Bình Định khoác màu áo xanh lên những con đường làng ngõ xóm

|

Bình Định khoác màu áo xanh lên những con đường làng ngõ xóm

Tỉnh Bình Định phấn đấu đến cuối năm 2025 có 95 xã đạt chuẩn NTM (trong đó, có 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); có 7/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Để về đích NTM như mục tiêu đặt ra, Bình Định đã huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai Chương trình và tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đạt được kết quả đồng bộ các tiêu chí, trong đó có tiêu chí môi trường với những cách làm hay, mô hình sáng tạo.
 
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường
 
Tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng Nông thôn mới và tham gia thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, những năm gần đây, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định đã có nhiều cách làm hay, tổ chức các hoạt động thiết thực và đã có những công trình ghi dấu ấn ấn tượng.
 
Điển hình là mô hình “Con đường hoa do phụ nữ chăm sóc” được các cấp Hội triển khai rộng khắp. Đây là mô hình tiêu biểu góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp và thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM.
 
Mô hình “Con đường hoa do phụ nữ chăm sóc” thực sự là một cuộc “cách mạng”, đã lan tỏa đến từng thôn, xóm và các hộ dân. Theo thống kê, tính đến nay, Hội LHPN các cấp trong Tỉnh đã xây dựng 389 công trình con đường hoa do phụ nữ chăm sóc. Tại các con đường thôn, xóm, những tuyến đường hoa đang thay thế cho những vạt cỏ dại và những bãi rác tự phát trước đây ở các địa phương trong huyện. Những giống hoa được các cấp Hội phụ nữ lựa chọn trồng là loại hoa có sức sống tốt, thích ứng với môi trường, thời tiết như hoa mười giờ, hoa sao nháy, đặc biệt là hoa giấy...
 
Sự hình thành những tuyến đường hoa đã giúp người dân địa phương thay đổi nhận thức của về vấn đề vệ sinh môi trường, có ý thức hơn trong việc gìn giữ môi trường và làm đẹp cảnh quan con đường, ngõ xóm. Qua đó góp phần thiết thực vào thực hiện tốt tiêu chí 17.3 trong xây dựng NTM, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, tính mỹ quan trên các con đường ngõ, xóm, thôn theo tiêu chí chuẩn NTM.
 
Bên cạnh đó, thời gian qua, các cấp hội trong toàn Tỉnh còn tổ chức nhiều đợt truyền thông về Phong trào “Chống rác thải nhựa” gắn với Cuộc vận động phụ nữ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Xây dựng gia đình 5 có, 3 không”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”… góp phần thúc đẩy thay đổi hành vi, nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp phụ nữ nói riêng và nhân dân nói chung về bảo vệ môi trường “xanh - sạch - đẹp”. Thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động, mô hình như: “Sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường”, “Nói không với sản phẩm nhựa một lần”… Mỗi hành động, mỗi phong trào đều có ý nghĩa lớn, giúp các hội viên, phụ nữ nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường sống, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân địa phương.
 

Địa phương hưởng ứng
 
Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng để đạt chuẩn xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng NTM nâng cao, thời gian qua, xã Phước Nghĩa đã khuyến khích những mô hình hay, cách làm sáng tạo, đặc biệt là các mô hình xanh để tăng cường hiệu quả xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, cải thiện môi trường. Nổi bật là mô hình “Vườn xanh - Nông dân tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ” được triển khai thực hiện từ tháng 10/2023.
 
Để giúp mọi người dần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, “xanh hóa” vùng quê nông thôn, tự các hộ gia đình xã Phước Nghĩa đã cùng hỗ trợ, hướng dẫn nhau phân loại rác, ủ rác hữu cơ thành các sản phẩm hữu ích để tái sử dụng vào nhu cầu trồng trọt, chăn nuôi. Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện mô hình “Vườn xanh” được nhân rộng, với sự tham gia của khoảng 50 hộ gia đình. Người dân từng bước thay đổi nhận thức, biết phân biệt và có trách nhiệm thực sự trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải. Điều đáng nói, các hộ tham gia mô hình đã biết cách tận dụng chất thải hữu cơ sau ủ để bón cho cây trồng, giúp giảm thiểu chi phí mua phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời cải tạo, tăng độ màu mỡ cho đất. Nhờ đó, lượng chất thải sinh hoạt thải ra môi trường được giảm rõ rệt.
 
Ân Nghĩa là xã đặc biệt khó khăn của huyện trung du Hoài Ân, Bình Định. Trước đây, tình trạng vứt rác bừa bãi, nhất là vỏ lon, chai nhựa, bao bì ny lông diễn ra khá phổ biến tại các khu dân cư. Song với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cùng những mô hình thiết thực đã thay đổi nhận thức, thói quen của người dân. Điển hình là mô hình "Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu - bao bì ni-lông" do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ân Nghĩa triển khai thực hiện từ năm 2022. Đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ân Nghĩa đã xây dựng được 8 "ngôi nhà xanh" tại 7 nhà văn hóa thôn và chợ Kim Sơn để người dân đưa đến và thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, góp phần xoá bỏ tình trạng vứt rác bừa bãi, bảo vệ và làm sạch môi trường nông thôn.
 
Để khoác lên màu áo xanh cho đường làng ngõ xóm, thời gian qua, thị xã An Nhơn cũng đã tích cực trồng và chăm sóc, xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh xanh - sạch - đẹp. Với sự chung tay hưởng ứng của người dân, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ của Thị xã, đến nay, trên địa bàn thị xã An Nhơn có gần 60 tuyến đường hoa, cây xanh với gần 1.400 cây xanh, hoa các loại và gần 40 tuyến đường hoa theo mùa với tổng chiều dài hơn 10 km gồm nhiều loài hoa nở theo mùa. Đơn cử như tuyến đường hoa mai vàng và cây cau ở thôn Thanh Liêm, Trung Định (xã Nhơn An); tuyến đường cây móng bò tím ở xã Nhơn Hậu, Nhơn Phúc, Nhơn Phong.
 
Các tuyến đường hoa, cây xanh liên thôn, liên xóm đã khiến Thị xã An Nhơn hôm nay “thay da, đổi thịt”, nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường đã có sự thay đổi tích cực; ý thức làm đẹp cảnh quan ở thôn, xóm cũng được nâng lên rõ nét. Tại những nơi được trồng cây và hoa không còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi hay chăn thả gia súc, gia cầm ven đường.
 
Với sự cố gắng, nỗ lực thực hiện từng tiêu chí cụ thể, tỉnh Bình Định đạt kết quả đáng ghi nhận trong xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện xây dựng NTM. Tính đến tháng 10/2024, tỉnh Bình Định đã có 91/113 xã hoàn thành nhiệm vụ NTM (đạt tỷ lệ 80,5%); 24/91 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 26,3%); 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM (đạt tỷ lệ 54,54%)./.
P.V