Kiên trì truy xuất nguồn gốc thực phẩm sạch

|

Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức hội nghị sơ kết đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc (TXNG) thịt heo thuộc dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2016-2020, nhằm đánh giá kết quả thực hiện trong 6 tháng qua.

Đưa heo VietGAP có nguồn gốc xuất xứ vào nhà máy giết mổ
Thiếu lực lượng, máy móc, chi phí

Theo Sở Công thương TPHCM, đề án đã được nhiều cơ sở tại các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia với 838 siêu thị, cửa hàng tiện lợi; 2 chợ đầu mối với 137 gian hàng và 23 chợ truyền thống với 146 gian hàng. Có 1.280 cơ sở chăn nuôi từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang… đăng ký tham gia đề án; trong số này có 132 cơ sở với 421.600 con heo đã thực hiện kích hoạt khai báo thông tin về TXNG tại trang trại. 25 cơ sở giết mổ ở TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương… tham gia nhưng chỉ có 10 cơ sở kích hoạt khai báo thông tin nguồn gốc, với 444.647 con heo có đeo vòng nhận diện khi đưa vào giết mổ. Tuy nhiên sau đó chỉ có 233.152 con heo được kích hoạt khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ và có vòng niêm phong theo xe. 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện nay vòng đeo thẻ đều do thương nhân quản lý và phát đến những trang trại đăng ký cung cấp sản phẩm cho TPHCM. Chính điều này đã khiến cơ quan quản lý không an tâm, lo ngại thương nhân trộn heo bẩn trong quá trình vận chuyển. Vì vậy, lực lượng thú y phải kiểm tra từng con trên xe nên tốn khá nhiều thời gian. Còn Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, đề án của TPHCM rất hay nhưng lúc triển khai lại rơi vào thời điểm tiêu thụ đàn gia súc khó khăn. Nhiều trang trại thua lỗ phải cắt giảm chi phí trong khi tham gia đề án phải tốn thêm tiền đầu tư vòng đeo nên chưa mặn mà. Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển thường bị đứt vòng đeo phải tốn thêm chi phí mua vòng mới. Đề nghị ban quản lý đề án nghiên cứu giảm tối đa chi phí vòng đeo thẻ để thu hút các trang trại. 

Một doanh nghiệp chăn nuôi nhận xét, lực lượng thú y ở các địa phương không có đủ nhân sự để kiểm tra TXNG, bởi các trang trại đều xuất chuồng đồng loạt cùng thời điểm và khoảng cách lại rất xa nhau. Cái khó nữa, phần lớn trang trại nằm ở vùng sâu vùng xa nên mạng 3G chập chờn không kích hoạt được vòng đeo thẻ.

Hỗ trợ việc truy xuất

Theo Sở Công thương TPHCM, việc TXNG nhằm đáp ứng kỳ vọng của người dân trong việc minh bạch “đường đi” của hàng hóa từ khâu chăn nuôi đến bàn ăn. Thực hiện tốt điều này sẽ đem lại sự tin tưởng, thương hiệu của nhà sản xuất, kinh doanh… Để làm được việc TXNG cần phải có sự đồng tình, thống nhất giữa nhiều sở, ban, ngành của các tỉnh vì có đến 85% lượng thực phẩm đều do các tỉnh cung cấp về TPHCM. Chính vì thế, lãnh đạo TPHCM yêu cầu ban quản lý hết sức kiên trì, bền bỉ trong việc triển khai đề án.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho hay: “TPHCM đang xây dựng chương trình hoàn chỉnh để những hộ chăn nuôi nhỏ cũng có thể tiếp cận việc TXNG thực phẩm. Hiện sở đang làm việc với nhiều đối tác để giảm chi phí. Trước tiên là giảm giá 50% vòng đeo thẻ cho hộ chăn nuôi, giảm 100% cho các hộ đăng ký tham gia tổ hợp tác, hiệp hội. TPHCM cũng sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao kinh nghiệm để các tỉnh nhân rộng mô hình TXNG. Hệ thống dữ liệu của đề án sẽ công khai nhu cầu số lượng thực phẩm của TPHCM để nơi cung ứng biết được nhu cầu mà sản xuất ổn định, tránh tình trạng thừa cung cầu”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo: “Qua thời gian triển khai thử nghiệm đề án, đến hết tháng 7 này, bắt buộc phải TXNG thịt heo vào 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền. TP giao Sở Công thương phối hợp với các siêu thị tổ chức bán hàng lưu động đến khu chế xuất, khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa để người lao động mua được sản phẩm sạch với giá ưu đãi nhằm dẹp chợ tự phát”.