượng đội rút gọn xuống còn 10 nam và 10 nữ. Tới năm 2025, nghĩa là sau 7 năm so với thời điểm trên, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam chắc chắn hoàn tất sự thay đổi chỉ còn 8 đội nam và 8 đội nữ tham dự giải vô địch quốc gia.

Tất cả vẫn đang là thử nghiệm

“Chúng tôi cũng nhìn nhận thực tế là số khán giả vào theo dõi các lượt vòng bảng của vòng một, vòng hai là không đông. Hiện tại, chúng ta vẫn tổ chức vòng chung kết nên khó tránh khỏi việc người hâm mộ chờ đợi chỉ đi theo dõi các trận của vòng chung kết. Năm 2024, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam sẽ thực hiện việc thi đấu giải theo thể thức đấu vòng tròn và đây cũng là một trong những thử nghiệm để tìm ra công thức hiệu quả hơn đối với cách tổ chức thi đấu giải vô địch quốc gia”, ông Lê Trí Trường nói thêm.

Bóng chuyền Việt Nam đang muốn hướng tới một sự dài hơi đó là tổ chức giải đấu để làm sao có các trận sân nhà, sân khách với mỗi đội bóng. Nếu điều đó hiện thực, có thể người hâm mộ sẽ tới nhà thi đấu cổ vũ đông đảo hơn. Tuy nhiên, chi phí dành cho việc tổ chức trên lại lớn và chưa nhiều đội bóng có các nhà thi đấu riêng của mình đạt tiêu chuẩn để tổ chức thi đấu vô địch quốc gia. Hiện tại, chúng ta đang tổ chức giải theo các vòng và tập trung một địa phương cố định. Tính hấp dẫn của giải đấu được thể hiện trực tiếp trên sân là đội bóng được tăng cường ngoại binh tranh tài nhưng nếu khán giả không vào cổ vũ thì giải đấu là chưa thành công. Năm 2023, các điểm đã tổ chức giải vô địch quốc gia gồm Bắc Ninh, Hà Nội (vòng một); Đắk Nông, Đà Nẵng (vòng hai) và Quảng Nam, Khánh Hòa (vòng chung kết).

Năm 2024, giải vô địch quốc gia sẽ diễn ra tách biệt nội dung nam và nội dung nữ theo các điểm đấu tại Hà Tĩnh (nam), Đắk Nông (nữ) vòng một; Bà Rịa-Vũng Tàu (nam), Lào Cai (nữ) vòng hai và chung kết, xếp hạng.

Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho biết xây dựng gần hoàn tất điều lệ thi đấu giải vô địch quốc gia 2024 và dự kiến sớm gởi các đội bóng vào tuần sau.

Bài tiếp: Nguồn thu nào cho giải bóng chuyền vô địch quốc gia