Rộ hàng đặc sản kém chất lượng

|

Gần đây, nhiều nhóm bán hàng trực tuyến rộ lên thông tin cảnh báo người tiêu dùng về việc trái cây tươi đặc sản, hạt khô các loại… kém chất lượng, mạo danh hàng chính hãng. Đây cũng là bài học cảnh giác chung cho cả người bán lẫn người mua, nhằm bảo vệ thương hiệu và sức khỏe của từng cá nhân, gia đình.\r\n

Hạt điều kém chất lượng, mạo danh hạt điều Bình Phước được rao bán tràn lan trên mạng

Hàng “xịn” giá rẻ, không đáng tin

Gần đây, nhiều khách hàng tại một số địa phương đã lên tiếng về việc mua trúng hạt điều kém chất lượng, có nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Qua điều tra, các cơ quan chuyên trách của tỉnh Bình Phước phát hiện, phần lớn số hạt điều được bán giá rẻ có xuất xứ nơi khác, từ những vụ cũ trước đó. 

Đối với mặt hàng trái cây tươi như bơ dẻo (Đắk Lắk, Đắk Nông…), dâu tây, sầu riêng… cũng rơi vào tình trạng mập mờ chất lượng, nhãn mác. Thông thường, khách hàng chỉ nghe nói đến tên thương hiệu sản phẩm mà không dành nhiều thời gian để kiểm chứng hàng hóa nên dễ… sập bẫy.

Chẳng hạn như, bơ Tây Nguyên thường được người bán quảng cáo rằng vừa dẻo, vừa thơm ngon, ruột vàng óng (ví dụ bơ booth, bơ 034)… nhưng rất dễ mua trúng bơ nước có ruột vàng hoặc loại bơ hái non về ép chín, chất lượng kém.

“Người mua nhầm chứ người bán sao nhầm được. Yếu tố chính là người bán chân thật tới đâu với khách hàng mà thôi”, chị Lương Hà, tiểu thương lâu năm chuyên kinh doanh đặc sản trái cây Tây Nguyên tại quận Gò Vấp, chia sẻ.

Chỉ vào đống bơ sáp vừa được thu gom từ các tỉnh Tây Nguyên, chị Hà tận tình chỉ dẫn, quả bơ có da màu xanh, lấm tấm vàng nhiều thường là loại bơ  sáp; cầm loại bơ này có cảm giác chắc và nặng tay; khi bổ bơ sáp thường có cơm vàng đậm, nếm thử có vị béo dẻo, thơm ngậy… Bơ nước thì khác, ruột cũng vàng nhưng khui trái chín sẽ thấy nhiều nước, không khô như bơ sáp.  

Tìm hiểu kỹ trước khi mua

Anh Trần Nguyên Trung (ngụ đường Tô Ký, quận 12) kể rằng, anh không có nhiều kinh nghiệm mua hàng trên mạng như vợ nên thường phải tham khảo kỹ thông tin từ những điểm bán hàng cùng chủng loại sản phẩm cần mua. Chẳng hạn, muốn mua sầu riêng rụng ở Gia Nghĩa - Đắk Nông thì nên chọn ai bán uy tín, giá cả ra sao, chất lượng có đồng đều không? Cực kỳ khó tin nếu mặt bằng giá bơ booth, bơ 034 Đắk Nông dao động từ 70.000-80.000 đồng/kg, nhưng giá một vài điểm kinh doanh trên mạng lại chỉ bán 15.000-30.000 đồng/kg bơ loại này. Nếu tinh ý, khách hàng sẽ phát hiện ra nhiều chiêu lường gạt.

“Tôi có thói quen theo dõi và đọc kỹ các phản hồi từ những trang fanpage chuyên doanh mặt hàng mình cần mua. Thường thì xấu - tốt đều khoe ra trên đó, nên mình cũng có thêm chút kinh nghiệm để tránh mua trúng hàng dỏm”, anh Trung cho hay. 

Các chuyên gia lo ngại rằng, hiện nay việc kinh doanh trên mạng diễn ra quá dễ dàng nên quyền lợi của người tiêu dùng rất khó đảm bảo. Điển hình vụ pate Minh Chay là một ví dụ, khi một số trường hợp khách hàng sử dụng pate thương hiệu này bị ngộ độc nặng, phải cấp cứu ở các bệnh viện lớn.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho rằng, việc mua hàng trên mạng hiện nay mang nặng tính may rủi, nhất là các nhóm hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Bởi người bán nếu cố tình lừa dối khách thì sẽ có trăm phương ngàn kế để lừa người mua, do khâu kiểm soát việc kinh doanh online hiện nay chưa chặt chẽ. Tuy vậy, bà Thu khuyến cáo, người mua nên so sánh, đối chiếu chất lượng hàng hóa, giá cả bằng những kênh thông tin trên mạng. Không quá khó để làm việc này, nếu người tiêu dùng cẩn trọng và bình tâm trước khi đặt hàng, chuyển tiền cho bên bán. 

Lời khuyên từ cơ quan chuyên trách tới người tiêu dùng luôn là cảnh giác, thận trọng trước những món hàng hấp dẫn, giá cả được khuyến mãi đậm, vì biết đâu đó chính là những “chiếc bẫy” giăng sẵn  đợi người mua.