Triển khai thí điểm chợ an toàn thực phẩm

|

Sau 5 năm xây dựng kế hoạch và triển khai thử nghiệm, đầu tháng 1-2018, UBND TPHCM đã chính thức phê duyệt dự án Mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đầu tiên trên địa bàn TP. Theo đó, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành được chọn để triển khai dự án.
\r\n
\r\n\r\n

 Với cách làm này, TPHCM sẽ thực hiện phương án quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, hướng tới đô thị văn minh, hiện đại. 
Hoạt động mua bán tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn               Ảnh: Tường Dân
 Tiểu thương là chủ thể thực hiện dự án 

TPHCM hiện có 239 chợ truyền thống, 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại và 1.100 cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, các mặt hàng thực phẩm cung ứng cho nhu cầu hàng ngày của người dân, chủ yếu đến từ các chợ truyền thống. Trên thực tế, việc kiểm soát cũng như ý thức của người bán và người mua trong vấn đề vệ sinh ATTP còn nhiều hạn chế. 

Theo Sở Công thương TPHCM, đơn vị chủ trì thực hiện dự án, việc nghiên cứu, xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP trước hết nhằm bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng; đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại chợ, từng bước thực hiện văn minh thương mại, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển của TP. Việc triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý của ban quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng trong lĩnh vực ATTP. Để thực hiện được các mục tiêu trên thì chủ thể trong mô hình thí điểm dự án chính là những thương nhân kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại các chợ trên địa bàn và ban quản lý chợ. 

Phạm vi thực hiện dự án bao gồm các chợ thuộc quy hoạch của TP được lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm và các chợ thuộc đối tượng được chọn để nhân rộng mô hình trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, các mặt hàng trong dự án sẽ là thực phẩm tươi sống của chuỗi ATTP, sản phẩm tươi sống của chợ đầu mối cung ứng cho các chợ truyền thống như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản, cùng các dịch vụ kinh doanh ăn uống tại các chợ.

Một số ý kiến cho rằng, tại thời điểm này, việc triển khai dự án đã đi vào giai đoạn chín muồi, bởi lẽ ở nhóm mặt hàng thịt heo, thịt và trứng gia cầm, 7 loại rau củ quả đã được thực hiện truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, TPHCM cũng có chủ trương đầu tư để nâng cấp mạng lưới các chợ truyền thống nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu kinh doanh và mua sắm của người dân. Vấn đề còn lại để thực hiện dự án thành công, chính là ý thức cũng như hành vi của tiểu thương. Họ mới chính là chủ thể để thực hiện dự án chứ không phải ai khác. 

Nhưng không dễ làm 

Để triển khai thử nghiệm trong giai đoạn đầu, các sở ngành chức năng đã quyết định chọn chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn để triển khai mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP. Cách làm sẽ được thực hiện theo dạng “cuốn chiếu”, tức chọn ngành hàng đã được phân khu riêng biệt hoặc tương đương. Chủ thể kinh doanh cố định phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Các mặt hàng chủ yếu đang mua bán trong chợ cơ bản đã xác định được nguồn gốc. 

Cụ thể, trong giai đoạn đầu, tại chợ Bến Thành, các sở ngành đã bàn bạc với ban quản lý chợ thống nhất chọn ngành hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả và ngành hàng ăn uống để triển khai thí điểm. Bên cạnh việc thực hiện theo các tiêu chí từ dự án, Vụ Thị trường trong nước cũng tư vấn nên chú ý thêm các vấn đề để tạo sự đồng bộ như nhặt rau sẵn và rửa sạch… nhằm mang lại tiện ích cho người tiêu dùng khi đến mua hàng tại đây. Tuy nhiên, để làm được việc này, về phía các sở ngành, quận, huyện cũng như ban quản lý các chợ phải có sự am hiểu và phân vai thật cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong việc vận động và hỗ trợ tiểu thương trong quá trình thực hiện. 

