Thị trường bánh trung thu 2019: Cuộc đua về bao bì, mẫu mã và nguyên liệu

|

Chưa có năm nào, giới doanh nghiệp (DN) kinh doanh bánh trung thu lại mạnh tay đầu tư những nguyên liệu cao cấp để hoàn thiện về chất lượng, tạo ra nhiều hương vị bánh như năm nay. Bên cạnh đó, phong trào sử dụng túi giấy, túi sử dụng nhiều lần, thay cho túi ni lông đã trở thành xu hướng chính trong mùa trung thu năm nay. \r\n

Nhiều sản phẩm mới

Bước vào vụ sản xuất cao điểm, nhiều thương hiệu bánh trung thu chính thức công bố tăng sản lượng bình quân từ 5% - 10% so với cùng kỳ năm 2018. Như những mùa trước, hầu hết các loại bánh của Như Lan, Thành Long, Bibica, Đại Phát, Đức Phát, Sweet Home, Givral, ABC... tung ra thị trường khá sớm với nhiều mẫu mã, hương vị mới. Chẳng hạn, Thành Long có tới hơn 10 loại bánh mới để nhắm đến giới trẻ như bánh mè tỏi đen, hạt sen tỏi đen, quả bơ và hạnh nhân, cà phê hạnh nhân, trà xanh hạnh nhân.

Đến giữa tháng 7 vừa qua, Kinh Đô mới đưa bánh ra thị trường, gồm 83 chủng loại sản phẩm với đa dạng hương vị và trọng lượng, từ truyền thống đến hiện đại, có giá bán từ 40.000 - 480.000 đồng/bánh và 470.000 - 4.000.000 đồng/hộp loại thượng hạng.

Năm nay, Kinh Đô cũng bổ sung thêm hai dòng sản phẩm mới là “Trăng vàng hồng ngọc an bình” và “Trăng vàng hồng ngọc tâm an”, được làm từ nguyên liệu cao cấp như cua sốt kiểu Singapore, đậu xanh hạnh nhân, đậu đỏ hạnh nhân và hạt sen hạt dưa.

Đồng thời, Kinh Đô cũng chú trọng đến việc sản xuất các dòng bánh chay, sử dụng 100% nguyên liệu thực vật tự nhiên, thay thế 70% đường tinh luyện bằng đường Maltitol và Isomalt, dành cho những người có nhu cầu đặc biệt về sức khỏe. Trong danh mục bánh của Kinh Đô còn có bánh Oreo với lớp vỏ mềm mịn, có 4 vị mới lạ như chocolate sữa, cappuccino, mứt dâu tây và brownie chocolate dành cho các bạn trẻ.

Mô tả ảnh

Thương hiệu Bibica cũng tập trung đầu tư vào màu sắc của từng loại bánh, được làm từ gấc, trà xanh, chocolate, cung cấp thêm nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, Bibica cũng hướng về giảm ngọt, giảm béo, dùng nguyên liệu hạt tự nhiên như hạt sen, hạnh nhân, hạt dưa, hạt mè thay thế các loại mứt. Và các nguyên liệu cao cấp như vi cá, bào ngư, trứng cá hồi Cavitar, tôm hùm nhằm tạo thêm giá trị cho chiếc bánh trung thu.

Giá bánh tăng

Cùng với phần đầu tư để hoàn thiện phần nhân bánh, các nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu để làm mới bao bì, mẫu mã. Điển hình như thương hiệu Kinh Đô, sau hàng chục năm trung thành với một loại màu đỏ đơn điệu, thì nay đã làm mới hoàn toàn phần bao bì. Hộp bánh thiết kế được lấy cảm hứng từ những hoa văn, họa tiết như chim khách, hoa mẫu đơn từ thời nhà Nguyễn hay rồng ổ trên gỗ lam ở thế kỷ 15; hoa sen, hoa cúc thời nhà Lê. Mondelez Kinh Đô sử dụng túi giấy đựng sản phẩm bánh trung thu, loại túi có thể tái sử dụng và tái chế để góp phần hạn chế rác thải nhựa, thân thiện với môi trường.

Đây là một trong những cam kết toàn cầu của công ty về các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2025 là giảm thiểu tác động môi trường, thông qua cam kết sử dụng 100% bao bì có khả năng tái sử dụng vào năm 2025.

Tương tự, thương hiệu Thành Long cũng không ngại đầu tư cho khâu thiết kế bao bì, mẫu mã. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, chủ Cơ sở bánh mứt Thành Long, cho biết ngoại trừ phần bao ni lông đóng bánh hút chân không, tất cả thành phần còn lại đều sử dụng giấy carton nhằm giảm thiểu rác thải.

Về giá bán, nhìn chung giá bánh trung thu năm nay tiếp tục tăng khoảng 5% - 7% so với năm trước. Theo các DN, giá tăng là do giá giấy biến động rất lớn, tăng tới 30%, chi phí nhân công cũng tăng, trong khi giá nguyên liệu sản xuất bánh khá ổn định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đầu tư nhiều cho đổi mới bao bì, chủng loại là nguyên nhân chính khiến giá bị đội lên. Cụ thể, loại bánh trọng lượng 220 - 250gr, 2 trứng, vỏ hộp giấy cứng có giá 550.000 - 680.000 đồng/hộp, tăng khoảng 30.000 -50.000 đồng/hộp so với năm 2018.

Chủ một DN xác nhận, giá thành sản phẩm và giá bán đến tay người mua 1 chiếc bánh tăng từ 4 - 5 lần. Chẳng hạn, một hộp bánh trung thu giấy cứng cắt laser có giá trên 500.000 đồng, trong đó, vỏ hộp và các bao bì kèm theo đã chiếm 97.000 - 98.000 đồng (khoảng 20%), chiết khấu cho khâu phân phối khoảng 30% - 35%, cùng các chi phí quảng cáo, tiếp thị, thuê mặt bằng... đã khiến giá chiếc bánh đội lên khá cao.

Cũng theo chủ DN này, giá bánh tăng do các khoản chi phí tăng hay vì nguyên nhân nào khác, thì người tiêu dùng vẫn là đối tượng phải trả cho phần tăng thêm này. Còn nhà sản xuất luôn cầm chắc mức lãi ròng khoảng 20% sau mỗi mùa trung thu.

Điều này có thể lý giải trong nhiều năm gần đây, thị trường bánh trung thu thường khởi động từ rất sớm, thậm chí một số nhãn hàng còn sản xuất quanh năm để duy trì lượng khách, cũng như ngày càng có nhiều DN tham gia kinh doanh bánh trung thu. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường năm nay có thực sự tăng như các DN mong muốn hay không, chúng ta hãy chờ xem!