Vui buồn chuyện ngoại binh bóng chuyền

|

Cầu thủ nước ngoài (ngoại binh) được xem như sự đầu tư hợp lý để có lực lượng tốt nhất và tìm kết quả cao, nhưng không phải đội bóng nào cũng tìm được người hoàn hảo.

Ngoại binh là người giữ vị trí quan trọng ở các đội bóng lúc này. Ảnh: VFV

Chỉ tin nhà môi giới

Chuẩn bị cho giai đoạn 2 giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024, 16 đội bóng chuyền (8 nam, 8 nữ) đều tích cực tìm thuê tăng cường ngoại binh để nâng cao chất lượng chuyên môn cho mình. Trong giai đoạn thứ nhất của giải, các ngoại binh cũng tới Việt Nam thi đấu đáng kể.

Có thể thấy các đội bóng chuyền ở Việt Nam đều không tiến hành kiểm tra y tế cầu thủ trước khi ký hợp đồng. Tất cả thực hiện thỏa thuận rồi ký, cam kết trong hợp đồng với ngoại binh sau đó đón ngoại binh tới VIệt Nam, bước vào tập luyện luôn.

Đây là điều rất ngược với quy trình thuê cầu thủ. Điển hình ở môn bóng đá, các đội bóng đều thực hiện quy trình thuê ngoại binh khá cẩn trọng và phải kiểm tra y tế có kết quả đảm bảo sức khỏe sau đó mới ký hợp đồng.

Người làm chuyên môn và các CĐV bóng chuyền ở Việt Nam chứng kiến không ít trường hợp ngoại binh tới Việt Nam chưa được bao lâu đã phải...rời bước vì lý do sức khỏe.

Mới nhất, 2 cầu thủ ngoại của 2 đội bóng nữ đang chuẩn bị cho giai đoạn 2 giải vô địch quốc gia 2024 đã gặp chấn thương và từng đội bóng phải thay đổi ngoại binh bất đắc dĩ.

Mùa giải năm 2023, một số ví dụ minh chứng như ngoại binh Andrei Vasilenko gặp vấn đề sức khỏe nên không thể thi đấu cho nam Ninh Bình ở các trận quan trọng. Ngoài Andrei Vasilenko, một số trường hợp ngoại binh khác gặp vấn đề tương tự như Lara Vukasovic, Caroline Livingston...

Hiện tại, các đội bóng Việt Nam muốn thuê ngoại binh đều tìm các mối quen là cá nhân giới thiệu hoặc có công ty quản lý. Yếu tố duy nhất để các đội bóng nắm bắt ngoại binh trước khi thuê là được xem những đoạn video giới thiệu. Còn lại, HLV hay đội bóng rất khó có cơ hội trực tiếp xem cầu thủ thi đấu ở giải cụ thể. Và như thế, người môi giới cầu thủ chính là nơi nhận trọn niềm tin của các đội bóng. Vô hình chung, khi đã đạt được thỏa thuận bằng hợp đồng, nếu ngoại binh tới Việt Nam mà gặp chấn thương thì đội bóng phải chịu hoặc gấp rút tìm người thay thế. Có những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng nhưng ở bất cứ trường hợp nào thì đội bóng đều bị mất chi phí.

Xem ngoại binh là chỗ dựa

Khi Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho phép các đội bóng dự giải vô địch quốc gia và giải hạng nhất toàn quốc được đăng ký ngoại binh từ năm 2022, nhiều cầu thủ đã tới Việt Nam thi đấu.

Đội bóng nào cũng muốn đạt kết quả tốt nhất do vậy cố gắng tìm được ngoại binh phù hợp. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thống kê cho thấy, tính tới trước giai đoạn 2 giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024, chúng ta ghi nhận 69 lượt cầu thủ ngoại binh đã có mặt thi đấu ở Việt Nam. Năm 2022, trong cả 2 vòng đấu, giải có 17 cầu thủ được đăng ký. Năm 2023, con số là 32. Giai đoạn thứ nhất giải vô địch quốc gia 2024, con số là 20 ngoại binh. Dự kiến trong giai đoạn 2 giải năm nay, số ngoại binh là 19 người.

Năm 2022 và năm 2023, các đội giành ngôi vô địch quốc gia đều trông chờ nhiều ở vị trí thi đấu tấn công ghi điểm của ngoại binh. Đội nam Sanest Khánh Hòa, nữ Geleximco Thái Bình hay nữ Ninh Bình vô địch quốc gia đều có sự đóng góp đáng kể ở cầu thủ ngoại của mình.

Mùa giải năm nay, ngoại binh tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong đội hình nhiều đội bóng. Thị trường bóng chuyền Việt Nam đang là mảnh đất kiếm được lợi nhuận nên nhiều nhà môi giới đã có mặt. Vấn đề mấu chốt thì chưa đội bóng nào giải quyết được là làm sao thuê ngoại binh đúng chi phí, đúng giá trị. Trừ trường hợp cầu thủ Thái Lan Tichaya Boonlert tập luyện, thi đấu tại Việt Nam theo hợp đồng dài hạn, các ngoại binh tới với từng đội bóng Việt Nam đều là thời vụ thi đấu ngắn hạn giúp giải quyết thành tích. Do thế, nhà môi giới đưa ra những hình ảnh đẹp nhất của ngoại binh thì không ít đội bóng gật đầu ký kết dù có thể phải nhận kết quả không ưng ý.