Doanh nghiệp khát vốn rẻ

|

Tính đến cuối tháng 6-2018, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM ở mức 8,6%. Trong đó, hơn 70% tín dụng trong tổng dư nợ dành cho sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ (DNVVN) vẫn “khát” nguồn vốn rẻ. \r\n

Sản xuất hàng xuất khẩu một trong 5 lĩnh vực được vay vốn lãi xuất ưu đãi. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều nguồn vốn 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, lãi suất cho vay đã giảm 0,3% - 0,5% so với năm 2017. Riêng cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất trước đây 7% - 8%/năm, nay chỉ còn 6,5%/năm. Hiện cơ quan này đang yêu cầu các ngân hàng tăng cường huy động vốn trung và dài hạn để từ đó ổn định lãi suất trong suốt thời gian vay vốn của dự án trung và dài hạn. 

Liên quan đến vốn tín dụng dành cho DN, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM, cho biết  hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ vốn dành cho DNVVN thông qua các cơ chế về tín dụng, lãi suất và tỷ giá. Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng khẳng định, không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đặc biệt với 5 nhóm đối tượng, lĩnh vực ưu tiên gồm DN nông thôn, DNVVN, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao và còn được cho vay với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN và UBND TPHCM, hiện ngành ngân hàng TP còn có nhiều chương trình kết nối giữa các nhóm DN và ngân hàng thương mại, triển khai các chính sách ưu đãi về lãi suất, hỗ trợ thực hiện tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN…

Không chỉ mặt bằng lãi suất cho vay giảm và các chương trình tín dụng ưu đãi lớn, nhiều ngân hàng thương mại tại TPHCM cũng liên tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho DN, đặc biệt là DNVVN nhằm tạo nguồn vốn cho mùa sản xuất kinh doanh cuối năm. Lãnh đạo Maritime Bank cho biết, bước sang quý 3 và chuẩn bị cho quý 4 về đích kinh doanh năm 2018, DN cần lượng vốn lưu động với lãi suất hợp lý để phục vụ các nhu cầu sản xuất, dự trữ hàng hóa, đặc biệt đối với các DNVVN và DN siêu nhỏ. Nắm bắt được nhu cầu đó, từ nay đến  cuối năm, Maritime Bank có gói cho vay 10.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6,99%/năm, thời gian phê duyệt 5 ngày làm việc và giải ngân ngay trong ngày với thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Hạn mức thế chấp lên tới gấp 3 lần giá trị tài sản đảm bảo và hạn mức tín chấp lên tới 4 tỷ đồng. Tương tự, để các DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và nắm bắt cơ hội kinh doanh những tháng cuối năm 2018, Sacombank có gói cho vay ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho DNVVN. Theo đó, tùy thời hạn vay vốn mà lãi suất cho vay chỉ từ 6% - 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 8,5%/năm đối với khoản vay mua ô tô trung dài hạn. Ngoài việc hưởng mức lãi suất hấp dẫn, các DN còn được Sacombank tư vấn các giải pháp tài chính toàn diện, phù hợp với đặc thù kinh doanh để đảm bảo tối ưu hóa lợi ích từ nguồn vốn vay. Hiện HDBank cũng có chương trình “Vay nhanh kinh doanh - Tăng nhanh thu nhập” cho khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ trên cả nước được vay với lãi suất chỉ 6,3%/năm khi vay sản xuất kinh doanh, nông nghiệp cùng với chính sách ưu đãi về vốn và dịch vụ tài chính như tham gia gói sản phẩm, khách hàng được cấp thẻ tín dụng tối đa đến 300 triệu đồng và được hoàn phí thường niên trong năm đầu tiên…

Nhưng vốn rẻ vẫn khó tìm 

Tín dụng cho sản xuất kinh doanh không thiếu, nhiều ngân hàng vẫn ưu ái cho DN và cất công đi tìm khách hàng chứ không đợi khách hàng tìm tới như trước đây, nhưng thực tế các DN, đặc biệt là DNVVN vẫn khát vốn. Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối 2016, Việt Nam có gần 500.000 DN, trong đó có trên 97% là DNVVN với gần 60% DN có quy mô rất nhỏ, vốn ít, cũng như điều kiện kỹ thuật rất lạc hậu. Vì vậy, hiệu quả kinh doanh chưa cao nên ảnh hưởng đến lợi nhuận. Trong khi nhu cầu về nguồn vốn tăng nhưng thực tế, khi tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng là chuyện không đơn giản.

