Thời tiết cực đoan gây nhiều thiệt hại

|

Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển, Cộng hòa Liên bang Đức, vừa công bố bảng chỉ số tổn thương toàn cầu do khí hậu gây ra. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 8 các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Nước nghèo ảnh hưởng nhiều
Thế giới đang đối mặt với những tác động và tổn thất nặng nề từ những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, sạt lở đất, nắng nóng, sóng nhiệt… Từ năm 1996-2015, đã có hơn 528.000 người chết do 11.000 hiện tượng thời tiết cực đoan, gây thiệt hại về tài sản khoảng 3.000 tỷ USD. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra được mối liên hệ giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan với biến đổi khí hậu.
Ba quốc gia chịu tác động nặng nhất từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn 1996-2015, theo bảng chỉ số tổn thương, là Honduras, Myanmar và Haiti. Riêng trong năm 2015, Mozambique, Dominica và Malawi là 3 nước thiệt hại nặng nhất. Trong số 10 nước bị ảnh hưởng nặng giai đoạn 1996-2015, có đến 9 nước đang phát triển (thuộc nhóm quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình) và 1 nước thuộc nhóm thu nhập cao. Việt Nam xếp thứ 8 trong số 10 nước bị ảnh hưởng nặng nhất trong giai đoạn từ năm 1996-2015. Tỷ lệ tử vong 340 người, thiệt hại 2.119 triệu USD, tương đương 0,6% GDP.
Còn theo cảnh báo của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc, các hiện tượng thời tiết cực đoan có dấu hiệu gia tăng về số lượng và mức độ, trong tương lai có thể phức tạp và khó đoán hơn. Những tác động và thiệt hại từ thời tiết có thể cao hơn dự báo vào những năm 2030-2050, gấp 4-5 lần con số tính toán hiện nay. 
Đã hết “mưa thuận gió hòa”
TPHCM từng được biết đến là vùng đất “mưa thuận gió hòa”, được thiên nhiên ưu đãi. Tuy nhiên, hiện nay theo kịch bản biến đổi khí hậu, TPHCM cùng với ĐBSCL là 2 nơi chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu. TPHCM cũng là một trong 10 đô thị lớn trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nhất từ biến đổi khí hậu.
Những trận mưa lớn mang tính cục bộ thường gây ngập tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Số liệu quan trắc và kết quả phân tích chuỗi số liệu từ năm 1978 đến 2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho thấy, thiên nhiên đang “lấy lại” những gì đã ưu đãi đối với thành phố. Đơn cử, nhiệt độ có xu hướng tăng dần: từ năm 1978-2015, nhiệt độ đã tăng lên trên 1ºC. Số ngày xuất hiện nắng nóng cũng tăng nhanh với những đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày.
Mặc dù nằm gần xích đạo nhưng những năm gần đây, tần suất xuất hiện bão cũng gia tăng trên khu vực phía Nam, từ năm 1978-2015 có 3 cơn bão trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến TPHCM xảy ra vào năm 1997, 2006 và 2012, điều đó cho thấy bão bắt đầu “đổ bộ” vào thành phố và có thể ngày càng nhiều hơn. Điều này trùng khớp với số liệu quan trắc của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về hiện tượng bão ở miền Bắc và miền Trung có dấu hiệu dịch chuyển vào miền Nam. Nhiệt độ tăng dần cũng kéo theo sự thay đổi chế độ mưa. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho hay, vài năm gần đây những trận mưa lớn mang tính chất cục bộ thường xuyên gây ra ngập, thậm chí ngập nặng ở một số nơi trong khu vực nội thành, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố.
Bên cạnh đó, với sự gia tăng liên tục của mực nước trên sông Sài Gòn cùng những trận mưa lớn xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, trong khi hệ thống thoát nước và kiểm soát triều cường chưa đủ khả năng đáp ứng, đã khiến tình trạng ngập lụt đô thị ngày càng trầm trọng. Các đợt mưa lớn (lượng mưa ngày ≥50mm) tại TPHCM cũng có xu hướng tăng lên, như ngày 15-9-2015 có đợt mưa trên diện rộng, cường suất mưa lên đến 60mm/25 phút (vũ lượng mưa 106,5mm) và chỉ vài ngày sau (ngày 26-9-2015) có thêm đợt mưa trên diện rộng,  cường suất đến 35mm/10 phút.
Bên cạnh đó, triều cường - một nguyên nhân quan trọng gây ngập lụt - cũng có những thay đổi đáng báo động. Triều cường trên sông Sài Gòn và các sông rạch khác liên tục tăng cao, năm sau cao hơn năm trước và đạt mức lịch sử như tại trạm Phú An  đo được 1,68m vào ngày 20-10-2013 và ngày 10-10-2014. Dưới tác động cộng hưởng của mưa và triều cường đã gây ra nhiều “rốn” ngập tại thành phố; nhiều vị trí ngập đã xuất hiện sau cơn mưa, ngay cả khi thủy triều đang ở mức thấp; từ đó cho thấy dòng chảy tràn đô thị đang vượt quá khả năng của hệ thống thoát nước thành phố, gây ngập lụt trong đô thị ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ngập nước thực sự là nỗi ám ảnh đối với người dân, thiệt hại về kinh tế rất lớn và có xu hướng càng tăng nhanh trong những năm gần đây. Không những thế, ngập lụt thường xuyên còn gia tăng thêm mức độ ô nhiễm môi trường, kéo theo hiểm họa về bệnh tật phát sinh từ những nơi ngập nước này.