Hạn chế phát triển đô thị ở vùng đất thấp

|

Triều cường vào những tháng cuối năm đã gây ngập nặng nhiều khu dân cư ở các vùng trũng, thấp của TPHCM như quận 7, quận 2, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Nhà Bè… Vẫn biết, đây là đợt triều cường lớn với mực nước dâng tới 1,67m, nhưng qua điều này cho thấy, việc chống ngập tại các vùng không đơn giản… 

Là một trong những chuyên gia về quy hoạch đô thị hàng đầu của TPHCM, GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng giải pháp khả thi nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mực nước biển ngày càng dâng cao như hiện nay là phải hạn chế, thậm chí không nên phát triển đô thị ở các vùng trũng thấp… Đây cũng là nội dung chính trong bài trao đổi giữa phóng viên Báo SGGP với GS-TS Nguyễn Trọng Hòa.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi chỉnh trang, nạo vét, làm phay ngăn triều đã giúp một khu vực rộng lớn bên kênh  không bị ngập khi triều cường                                                                                                                                  Ảnh: CAO THĂNG
Không nên “chạy đua” với thiên nhiên 

° Phóng viên: Mặc dù TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc chống ngập do triều như lắp đặt phay, làm đê ngăn triều… nhưng như ông đã thấy, đợt triều cường vừa diễn ra cách nay mấy ngày đã gây ngập nhiều khu vực ở thành phố. Ông đánh giá sao về việc này?  

° GS-TS Nguyễn Trọng Hòa: Trước hết phải xác định, những khu vực ngập nặng nề do triều cường vừa qua hầu hết đều ở các vùng trũng, thấp và gần sông, biển của TPHCM như quận 7, huyện Nhà Bè…. Những nơi này, vốn dĩ là vùng trũng chứa nước của thành phố từ hàng trăm năm qua. Chưa kể, đợt triều cường này khá cao, mực nước lên tới 1,67m. Trong khi tình trạng đô thị hóa ở các khu vực này đang diễn ra rất mạnh mẽ. Việc xây dựng, bê tông hóa đã thu hẹp dần diện tích “đất” dành chứa nước triều khiến tình trạng ngập thêm trầm trọng…

° TPHCM đang triển khai xây đê ngăn triều trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng để chống ngập do triều cường ở khu vực phía Nam TP (quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ). Khi dự án hoàn thành, nước triều sẽ không còn đường tràn vào đất liền nữa…

° Ngoài dự án ngăn triều trên, TPHCM còn triển khai nhiều dự án chống ngập do triều khác… Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của TPHCM; tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang diễn biến rất khó lường. Thực tế những năm qua, TPHCM đã ghi nhận nhiều cơn mưa lớn, bất thường và kéo dài qua cả tháng mùa khô... Theo tôi, nếu “chạy đua” với thiên nhiên bằng các giải pháp công trình không phải là cách hay. Bây giờ nước triều cao 1,67m và chúng ta xây đê cao hơn để chặn, nhưng sau này nước triều dâng cao hơn nữa thì sao? Do vậy, bên cạnh những giải pháp công trình đang làm, cách khả thi và bền vững nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu, chống ngập do nước biển dâng là có giải pháp quy hoạch, tổ chức lại đô thị theo hướng thích ứng hơn với tự nhiên.

“Phân vai” rõ ràng trong phát triển


° Nhưng phát triển về hướng Nam ra phía biển vẫn là một trong những hướng phát triển đô thị chính của TPHCM?

° Đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 - thời điểm biến đổi khí hậu chưa ảnh hưởng nặng tới TPHCM, nhưng hiện nay biến đổi khí hậu đã hiển hiện và gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực. TPHCM đang nghiên cứu, điều chỉnh lại đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM nên theo tôi, đây sẽ là cơ hội để lãnh đạo TP cân nhắc lại các hướng phát triển. Chưa kể, bây giờ việc liên kết vùng giữa TPHCM và các tỉnh trong vùng TPHCM đã được nhìn nhận và đánh giá là cần thiết hơn bao giờ hết. Bộ Xây dựng và các bộ ngành, địa phương liên quan đang xem xét điều chỉnh lại Quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM theo hướng tạo sự gắn kết, chia sẻ chặt chẽ hơn giữa các đô thị trong vùng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để TPHCM cân nhắc lại việc phát triển đô thị của mình. TPHCM phát triển các khu đô thị mới với quy mô lớn cả huyện Nhà Bè và một phần của huyện Cần Giờ, nơi có nền đất yếu, thường xuyên bị ngập do triều cường, trong khi các khu vực kế cận trong vùng TPHCM như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Thuận An, Dĩ An (Bình Dương)… rất thuận lợi để phát triển đô thị, lại chưa được đầu tư phát triển đúng mức. Nếu có tầm nhìn phát triển đô thị cho cả vùng TPHCM, thì những bất cập này sẽ được khắc phục và giúp TPHCM thích ứng hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

° Như vậy, phải cần đến vai trò của Chính phủ trong việc liên kết các địa phương?

° Bản thân các địa phương trong vùng TPHCM cũng phải nỗ lực hợp tác để cùng phát triển, nhưng vai trò của các bộ ngành, Chính phủ cực kỳ quan trọng. Từ trước đến nay, nhiều bộ ngành thường coi TPHCM là “đô thị đặc biệt” thay vì là “vùng đô thị đặc biệt”. Chính vì điều này, công tác nghiên cứu, lập quy hoạch xây dựng TPHCM nói riêng và vùng TPHCM nói chung có phần chưa phù hợp. Đáng lẽ chỉ nên sử dụng những khu đất có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển đô thị cho cả vùng thì lại lấy chỉ tiêu dân số, lấy ranh hành chính của từng địa phương để phục vụ cho mục tiêu phát triển. Bị “cột chặt” trong ranh giới hành chính nên thời gian qua, trước áp lực phát triển, TPHCM đã bị quá tải và hậu quả là tình trạng ngập nước, kẹt xe xảy ra. Những điều này không những cần phải điều chỉnh trong đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM mà còn phải được hiện thực hóa bởi những cơ chế liên kết vùng cụ thể. Đơn cử như cần có sự “phân vai” trong phát triển… Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có luồng lạch sông tốt, đất đai còn rộng nên ưu tiên cho phát triển dịch vụ cảng biển và logistics, còn TPHCM đầu tư phát triển thành trung tâm tài chính, công nghệ cao. Từ sự “phân vai” này, nguồn vốn từ trung ương và của các địa phương sẽ được “rót” một cách tập trung, mang lại hiệu quả hơn. Qua đó, các địa phương trong vùng nói chung và TPHCM nói riêng trong quá trình phát triển của mình sẽ thích ứng hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu.

° Cảm ơn ông!