Đột phá từ thương mại điện tử

|

Cuộc đổ bộ của hàng loạt “đại gia” nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử vào Việt Nam trong thời gian gần đây đã chứng tỏ sức hút của thị trường có trên 91 triệu dân, hơn 45% dân số tiếp cận internet.

Nhấp chuột mua bán hàng qua internet
Trước tiềm năng này nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, nếu doanh nghiệp nội địa không nhanh chóng kết nối vào sân chơi kinh doanh trực tuyến toàn cầu thì sẽ bị chậm chân, vuột mất nhiều cơ hội. 

Hiện nay, chỉ cần một cú nhấp chuột, các chị em ngồi tại văn phòng có thể thảnh thơi mua sắm từ thời trang hàng hiệu đến hũ mắm, lọ dưa hành mà không nhất thiết phải đến các trung tâm thương mại hoặc ghé chợ truyền thống. Chị Đào Lan, nhân viên một công ty có trụ sở trên đường Hai Bà Trưng, (quận 1, TPHCM), chia sẻ: “Tôi vừa làm việc vừa tranh thủ đi chợ trực tuyến mua thức ăn chuẩn bị sẵn cho gia đình. Chỉ mất vài phút thôi, hàng được giao tận nơi, vô cùng tiện lợi”. Đây cũng là xu hướng mua sắm của rất nhiều phụ nữ trẻ thời đại công nghệ số khi mà nhịp sống quá tất bật, vội vàng, khiến họ không có nhiều thời gian rảnh rỗi. 

Ông Nguyễn Tuấn Việt Sơn, Giám đốc kinh doanh của Tripi.vn, chia sẻ doanh nghiệp khởi nghiệp về du lịch từ năm 2005, hiện có trên 700.000 khách hàng. Một số thống kê độc lập cho thấy, thị trường thương mại điện tử khu vực châu Á tăng trưởng rất mạnh, khoảng 43% vào năm 2015. Tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh tăng nhanh chóng, khoảng 70% ở khu vực thành thị và hơn 50% khu vực nông thôn. “Kinh doanh du lịch trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh, trở thành xu thế tất yếu khi nhu cầu được trải nghiệm, khám phá các vùng đất mới gia tăng. Nhiều chuyên gia nhận định, quy mô du lịch trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 22 tỷ USD vào năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 10%”, ông Nguyễn Tuấn Việt Sơn chia sẻ. Tương tự Tripi.vn, trang điện tử chuyên về du lịch Tugo.vn cũng đang thu hút khách với khoảng 100% khách hàng đặt tour, dịch vụ qua mạng, 30% trong số khách hàng này lựa chọn thanh toán trực tuyến. 

Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống với mô hình kinh doanh trực tuyến đang ngày càng gay gắt. Chưa kể, thị trường cũng thu hút rất nhiều thương hiệu nước ngoài có tiềm lực về tài chính, khiến “chiếc bánh” thị trường thương mại điện tử bị chia nhỏ thị phần. Mà một trong các loại hình dịch vụ như đặt tour, phòng nghỉ, vận chuyển… đang chịu tác động rất rõ nét. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ước tính các thương hiệu trực tuyến về du lịch nước ngoài đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam. Chẳng hạn, Agoda.com với trên 7.600 khách sạn đối tác tại Việt Nam, Booking.com cũng có trên 6.000 khách sạn đối tác. Những trang web này có tính năng hoạt động như một siêu thị, cung cấp mức giá cạnh tranh (có khi giảm giá từ 50% - 70%) để khách hàng lựa chọn, khiến các trang web du lịch trong nước khó cạnh tranh nổi. 

Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Gotadi.com (chuyên đặt vé máy bay, khách sạn), nhận định Việt Nam có dân số trẻ, tỷ lệ người tham gia mạng xã hội đứng hàng đầu thế giới, nên đây là đối tượng khách hàng tiềm năng được các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến nhắm đến. Thế nhưng, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhiều khách hàng nội địa cũng thường chọn các đại lý du lịch ngoại để đặt tour, khách sạn… nên lợi nhuận phần lớn sẽ “chảy” ra nước ngoài, trong khi các đại lý này hầu như không phải đóng đồng thuế nào cho Việt Nam, mặc dù họ đang sử dụng hạ tầng công nghệ, các lợi thế sẵn có của nước ta. Ngược lại, các doanh nghiệp du lịch trong nước phải đóng thuế, chi trả hoa hồng khá cao, từ 30% - 40% cho các dịch vụ trực tuyến. 

Thực tế hiện nay, doanh thu từ thương mại điện tử chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng vài phần trăm trong tổng số doanh thu bán lẻ. Nhưng với tiềm năng hiện tại, thương mại điện tử sẽ tiến rất xa, bứt phá vượt bậc. Do vậy, để nhanh chóng nắm bắt thời cơ, hàng loạt doanh nghiệp truyền thống trong nhiều lĩnh vực như du lịch (Saigontourist, BenThanh Tourist…), siêu thị bán lẻ (Co.opMart, BigC…) cũng đã mạnh tay chi cho việc nâng cấp các trang thông tin, hệ thống bán hàng điện tử để thu hút khách hàng. Nhiều ý kiến đều đồng nhất quan điểm cho rằng, mục tiêu cuối cùng trong cuộc đua cạnh tranh thương mại trực tuyến chính là cung cấp đến người tiêu dùng các dịch vụ tốt, sản phẩm đảm bảo chất lượng với giá cả cạnh tranh… Do vậy, các doanh nghiệp phải chủ động đương đầu, chấp nhận cuộc đua mang tính sàng lọc này. Bên cạnh đó, nhà nước cũng xem xét đến việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển, có thể cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà.