Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển

|

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ hai với chủ đề Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhấn mạnh, bản quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho Vùng.

Quy hoạch thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội nghị là bước tiếp theo rất quan trọng và cần thiết để cơ quan lập quy hoạch tiếp tục lắng nghe ý kiến tham gia và sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch vùng; cùng rà soát ưu điểm, nhược điểm, các công việc, nhiệm vụ đã làm được, chưa làm được của công tác quy hoạch vừa qua; đồng thời, tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong phát triển thời gian vừa qua và đề ra mục tiêu, phương án phát triển cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB) là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng; đặc biệt quy hoạch đã chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.

Xác định rõ vị trí vai trò của quy hoạch, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập Quy hoạch vùng TDMNPB, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong vùng với tư cách là cấp chịu sự tác động trực tiếp và triển khai thực hiện.

Quy hoạch vùng TDMNPB được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2022 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, hiện nay đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã thẩm định xong; trong đó: có 17 quy hoạch ngành quốc gia và 08/14 quy hoạch tỉnh thuộc vùng TDMNPB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với cách tiếp cận phù hợp và khoa học, quy hoạch vùng TDMNPB đã phân tích các vấn đề một cách sâu sắc, cụ thể hóa trên cơ sở các quy hoạch cấp trên và Nghị quyết, đồng thời nhận diện các chiến lược lớn cấp vùng, tích hợp các quy hoạch cấp tỉnh. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, là “phên dậu”, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia và có vai trò quyết định đối với nguồn năng lượng, nguồn nước và môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng TDMNPB; đặc biệt xác định tầm quan trọng về hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông để tập trung quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng TDMNPB và giữa vùng TDMNPB với cả nước và quốc tế.

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.

6 nội dung trọng tâm trong quy hoạch vùng

Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới, có thể tóm gọn thành 6 nội dung trọng tâm như sau:

Thứ nhất, cụ thể hóa những nội dung trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua và kế thừa, phát huy những nội dung ưu việt trong quy hoạch vùng thời kỳ trước. Quy hoạch vùng TDMNPB đã đề xuất phân vùng thành các tiểu vùng chi tiết hơn để tạo ra các khu vực có liên kết chặt chẽ và có khả năng chia sẻ hạ tầng hiệu quả hơn.

Quy hoạch đã làm rõ cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 4 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế (4 hành lang chính và 2 hành lang phụ), 3 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng.

Thứ hai, quy hoạch đề ra chiến lược vùng về sinh thái và môi trường, với quan điểm xác định cảnh quan hùng vĩ, môi trường trong lành và một hệ thống rừng quy mô lớn là đặc trưng nổi bật của vùng. Đây vừa là tiềm năng nổi bật để thu hút du lịch và kiến tạo môi trường sống chất lượng cao, vừa là nền tảng cho vai trò quốc gia trọng yếu của vùng: là “phên dậu” của đất nước, là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và rừng đầu nguồn.

Thứ ba, có chiến lược vùng để bảo tồn, phát huy sự đa dạng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực. Việc phát triển và khai thác nguồn nhân lực phải đi liền với bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa bản địa - là một trong ba khâu đột phá bên cạnh hạ tầng, kinh tế và môi trường.

Thứ tư, quy hoạch xác định nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng, cần được phát triển theo hướng bền vững hơn; tránh theo xu hướng tối đa hóa sản lượng, quan tâm hơn đến chất lượng, hiệu quả; khuyến khích sản xuất nông nghiệp tập trung và theo hướng hàng hóa đồng thời kết hợp với công nghiệp chế biến tại những khu vực có quỹ đất canh tác lớn và kết nối giao thông thuận lợi để tạo giá trị kinh tế lớn.

Thứ năm, tăng cường tỷ trọng cơ cấu các ngành phi nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ với các quy mô phù hợp địa phương, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tại chỗ, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn thiện, và tối ưu hóa thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ sáu, kết cấu hạ tầng của vùng cần được dần hoàn thiện tương xứng với yêu cầu phát triển. Kết nối hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng cần được đầu tư để đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa, giảm sự cách biệt lớn giữa các địa phương trong vùng./.

 
Thu Hường