Xuất khẩu hàng Việt qua mạng phân phối: Những tín hiệu vui

|

2016 là năm đầu tiên các doanh nghiệp phân phối thực hiện đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020” do Bộ Công thương triển khai.

Sản xuất thực phẩm chế biến tại một doanh nghiệp có sản phẩm bán tại một siêu thị Hàn Quốc Ảnh: CAO THĂNG
Cách làm này đã mở ra nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam. 
Kết quả khả quan
Theo ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc bộ phận Quan hệ công chúng Central Group Việt Nam và Big C, năm 2016, doanh nghiệp này đã xuất khẩu lượng lớn hàng hóa Việt Nam sang Thái Lan, với doanh số ước đạt 50 triệu USD. Hàng xuất khẩu chủ yếu gồm các mặt hàng nông sản, thủy hải sản, hóa mỹ phẩm, nội thất mỹ nghệ…
Hiện tại, Central Group Việt Nam đang xúc tiến mở rộng danh mục hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái Lan, cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Theo kế hoạch, vào cuối tháng 7, đầu tháng 8-2017, tập đoàn tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan (lần 2) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu để tiếp cận và giới thiệu hàng hóa với người tiêu dùng, nhà phân phối tại Thái Lan. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hàng hóa Việt Nam tại thị trường Thái Lan; qua đó tập đoàn hy vọng ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan; đồng thời dần lan tỏa ra các nước khu vực ASEAN cũng như làm bàn đạp để hàng Việt vươn ra thế giới bằng chính thương hiệu của mình.
Ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart Việt Nam, cho hay tổng giá trị hàng hóa Lotte Mart Hàn Quốc đã nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2016 là 1.300 tỷ đồng. Riêng giá trị hàng Lotte Mart tại 2 nước Indonesia và Trung Quốc nhập khẩu đạt khoảng 100 tỷ đồng. Những mặt hàng nhập khẩu bán được nhiều nhất là thủy sản, quần áo thời trang, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.  Hiện Lotte Mart đang nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của từng nước để tăng lượng hàng Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của Lotte Mart tại các nước.
Trong năm 2017, mục tiêu của Lotte Mart về giá trị xuất khẩu sản phẩm Việt Nam khoảng 2.000 tỷ đồng, bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng nông sản và các sản phẩm chuyên dùng sinh hoạt hàng ngày, có chất lượng cao và giá bán tốt. 
Mặc dù đầu tư vào Việt Nam khá muộn, các điểm bán hiện diện chưa nhiều, song hệ thống phân phối Aeon Việt Nam cũng đã tích cực tìm kiếm đối tác, nhà sản xuất có chất lượng để làm hàng nhãn hàng riêng cho Aeon bán tại thị trường Việt Nam, cũng như xuất khẩu vào mạng lưới siêu thị tại Nhật Bản và các nước. Theo tính toán của Aeon Việt Nam, hiện có 1.675 nhà cung cấp nội địa đang cung ứng hàng hóa cho hệ thống và Aeon đã xuất trực tiếp hàng hóa của Việt Nam vào 14.000 cửa hàng của Aeon tại châu Á và Nhật Bản, với tổng giá trị đạt hơn 200 triệu USD, riêng mặt hàng cá tra đạt 1.500 tấn với trị giá 9 triệu USD.
Mới đây nhất, từ ngày 5 đến 11-6 vừa qua, tại Trung tâm thương mại Aeon Lake Town Mori, tỉnh Saitama, Nhật Bản đã diễn ra “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2017” với 36 doanh nghiệp trực tiếp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, gồm hàng may mặc thời trang, giày dép; thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, hàng quà tặng; nông sản thực phẩm chế biến; sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm đặc sản của các địa phương… Ngoài số lượng các doanh nghiệp trực tiếp tham gia, còn có 7 doanh nghiệp của Hà Nội và 26 doanh nghiệp của 19 tỉnh, thành gửi sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương hoặc gửi catalogue giới thiệu tại tuần hàng. Theo nhận định của các đối tác Nhật Bản, chất lượng hàng hóa của Việt Nam đang được cải thiện tốt hơn. 
