Tổng công ty Thương mại Sài Gòn: Điển hình vượt khó, hoàn thành mục tiêu kép năm 2020

|

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết ngành công thương TPHCM năm 2020, Tổng công ty Thương mại Sài gòn TNHH MTV (Satra) là một trong số ít các doanh nghiệp (DN) có báo cáo tham luận về thành tích đạt được trong năm 2020. Satra cũng là DN chủ lực tham gia bình ổn 10 nhóm mặt hàng lương - thực phẩm của TPHCM và Tết Nguyên đán 2021.\r\n

Báo SGGP trích đăng ý kiến phát biểu của ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Satra về quá trình đồng hành cùng TPHCM để thực hiện thành công mục tiêu kép vừa ổn định, đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch Covid-19.

Ra thịt heo cung ứng thị trường tại Công ty Vissan (Satra). Ảnh: CAO THĂNG

Không để đứt gãy sản xuất, cung ứng hàng hóa 

Tháng 3-2020, khi dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu để dự trữ của khách hàng tăng cao, Satra đã huy động toàn bộ DN thành viên cùng vào cuộc để tăng nguồn cung ứng, bố trí luân phiên các hoạt động sản xuất vừa đảm bảo đúng yêu cầu giãn cách phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản lượng hàng hóa đưa ra thị trường theo đúng tiến độ. Mục tiêu là không để xảy ra tình trạng đứt gãy sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là nhóm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến. 

Song song đó, Satra cũng tăng cường dự trữ các mặt hàng thiết yếu khác như dầu ăn, mì gói, gạo, đường... để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mùa dịch, lên phương án thuê container đặt tại các đơn vị để dự trữ hàng hóa khi cần thiết (khi khu vực kho nằm trong khu vực cách ly theo yêu cầu của chính quyền), chuẩn bị hơn 20 xe vận tải có tải trọng từ 2-5 tấn và đầy đủ nhân sự cần thiết để phục vụ cho việc vận chuyển và giao hàng.

Đối với nhóm hàng hóa phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh, Satra cũng tăng cường dự trữ nhóm hàng khẩu trang các loại, nước rửa tay… Theo tính toán, lượng tiêu thụ mặt hàng khẩu trang y tế của các đơn vị là 6.374 hộp, tăng 315% và nước rửa tay kháng khuẩn là 20.951 chai, tăng 142,1% so với tháng không xảy ra dịch.

Chính trong đại dịch đã thúc đẩy các DN thành viên ngày càng linh động hơn trong kinh doanh. Không chỉ hệ thống bán lẻ của Satra mà ngay cả các DN sản xuất cũng nhanh chóng tổ chức thêm nhiều hình thức mua sắm, đẩy mạnh việc bán hàng qua điện thoại và giao hàng tận nơi cho khách hàng, tạo không gian mua sắm an toàn, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Đẩy mạnh việc quảng bá thông tin sản phẩm, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng thông qua các website, Facebook, Zalo... Ngay siêu thị Tax cũng bổ sung hình thức bán hàng qua mạng đối với các sản phẩm thịt tươi sống của Vissan, điều mà trước đây siêu thị này không bao giờ làm vì đặc thù vị trí và khách hàng.

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo về hàng hóa và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch tốt, nên doanh thu vào những tháng bùng phát dịch tăng 15,2% so với tháng trước khi dịch xảy ra. Doanh thu toàn hệ thống bán lẻ năm 2020 đạt 2.879 tỷ đồng, bằng 101,3% so với kế hoạch. Doanh thu cuối năm 2020 của toàn chuỗi đã tăng hơn 5 lần so với năm 2015.

Tại thời điểm này, Satra cùng các DN tích cực chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả cho thị trường Tết Tân Sửu 2021 với tổng giá trị  khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng 13% so với Tết Canh Tý 2020. Satra cũng lên kế hoạch tăng thời gian phục vụ trong thời điểm cận tết từ 3-4 giờ hoạt động mỗi ngày, đảm bảo cho người dân có điều kiện mua sắm hàng tết tốt nhất.

Cần thêm “cú hích” từ cơ chế, chính sách

Để đạt được những kết quả nêu trên, ngành bán lẻ luôn được xem là thị trường tiềm năng của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Sức mua chung trên thị trường có mức tăng trưởng rất tốt. Theo số liệu từ Bộ Công thương, tính từ năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của cả nước chỉ ở mức 19,3 triệu đồng/người thì đến nay đã lên 51,2 triệu đồng/người, đóng góp xấp xỉ 8% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Mặt khác, Việt Nam có nền chính trị ổn định, đang trên đà tăng trưởng và hội nhập với độ mở kinh tế cao, kiểm soát tốt dịch bệnh nên được coi là điểm sáng đầu tư tại khu vực ASEAN và châu Á cũng như điểm đến thu hút của cuộc dịch chuyển thị trường đầu tư.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang thay đổi dần từ kênh bán hàng truyền thống và hiện đại sang kênh bán hàng trực tuyến. Đây là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng, giàu sức phát triển, thậm chí thúc đẩy nhanh hơn phương thức kinh doanh số. Số lượng người dùng internet ở Việt Nam 2020 là 68,17 triệu người, tăng 6,2 triệu người so với năm 2019 (tăng đến 10%). Trong đó có hơn 145 triệu thiết bị di động được kết nối internet; bình quân mỗi người dùng 2,1 thiết bị di động.

Bên cạnh thuận lợi, thị trường bán lẻ Việt Nam là “miếng bánh” đầy tiềm năng nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt được cơ hội chiếm lĩnh thị phần. Một số thương hiệu lớn rút khỏi thị trường hoặc thu hẹp mạng lưới như Auchan, Parkson; hoặc phải chuyển nhượng cho đối thủ nội địa như trường hợp Shop and Go, cho thấy đây không phải là một sân chơi dễ dàng.

Ngoài ra, hạ tầng thương mại có phát triển nhưng ở một số khu vực vẫn còn yếu kém và lạc hậu. Hạ tầng thương mại bán lẻ như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh... tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các TP, thị xã, thị trấn.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử nhìn chung thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối, thiếu dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics.
DN bán lẻ trong điều kiện bình thường đã là một ngành nghề kinh doanh khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 thì sự khó khăn này gia tăng, tạo ra những thách thức, cơ hội lớn và không đồng đều giữa các DN. Do vậy, ngành bán lẻ cần được bổ sung vào danh mục các ngành được nhận hỗ trợ từ các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho các DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, ngành bán lẻ cần được đưa vào danh sách “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để giúp các DN, nhất là DN nhỏ và vừa được hỗ trợ, tư vấn về quá trình chuyển đổi số, từ đó định hướng tốt hơn trong kinh doanh.

Satra là tổng công ty nhà nước được xếp hạng đặc biệt thuộc UBND TPHCM, với hơn 50 DN thành viên gồm các công ty cổ phần, công ty TNHH trực thuộc cùng các chi nhánh trực thuộc. Doanh số năm 2020 ước đạt 70.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 70 triệu USD. 

Các DN hoạt động trên nhiều lĩnh vực sản xuất - chế biến lương thực, thực phẩm, nước uống; bán buôn, bán lẻ; xuất nhập khẩu gạo, xăng dầu, nông thủy hải sản. Hạ tầng thương mại gồm chợ đầu mối kinh doanh nông hải sản Bình Điền, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm phân phối, chuỗi cửa hàng  thực phẩm  Satra Foods, kho lạnh Satra...