Tương tự, đối với chợ đầu mối Hóc Môn, các bên cũng thống nhất chọn ngành hàng thịt gia súc, đồng thời đầu tư nâng cấp một phần khu vực rau củ quả để triển khai dự án. 
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở ngành hàng thịt gia súc, khả năng thực hiện thí điểm mô hình ATTP thành công là khá cao vì hiện nay nguồn thịt về chợ đều đã thực hiện tốt công đoạn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Đây là nơi cung cấp lượng thịt heo lớn nhất cho TPHCM với thị phần luôn chiếm 50% - 55%; vì vậy, khi áp dụng thí điểm mô hình những quầy hàng thịt heo ở đây được kiểm soát gắt gao, gắn với các tiêu chí cụ thể. Đặc biệt, khu nhà lồng được đầu tư mới, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu kinh doanh thực phẩm. Chợ cũng có hẳn khu kiểm tra, xử lý những sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn ATTP. Hàng hóa tại đây sẽ thường xuyên kiểm tra nguồn gốc và chất lượng vận chuyển vào chợ. Ngoài thịt heo, cán bộ của đội kiểm tra cũng hướng dẫn tiểu thương mở sổ ghi chép nguồn gốc nhập, xuất các mặt hàng khác.

Đối với mặt hàng rau củ quả, việc triển khai sẽ phức tạp hơn vì tỷ lệ hàng hóa truy xuất chiếm tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân chính do vẫn chưa hình thành được vùng chuyên canh cung ứng cho thị trường với số lượng lớn. Do vậy, để có đủ lượng hàng bán sỉ cho khách hàng, thương nhân tại chợ phải lấy từ nhiều đầu mối khác nhau…

Bên cạnh đó, cũng không dễ dàng để đưa việc kinh doanh ngành hàng rau củ quả đi vào khuôn khổ vì lâu nay tiểu thương đã quen với cách nghĩ, cách bán hàng thoải mái. Nhận thức được điều này, nên các sở ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai như tăng cường tuyên truyền cho tiểu thương hiểu được tầm quan trọng cũng như hiệu quả của việc thực hiện dự án. Nếu được TP công nhận cho ngành hàng và chợ đạt các tiêu chí về ATTP thì uy tín và thương hiệu của chợ tăng lên, dẫn đến sức cạnh tranh và mãi lực của ngành hàng sẽ tăng theo. “Đây là dự án không dễ thực hiện vì liên quan đến nhiều vấn đề, nhưng nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được. Khởi điểm của dự án chỉ từ vài ngành hàng, nhưng nếu làm hiệu quả sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến nhiều ngành hàng và nhiều chợ khác”, một cán bộ của ngành công thương nhận xét.
Những tiêu chí chủ yếu 
1 - Tiêu chí về thực phẩm kinh doanh tại chợ:
- Thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, có nhãn mác đầy đủ theo quy định của pháp luật.
- Thực phẩm phải được trưng bày riêng biệt, bảo quản theo từng trang thiết bị riêng biệt; được che đậy, bao gói kín, hợp lý, đảm bảo không lây nhiễm.
- Đối với dịch vụ ăn uống, thực phẩm phải được chế biến chín hoặc chế biến đúng quy cách theo đặc điểm riêng của từng sản phẩm, nguyên phụ liệu và sử dụng nguồn nước sạch để chế biến, kinh doanh thực phẩm.
- Thực phẩm kinh doanh tại chợ phải được niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết.
2 - Tiêu chí về người trực tiếp kinh doanh tại chợ:
- Các thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe định kỳ, giấy tập huấn kiến thức về ATTP.
3 -  Tiêu chí về cơ sở vật chất, kỹ thuật của chợ:
- Có đầy đủ hệ thống cấp điện, cấp nước phục vụ việc kinh doanh tại chợ. 
- Các quầy sạp được xây dựng chắc chắn, độ cao thích hợp, đảm bảo an toàn cho tiểu thương kinh doanh và ATTP.
- Hệ thống nền nhà chợ kiên cố, khô thoáng, đảm bảo việc vệ sinh hàng ngày dễ dàng.
- Phải có khu vực thu gom rác tập trung, khu vực phải kín, cách xa khu vực kinh doanh thực phẩm...