Bóng chuyền Việt Nam và khát vọng đứng đầu ở SEA Games

|

Bóng chuyền nam, nữ Việt Nam (nội dung trong nhà) từng lọt vào chung kết một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) nhưng chưa thể chạm đến thành công như mong đợi. Giới làm nghề vẫn luôn đau đáu với khá vọng giành được tấm HCV môn bóng chuyền ở đáu trường khu vực.

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn đang chuẩn bị để sẵn sàng một lần giành tấm HCV ở SEA Games. Ảnh: AVC

> Tinh thần là thứ quý giá nhất

Định vị bóng chuyền Việt Nam

Lần gần nhất đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lọt vào chung kết tại SEA Games là SEA Games 32 diễn ra tháng 5-2023 ở Campuchia. Với đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam, lần gần nhất chúng ta vào chung kết SEA Games là SEA Games 31 tổ chức tháng 5-2022 tại Việt Nam. Trên lý thuyết, 2 đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam luôn trong nhóm 3 đội đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Hơn 15 năm qua, về thực tế, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thường xuyên vào chung kết SEA Games trong khi đội tuyển bóng chuyền nam phải tranh chấp các thứ hạng á quân hoặc hạng ba trong đấu trường này. Đối thủ quan trọng, trực tiếp của đội tuyển bóng chuyền nữ là đội Thái Lan. Với bóng chuyền nam, chúng ta thường trực phân tranh ngôi thứ trước 2 đội tuyển Indonesia và Thái Lan.

Bóng chuyền Việt Nam có mục tiêu cụ thể đối với SEA Games. Điều này đã được đại diện Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam khẳng định. Năm 2023 là năm đánh giá 2 đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam thi đấu nổi bật. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vào chung kết SEA Games 32 sau đó đánh giằng co trước Thái Lan, chỉ chịu thua sít sao, nhận HCB. Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam thắng đội nam Thái Lan để giành HCĐ ở Đại hội.

Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường từng trao đổi cụ thể “các đội bóng chuyền tại Đông Nam Á đã và đang có sự thay đổi tích cực ở chuyên môn. Chúng ta cũng phải chuẩn bị cho mình để đảm bảo tốt các nhiệm vụ. Cầu thủ bóng chuyền Việt Nam có nhiều người đạt trình độ chuyên môn tốt tuy nhiên, chúng ta vẫn còn cần những sự chuẩn bị để làm thế nào phát huy tốt nhất khả năng của họ”.

Bóng chuyền Việt Nam xác định năm 2024 là năm bản lề chuẩn bị hướng đến các mục tiêu trọng tâm của năm 2025 (sẽ có SEA Games 33 tại Thái Lan), năm 2026 (sẽ có ASIAD 20) và năm 2027 (SEA Games 34). Mục tiêu cụ thể là các đội tuyển nam, nữ Việt Nam nỗ lực đứng ở nhóm đầu Đông Nam Á và hiện thực hóa giấc mơ giành HCV SEA Games.

Thầy trò đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam.

Trao quyền chủ động cho các ban huấn luyện

Dự kiến, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam sẽ làm việc cụ thể với HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, HLV Trần Đình Tiền cùng các ban huấn luyện 2 đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam vào tuần tới. Cuộc làm việc không ngoài để phân tích các kết quả đã giành được ở năm 2023 và định hướng, chuẩn bị chuyên môn tại năm 2024. Năm nay, tín hiệu khả quan là 2 đội bóng chuyền trẻ nam, nữ nhóm tuổi U20 sẽ tập trung tập huấn và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tạo cơ hội cho cầu thủ được phát triển tốt nhất qua việc đăng ký đội dự giải bóng chuyền trẻ U20 vô địch châu Á 2024.

Năm ngoái, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tập trung qua nhiều giai đoạn. Thực tế ghi nhận, số cầu thủ thường trực được tập trung là khoảng 17 gương mặt quen thuộc. Tại thời điểm chuẩn bị cho giải SEA V.League 2023, bóng chuyền nữ tập trung 24 cầu thủ nhưng chỉ trong ngắn hạn.

Ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nữ đã cho biết, họ cần được gọi lực lượng đông đủ quân số như vậy để có tính đan xen, xây dựng một lộ trình chuyên môn lâu dài. Dẫu thế, theo quy định và dựa vào kinh phí, việc tập trung từ 24 cầu thủ trở lên ở thời gian dài sẽ khó khả thi.

Với bóng chuyền nam, quân số từng lần tập trung đội tuyển chỉ gói gọn 18 tay đập nên sự lựa chọn nguồn lực không nhiều. Việc có một cơ chế để tập trung con người đông, tinh nhằm tập luyện kỹ càng vẫn là mong mỏi từ người làm bóng chuyền nam. Năm 2024, đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam dự kiến tham gia Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á. Đây là đấu trường chuyên môn có cạnh tranh tốt để cầu thủ tích lũy chuẩn bị cho SEA Games 33-2025.