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Với đề án trên, Bộ Công thương sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mạng phân phối ở nước ngoài  trên phạm vi toàn thế giới. Với các doanh nghiệp Việt Nam, để tham gia được vào mạng lưới phân phối phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và cần khắc phục những hạn chế như đảm bảo ổn định và tuân thủ chặt chẽ các quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, từ khâu đầu đến cuối. Điều này phù hợp xu hướng của thế giới hiện nay là không chỉ kiểm tra chất lượng hàng hóa ở khâu cuối mà truy xuất ngược lại, kiểm soát tất cả các khâu từ nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản… Quy trình kiểm tra này không chỉ phối hợp với cơ quan nhà nước mà thêm đơn vị thứ 3, đó là các tổ chức độc lập và uy tín. Hiện nay, một số thị trường xuất khẩu như Mỹ đã có những quy định mới về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng nhiều doanh nghiệp chưa nắm được, như Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ.
Riêng với các nước trong khu vực ASEAN, từ năm 2016 đã có thị trường chung với việc tự do lưu chuyển hàng hóa trong khu vực, trong đó nhiều mặt hàng đã về mức thuế bằng 0%. Việc thuế nhập khẩu dần được cắt giảm hoàn toàn đã giúp hàng hóa của các nước trong khu vực dễ xâm nhập thị trường của nhau. 
Tại thị trường Thái Lan, theo tìm hiểu của Tập đoàn Central Group Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của nước này là khá lớn. Thái Lan đang nhập khẩu từ Việt Nam nhiều sản phẩm như cá hồi, cá ngừ, mực, cá thu, cá trích, một số loại cá da trơn, cá bạc má, tôm, cua biển, các loài thủy sản vỏ cứng. Trong số đó, cá tra là mặt hàng Việt Nam có tiềm năng, lợi thế khi xâm nhập thị trường Thái Lan. Hiện người tiêu dùng Thái Lan bắt đầu quen sử dụng và ưa thích dùng sản phẩm cá tra Việt Nam. Trong đó cá tra philê chiếm thị phần cao nhất, từ 56% - 68% tổng giá trị nhập khẩu thịt cá trắng của Thái Lan. Giá cá tra tại thị trường Thái Lan lại rẻ và yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe như các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… Ngoài nhóm hàng thủy hải sản, nhóm hàng chế biến, chế tạo như điện thoại và linh kiện, máy tính và sản phẩm điện tử, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị và phụ tùng… cũng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong số mặt hàng thuộc nhóm này, có thể thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị, linh kiện dùng trong công nghiệp chế tạo ô tô…
Theo kế hoạch, trong năm 2017 và 2018, Bộ Công thương sẽ tổ chức chuỗi hội thảo, trong đó tập trung đào tạo các kỹ năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và khả năng tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài. Tại đây, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng được kết nối với các hãng phân phối nước ngoài để tìm hiểu về hệ thống thu mua của đối tác, các tiêu chí quy định đối với nhà cung ứng, cũng như hệ thống tiêu chuẩn riêng của từng hãng phân phối. Mặt khác, Bộ Công thương sẽ kết nối để thúc đẩy các doanh nghiệp phân phối FDI chuyển giao công nghệ, năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện để tham gia cung cứng vào chuỗi phân phối tại các nước. Và chỉ có như vậy, hàng Việt Nam mới có thể rút ngắn các khâu trung gian, cạnh tranh tốt hơn về giá bán. 
Theo mục tiêu của đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020” do Bộ Công thương soạn thảo, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành vào cuối năm 2015, đến năm 2020, hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á; tại các quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Cùng với đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của các ngành hàng trong đề án như dệt may, giày dép, nông sản, cà phê, chè, thủy sản tăng thêm 10% - 15%. Đồng thời, mở rộng khả năng tiếp cận mạng lưới phân phối thêm  2 - 3 hệ thống và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài tăng thêm 10% - 15% đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình.