Đổi mới tư duy để phát triển ngành chăn nuôi

|

Thời gian gần đây, giá heo hơi rơi vào tình trạng “hết nóng lại lạnh” và ngược lại khiến thu nhập của các hộ chăn nuôi không ổn định. Ông Văn Đức Mười (ảnh), nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), đã có cuộc trao đổi đầy tâm huyết về những vấn đề đặt ra cho ngành chăn nuôi cũng như cho Vissan trong giai đoạn mới.

\r\n

 

\r\n

Còn hưởng lợi theo xu thế

 PHÓNG VIÊN: Là người đồng hành xuyên suốt với quá trình phát triển của ngành chăn nuôi, điều gì làm ông trăn trở nhất?

 Ông Văn Đức Mười: Có thể nói ngành chăn nuôi Việt Nam đã phát triển tăng tốc về sản lượng trong giai đoạn 1990-2018. Thế nhưng, sự phát triển của ngành này vẫn mang tính chất hỗn hợp, thiếu chuyên sâu, tạo nên một bức tranh phức hợp về con giống, thức ăn chăn nuôi, công nghệ và dịch tễ. 

Sự bất ổn về chiến lược, trong quản lý nhà nước, dịch tễ và phát triển thị trường tiêu thụ; thiếu đồng bộ trong quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến đóng gói, định hướng tiêu thụ và an toàn thực phẩm… đã tạo nên một nền sản xuất không theo quy luật, dẫn đến manh mún. Nói cách khác, đến nay chúng ta vẫn còn loay hoay trong tiêu thụ nội địa, trong quy hoạch giết mổ, liên kết vùng và thức ăn gia súc. Thực trạng này đã làm tổn hại đến ngành chăn nuôi khi sản lượng chăn nuôi cao nhưng chất lượng, giá thành và năng suất thấp; một vùng dịch tễ không an toàn nên chúng ta không có thương hiệu thịt trên thị trường thế giới. Trong khi đó, mong muốn của chúng ta là phải từng bước thiết lập ngành chăn nuôi công nghiệp nhằm tăng cao năng suất, giá thành hợp lý, chất lượng và tiêu chuẩn thịt phải hội nhập vượt qua rào cản dịch tễ để xuất khẩu.

Cũng trong những thập niên này, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các liên doanh đã làm chủ lực thay cho DN Việt trong ngành chăn nuôi, chế biến thức ăn, rồi các DN nhỏ, hộ gia đình chăn nuôi đã nép vào sự phát triển này để đầu tư cho mình, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc hưởng lợi theo xu thế mà thôi! Ngành chăn nuôi vì vậy đã bị lọt vào tay DN FDI và chúng ta vui lòng với hiện tại, đó cũng là nhược điểm của chính chúng ta. 

Điều tôi trăn trở và mong đợi là dù mất thời gian, nhưng chúng ta phải có một kế hoạch và lộ trình chặt chẽ, một tư duy mới dài hạn cho chiến lược lâu dài. Nếu không đổi mới căn cơ thì sẽ khó có thể đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế. 

 Ông có thể đánh giá thực trạng của lĩnh vực chế biến thực phẩm tại nước ta?

 Lâu nay, người Việt Nam vẫn âm thầm cố hữu, gìn giữ tập quán tiêu dùng của mình, đó là sử dụng thịt heo tươi sống (65% thịt heo trên tổng lượng thịt tiêu thụ - PV). Thực phẩm chế biến vẫn chỉ xem là món ăn chơi, tiệc tùng. Các loại thực phẩm chế biến tiện dụng chủ yếu cho trẻ em và trường học, do vậy tốc độ phát triển rất thấp và chậm.

Đến năm 2015 lĩnh vực thực phẩm chế biến mới có những bước chuyển về sản lượng tiêu thụ lẫn thói quen tiêu dùng. Nguyên nhân chính là do sự cải tiến công nghệ, thu nhập của người tiêu dùng tăng, nhiều sản phẩm nhập khẩu đa dạng đã tạo nên thị trường nhộn nhịp, nguyên liệu đưa vào sản xuất có chất lượng với giá cả ổn định. Đến nay, tuy tốc độ phát triển vẫn còn thấp, nhưng thị trường thực phẩm chế biến rất cao về lợi nhuận, trở thành ngành có nhiều tiềm năng trong tương lai và có lợi cho sự phát triển khi liên kết với các ngành khác.

 Chúng ta có thể làm gì để ngành nông nghiệp tránh tình trạng “hết nóng lại lạnh”?

 Theo tôi, “được mùa mất giá, được giá mất mùa” chính là bài ca muôn thuở của ngành nông nghiệp nói chung. Như tôi đã nói, chỉ khi nào có tư duy mới và chính sách khuyến khích sản xuất chất lượng cao, tạo thương hiệu sản phẩm vùng, trợ giúp thị trường xuất khẩu thì chính người sản xuất sẽ tạo được giá trị thị trường ổn định, lợi nhuận bền vững, kinh tế đất nước phát triển thì vấn đề “nóng - lạnh” của thị trường sẽ tức khắc triệt tiêu.  
Còn với thực trạng hiện nay, tuy có quy hoạch định hướng nhưng thực chất chỉ là hình thức. Chúng ta đã giúp người sản xuất bằng cách thông cảm riêng với họ, hoặc với quy hoạch liên kết vùng lại để mỗi vùng có đặc quyền phát triển theo định hướng của riêng (vì sự phân cấp kinh tế ngân sách theo trách nhiệm phân vùng) nên mới xảy ra tình trạng ngành nông nghiệp phát triển theo dạng hỗn hợp. 

Lộ trình chặt chẽ

* Gắn bó nhiều năm với Vissan, ông có thể hình dung 10 năm tới, Vissan sẽ đứng ở đâu trong cuộc đua cung ứng thực phẩm?

 Tôi đã gắn cuộc đời mình trọn vẹn và tâm huyết với Vissan, từ đam mê cống hiến của tuổi trẻ đến lúc hoàn thành nhiệm vụ và về hưu. Đó là một quãng đời dài, sống làm việc và đấu tranh với sự phát triển từ thời bao cấp sang thời mở cửa, tôi hài lòng và tự hào với các thế hệ đi trước và trong chuỗi thời gian tôi đảm nhiệm trọng trách, đó chính là sự bắt nhịp kịp thời để nắm bắt thị trường, cập nhật và vận dụng chính sách kinh tế nhạy bén và quyết đoán với chính thời điểm của thị trường, biết đầu tư đúng mức, đúng lúc và nhất là được sự ủng hộ đổi mới của UBND TPHCM và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn. 

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng mỗi giai đoạn đều khác nhau về chính sách, về ứng dụng, nhất là các hiệp ước kinh tế với cơ chế hoạt động của công ty, sự khó khăn của mỗi giai đoạn đều khác nhau, tính sở hữu của công ty cũng được thay đổi về cơ cấu nên khó có thể dự báo chính xác 10 năm tới của Visan sẽ ra sao. Tuy nhiên, theo tôi, các chiều hướng sẽ diễn biến theo dự báo sau:

Kịp thời xây dựng dự án di dời Vissan; đầu tư căn cơ theo hướng truy xuất nguồn gốc 3F (tự chủ 20% sản lượng chăn nuôi, số còn lại gia công đảm bảo kiểm soát); thay đổi mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng; định vị tốt sản phẩm, đầu tư đúng mức cho thị trường, kênh phân phôi. Phát triển kinh doanh trực tuyến theo công nghệ song hành với kinh doanh truyền thống thì công ty sẽ có hướng đột phá trên thị trường.

       Nuôi heo VietGAP tại Vissan               Ảnh: CAO THĂNG
 Trường hợp các đối tác cổ phần lớn không vạch được chiến lược thì tốt nhất nên chuyển đổi sở hữu nhà nước dưới 30% để tạo thế chủ động, đổi mới quản trị công nghệ thị trường nhằm giải phóng hết tiềm năng của giá trị thương hiệu đang có. Tùy theo sức mạnh vận hành về quản trị, sự tham gia kết cấu của sở hữu công ty, quyết định chiến lược của công ty sẽ quyết định vị trí của mình. Nếu Vissan không làm được các điều nêu trên thì khó có thể đứng trong nhóm dẫn đầu của ngành thực phẩm. Và điều quan trọng là không để lỡ phí cơ hội về thời gian!


* Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký kết và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, ông đánh giá mức độ ảnh hưởng của hiệp định tới ngành nông nghiệp Việt Nam ra sao?

 Theo tôi, khi tham gia CPTPP, các thành viên đã dành cho Việt Nam sự ưu đãi mức độ rất cao ở nhiều dòng thuế, đặc biệt ở nhóm mặt hàng nông sản, thủy sản và các sản phẩm công nghiệp. Thông qua CPTPP, Việt Nam sẽ cũng cố thêm các thế mạnh sẵn có.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nhập khẩu khi thị trường mở cửa theo cam kết, thách thức lớn nhất phải kể đến là lĩnh vực chăn nuôi như sản phẩm thịt gà, thịt heo, thịt bò. Nguyên do chính, so với các nước trong CPTPP thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong ngành chăn nuôi còn rất thấp. Chúng ta cần có bước chuẩn bị căn cơ hơn để vươn lên đáp ứng tiêu chuẩn chung của hiệp định. 

Hội nhập, chúng ta bắt buộc phải tuân thủ luật chơi chung, cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng sản phẩm, không nên mong chờ sự chiếu cố nào cả, cần thay đổi về tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới. Lĩnh vực dễ tổn thương nhất là nông nghiệp; trong đó ngành chăn nuôi là yếu thế nhất, không bền vững bởi quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; quy trình sản xuất còn đơn sơ, không đồng bộ, chưa được đầu tư đúng mức theo hướng công nghệ cao. Mặt khác, vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh dịch tễ chưa kiểm soát tốt, dẫn đến các loại vật nuôi dễ bị dịch bệnh, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành so với các nước tham gia CPTPP.

Nhìn ở khía cạnh chủ động và tích cực, chúng ta vẫn thấy có nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi như sẽ tiếp cận được với các công nghệ mới, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới, chế biến theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt là phải thay đổi tư duy chấp nhận cạnh tranh trong môi trường hội nhập ngày càng sâu rộng thì DN mới có thể lớn mạnh được. 

* Xin cảm ơn ông!