Việt Nam trước khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới

|

Việt Nam trước khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới

Theo nhận định của các tổ chức quốc tế gần đây nhất[1], tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 được dự báo thấp hơn từ 0,5 đến 1,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đây. Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại; gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; lạm phát cao và các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang; thiên tai, dịch bệnh...

Kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19, nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực do xung đột vũ trang và vấn đề địa chính trị trên thế giới. Dự báo và đánh giá tích cực của các Tổ chức quốc tế và kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua của nước ta đã cho thấy rõ điều đó. 

Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 

Bình quân giai đoạn 2015-2019, kinh tế thế giới (KTTG) đạt mức tăng trưởng 3,2%. Tuy nhiên, sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và xung đột vũ trang Nga - Ucraina, bình quân 3 năm 2020-2022, tăng trưởng KTTG được dự báo đạt khoảng từ 1,6 %-1,8%, giảm một nửa so với bình quân của giai đoạn trước. Tăng trưởng KTTG năm 2020 giảm 3,3 %; năm 2021 tăng 5,8%[2] và dự báo cho năm 2022 tăng từ 2,4% -3,2%. Cụ thể, tăng trưởng KTTG các năm 2020-2022 như sau:

Năm 2020, KTTG tăng trưởng giảm 3,3% khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có mức tăng trưởng giảm, thậm chí giảm sâu như: Tây Ban Nha tăng trưởng giảm 10,8 % (GDP bằng 89,2% so với năm trước); Anh giảm 9,3%; Italia giảm 9,0%; Pháp giảm 7,9%; Ca-na-đa giảm 5,2%; Hoa Kỳ giảm 3,4%; …).

Năm 2021, KTTG tăng trưởng cao, đạt 5,8% sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở nhiều quốc gia, sản xuất và thương mại toàn cầu phục hồi trở lại. Hầu hết các quốc gia có mức giảm sâu năm 2020 đều trưởng cao trong năm 2021 (Tây Ban Nha tăng trưởng 5,1%; Anh 7,4%; Italia 6,6%; Pháp 7,0%; Ca-na-đa 4,6%; Hoa Kỳ 5,7%; …).

Năm 2022, trong khi dịch Covid-19 chưa chấm dứt, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina nổ ra gây thiếu hụt nguồn cung năng lượng, lương thực và một số hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng. Do vậy, KTTG được dự báo chỉ đạt từ 2,4-3,2%, giảm từ 1,1-1,5% so với dự báo trước đó. Cụ thể: Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 giảm từ mức 4,1% trong dự báo vào thời điểm đầu năm 2022 xuống còn 2,9% trong dự báo tháng 9/2022[3]. Fitch Ratings đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 xuống chỉ còn 2,4%, điều chỉnh giảm 1,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2022. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng của thế giới trong năm 2022 đạt 3%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra tháng 12/2021.
 
Hình 1: Tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn 2011-2022
Nguồn số liệu: Ngân hàng Thế giới

Bên cạnh đó, báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển kinh tế tháng 9/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế lớn so với dự báo đưa ra trong tháng 4/2022. Cụ thể, dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ giảm từ 3,9% xuống còn 1,6%, khu vực đồng Euro giảm từ 3,3% xuống 2,5%; Nhật Bản giảm từ 2,7% xuống 1,4%; Trung Quốc giảm từ 5,0% xuống còn 3,3%.

Theo báo cáo “Liệu cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra” của Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành vào tháng 9/2022, hơn 90% các nền kinh tế phát triển, 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và năm 2023. Mặc dù, những dự báo này không chỉ ra một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2022-2023, nhưng theo kinh nghiệm từ những cuộc suy thoái trước đó, có ít nhất hai nhân tố cảnh báo suy thoái sẽ diễn ra. Đó là: (1) Tăng trưởng toàn cầu suy yếu đáng kể trong năm trước; (2) Tất cả các cuộc suy thoái toàn cầu trước đây đều trùng khớp với sự suy thoái mạnh hoặc suy thoái hoàn toàn ở một số nền kinh tế lớn.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2022 của IMF nhận định, suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu khi rủi ro làm suy giảm khả năng tăng trưởng. Sự phục hồi của năm 2021 bị che mờ bởi những diễn biến ngày càng ảm đạm trong năm 2022. Kết quả hoạt động kinh tế tốt hơn dự kiến trong quý I/2022, nhưng GDP thế giới đã giảm trong quý II/2022 do giảm tăng trưởng của Trung Quốc và một số nền kinh tế phát triển. Rủi ro làm giảm tăng trưởng được đề cập trong Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2022 đang thành hiện thực, với lạm phát cao trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn của châu Âu làm cho điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt mạnh mẽ. Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại rõ rệt, phản ánh tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ucraina.

Dự báo được IMF đưa ra vào tháng 7/2022 cho thấy, lạm phát toàn cầu năm 2022[4] sẽ ở mức cao (khoảng 8,3%), sang năm 2023 nhiều khả năng lạm phát sẽ thấp hơn nhưng vẫn khá cao (khoảng 5,7%). Theo OECD dự báo vào tháng 9/2022. Lạm phát của các nước G20 khoảng 8,2% năm 2022 và 6,6% năm 2023. Lạm phát một số quốc gia năm 2022 và 2023 được dự báo lần lượt là: Đức 8,4% và 7,5%; Anh 8,8% và 5,9%; I-ta-li-a 7,8% và 4,7%; Hoa Kỳ 6,2 % và 3,4%; Ấn độ 6,7% và 5,9%; Trung Quốc 2,2% và 3,1%.

Tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực 

Trong sự thăng trầm của KTTG, năm nay một số quốc gia được dự báo tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với năm 2021 như: Ấn độ tăng trưởng năm 2020 là -6,6%; năm 2021 đạt 8,9% và dự báo năm 2022 khoảng 7,40%; Phi-lip-pin: năm 2020 là -9,5%; năm 2021 đạt 5,7% và dự báo năm 2022 khoảng 6,5%; Ma-lai-xi-a: năm 2020 là -5,6%; năm 2021 đạt 3,1% và dự báo năm 2022 khoảng 6,0%; In-đô-nê-xi-a: năm 2020 là -2,1%; năm 2021 đạt 3,7% và dự báo năm 2022 khoảng 5,4%.

Trong khu vực Đông Nam Á, ADB nhận định tăng trưởng năm 2022 của In-đô-nê-xi-a đạt 5,4% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022), Phi-li-pin đạt 6,5% (tăng 0,5 điểm phần trăm), Thái Lan đạt 2,9% (giảm 0,1 điểm phần trăm), Xin-ga-po đạt 3,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm), Ma-lai-xi-a đạt 6,0% (không thay đổi so với dự báo trước đó).

Sau khi có mức tăng trưởng giảm sâu (-6,8% vào quý I/2020 do dịch Covid-19 xuất hiện tại Vũ Hán), cả năm 2020 kinh tế Trung Quốc vẫn giữ được tăng trưởng dương 2,3%. Chỉ sau một năm, quý I/2021 Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng ngoạn mục 18,3%, đẩy tốc độ tăng trưởng cả năm 2021 lên 8,1% và trở thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất năm 2021 (thấp hơn mức tăng trưởng 8,9% của Ấn Độ). Do chính sách Zero-Covid và chịu tác động bất lợi của KTTG, năm 2022 tăng trưởng của Trung Quốc[5] được dự báo chỉ đạt khoảng 3% so với năm 2021.

Kinh tế Việt Nam

Giai đoạn 2015-2019, kinh tế của Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá, bình quân mỗi năm tăng 7,09%. Tuy nhiên, năm 2020 và năm 2021 do tác động của dịch Covid-19 nên kinh tế Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2,87% và 2,56% so với năm trước.
 
Hình 2: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam và Thế giới giai đoạn 2011-2022 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới

Bước sang năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, 9 tháng năm 2022 tăng trưởng GDP đạt 8,83%; dự kiến cả năm đạt từ 7,5 -8,0%, vượt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra (từ 6,0-6,5%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng bình quân 3 năm [6](2020-2022) của Việt Nam chỉ đạt từ 4,28%-4,45%[7], thấp hơn nhiều so với bình quân 5 năm trước đó (là 7,09%). 

Từ nay đến cuối năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5%-7% của Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2025, có 2 phương án xảy ra:

- Phương án 1: Nếu tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt 7,5% thì tốc độ tăng trưởng bình quân 2 năm 2021-2022 sẽ đạt 5,0%. Do đó để đạt được cận dưới mục tiêu tăng trưởng (6,5%), mức tăng trưởng bình quân 3 năm còn lại là 7,51%.

- Phương án 2: Nếu tốc độ tăng trưởng 2022 đạt 8,0% thì tốc độ tăng trưởng bình quân 2 năm 2021-2022 đạt 5,25%. Do đó để đạt được cận dưới mục tiêu tăng trưởng (6,5%) thì mức tăng trưởng bình quân 3 năm còn lại cần đạt 7,35%. 

Như vậy, theo cả 2 phương án này, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của giai đoạn 2021-2015, bình quân tăng trưởng những năm còn lại phải đạt khoảng 7,4%-7,5%. Đây là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.

Kinh tế thế giới năm 2023 được hầu hết các Tổ chức quốc tế dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga – Ucraina và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, … có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn.  

Đối với Việt Nam, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm Việt Nam khẳng định vị thế mới khi nước ta sẽ đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Chúng ta cần khai thác tối đa nội lực, huy động và thu hút làn sóng đầu tư, tận dụng mọi cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu để tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của nước ta trên tầm cao mới./.   
 
 TS. Nguyễn Thị Hương
 
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
 

 
[1] Tháng 9/2022
 
[2] Số liệu của năm 2020 và 2021 theo nguồn của Ngân hàng Thế giới.
 
[3] https://www.worldbank.org/en/research/brief/global-recession .
 
[4] So với Quý IV năm 2021
 
[5] Theo dự báo năm 2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng 7/2022 là 3,3%; Theo OECD vào tháng 9/2022 là 3,2%; Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới vào tháng 9/2022 là 2,9%.
 
[6] 3 năm chịu tác động của dịch Covid 19 và xung đột địa chính trị trên thế giới
 
[7]Tương ứng với 2 phương án dự báo tăng trưởng năm 2022 đạt 7,5 và 8,0%