Chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại

|

Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là một thực tế phổ biến trên thế giới, trong bối cảnh tự do hóa thương mại mà doanh nghiệp (DN) sớm hay muộn cũng sẽ phải đối diện. Đây là thông tin đưa ra tại hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do và biện pháp phòng vệ thương mại: Cơ hội và thách thức đối với DN Việt Nam” tổ chức ngày 27-11 tại TPHCM.\r\n

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, hiện Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có những FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).

Việc hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên rõ rệt. Nếu kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2001 (khi ta ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ) mới chỉ đạt hơn 30 tỷ USD thì đến năm 2019 đã là 517 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 100 tỷ USD năm 2011 và dự kiến đạt 270 tỷ USD vào năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Cùng với việc gia tăng xuất khẩu, số vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam cũng đang gia tăng. Tại Việt Nam, hiện đã có gần 200 vụ PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta. Nếu tính riêng trong 5 năm gần đây, đã có 99 vụ việc PVTM, xảy ra chủ yếu với các thị trường Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và EU khiến một số mặt hàng xuất khẩu bị mất thị trường hoặc phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của cả ngành hàng. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù hoạt động thương mại bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng số vụ khởi xướng điều tra liên quan đến PVTM tăng lên đáng kể - riêng Việt Nam hiện phải ứng phó với 27 vụ việc khác nhau.

Nguyên nhân chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM đánh vào hàng hóa Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng nhanh trong thời gian qua, nhờ tác động tích cực từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các FTA. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, khiến nhà sản xuất những ngành này của bản xứ đề nghị chính phủ nước họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.

Khi phải đối diện với các biện pháp PVTM, nhiều DN xuất khẩu đã tỏ ra thất vọng. Tuy nhiên, các biện pháp PVTM là một thực tế phổ biến trên thế giới, trong bối cảnh tự do hóa thương mại mà DN sớm hay muộn cũng sẽ phải đối diện. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Dù PVTM gia tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ năm 2001 tới nay vẫn tăng gấp 9 lần, tức là từ 30 tỷ USD lên 270 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng bị điều tra PVTM trong năm 2019 chỉ là 1,2 tỷ USD. Nói như vậy không có nghĩa là khuyên các ngành như thép, tôm, cá tra… nhẫn nhịn chịu đựng.

Hiện Bộ Công thương đang sát cánh các DN chống lại các biện pháp này, thậm chí là kiện ra WTO. Ở chiều ngược lại, chúng ta cũng đang điều tra PVTM đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Tính đến tháng 11-2020, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra 21 vụ việc PVTM với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân DAP, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi và gần đây nhất là sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Cùng với các biện pháp trên, theo bà Phan Mai Quỳnh, Phó Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và Tự vệ, Cục PVTM, để giảm thiểu nguy cơ đối mặt với các vụ điều tra PVTM, DN cần chủ động trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, quy định PVTM trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Mặt khác, DN cũng cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ và rõ ràng.

DN cũng cần xây dựng bộ phận pháp chế, nghiên cứu các quy định về thương mại, PVTM quốc tế hoặc cân nhắc tư vấn từ luật sư am hiểu pháp luật quốc tế khi cần thiết. Các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài DN nhưng nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng là rất lớn nên các DN cần thường xuyên theo dõi thông tin, tích cực phối hợp với hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước để cùng giải quyết hiệu quả.

Trong trường hợp trở thành bị đơn, DN không nên e ngại mà nên chủ động tham gia vào các vụ việc PVTM bởi nó sẽ đem lại nhiều lợi ích cho DN. Cụ thể, chủ động tham gia trả lời các câu hỏi của bên điều tra, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu theo đúng yêu cầu, chuẩn bị thời gian, luật sư phiên dịch… Chính sự chủ động hợp tác, tham gia của DN quyết định đến 90% kết quả của vụ điều tra.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào nhiều thị trường nhờ các FTA đã có hiệu lực. Để tránh rủi ro, DN và các hiệp hội ngành hàng cần thường xuyên theo dõi hệ thống cảnh báo sớm của Bộ Công thương, từ đó chủ động hơn trong xuất khẩu.