Tại buổi tọa đàm về vấn đề vốn cho DN mới đây, ông Đỗ Tấn Trúc, Trưởng phòng Hỗ trợ DNVVN, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNVVN, cho biết để DN có thể vay vốn rẻ, hiện TPHCM có nhiều chương trình hỗ trợ, khoản vay không tính lãi hoặc hỗ trợ 50% lãi vay ngân hàng, đặc biệt với các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Do DN chưa biết rõ chương trình nên không tiếp cận được các nguồn vốn rẻ. Hiện Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNVVN đang tư vấn, kết nối để DN tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ hơn. Tuy nhiên, các DNVVN, đặc biệt là DN siêu nhỏ và DN khởi nghiệp cho biết, mặc dù có nhiều chương trình ưu đãi về lãi suất nhưng việc tiếp cận rất khó khăn, đặc biệt là vốn rẻ từ ngân hàng và việc vay vốn không đơn giản. Bản thân DN dù muốn minh bạch mọi thông tin tài chính, sổ sách nhưng thực tế thực hiện lại không dễ. Chẳng hạn thuê nhà làm mặt bằng bán hàng nhưng chủ nhà không xuất được hóa đơn vì nhiều lý do. Thậm chí, có cả trường hợp DN phải “chăm sóc” cán bộ ngân hàng làm việc trực tiếp để được vay vốn… Ngoài ra, không ít DN than rằng, một trong những vấn đề lớn mà DN gặp phải là “bẫy tín dụng” vì lãi suất các ngân hàng chỉ ổn định được trong 1 - 2 năm đầu, khi DN đã vào guồng sản xuất kinh doanh thì lãi suất lại tăng nên nhiều DN gặp khó…

Ông Đặng Đức Huy, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), cho biết lãi suất của SCB dành cho DN nhỏ vay rất ưu đãi, chỉ khoảng 6,5%/năm trong lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và SCB, còn lãi cho vay DN thông thường chỉ khoảng 8%, tài sản đảm bảo cũng đa dạng, mức cho vay tới 90% nhu cầu. Theo ông Đặng Đức Huy, hiện có rất nhiều DNVVN khi cơ hội đến với những hợp đồng hay dự án lớn mà năng lực họ có thể làm được. Tuy nhiên, do quy mô DN nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp chính là những khó khăn cản trở. Khi tìm đến thì các ngân hàng “soi” rất kỹ về năng lực cũng như độ tin cậy của DN để “chọn mặt gửi vàng”. Do đó, nếu DN nhỏ không có tài sản đảm bảo tốt, tuổi đời thành lập non trẻ, thiếu minh bạch trong báo cáo tình hình tài chính… sẽ rất khó để được chấp thuận cho vay. 

Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Minh nhìn nhận, thời gian qua các ngân hàng đã mở rộng cửa cho DNVVN, nhưng những vấn đề tồn tại của chính DN lại là rào cản để họ tiếp cận nguồn vốn vay. Ngay cả đối với Chương trình kết nối ngân hàng - DN, dù có nhiều đầu mối là các sở ngành, quận huyện nhưng vẫn có DN không tiếp cận được vốn. “Các DN không vay được vốn vì không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, nhiều chủ DN không hiểu rõ quản lý tài chính nên thiếu các hoạch định kế hoạch tài chính ngắn hạn, dài hạn. Thêm vào đó, hồ sơ tài chính chưa minh bạch, rõ ràng do thói quen quản lý tài chính kiểu gia đình, luôn có 2 bộ sổ sách kế toán nhằm giảm mức thuế phải đóng… cũng khiến ngân hàng ngần ngại khi cho vay vốn. Trong khi đó, hiện rất nhiều DNVVN vẫn giữ hình thức này nên khó tiếp cận được vốn từ ngân hàng”, ông Nguyễn Hoàng Minh lý giải. Liên quan đến vấn đề “bẫy” lãi suất, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng chia sẻ, thực tế này xuất phát từ việc ngân hàng đang gặp khó trong việc huy động vốn có kỳ hạn. Ngay cả DN được vay tại Chương trình kết nối ngân hàng - DN thì lãi suất trung và dài hạn cũng thường chỉ ổn định trong 1 - 2 năm đầu, còn sang những năm sau phải thỏa thuận lại. Riêng về thủ tục vay vốn, dù hiện đã cắt giảm đến 2/3 so với 3 năm trước nhưng vẫn còn khá phức tạp. “Các ngân hàng luôn tạo điều kiện để DN được giải ngân vốn nhanh thông qua việc hỗ trợ thủ tục, nhưng các ngân hàng cũng phải chặt chẽ, đảm bảo tính pháp lý để bảo vệ mình trước các cơ quan kiểm soát khác nên có độ “chênh” đáng kể”, ông Nguyễn Hoàng Minh giải thích.