Để hiểu thêm về công tác chuẩn bị tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021 tại tỉnh Bình Định, Tạp chí Con số và Sự kiện đã có bài phỏng vấn ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính tỉnh Bình Định.
Phóng viên: Thưa Ông, được biết Tổng điều tra kinh tế được thực hiện 5 năm 1 lần theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vậy so với 5 năm trước đây cuộc Tổng điều tra này có điểm gì mới?
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021, điều tra cơ sở hành chính được tách riêng và giao Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện, do đó Trung ương thành lập 2 Ban chỉ đạo: Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì) và Ban Chỉ đạo điều tra cơ sở hành chính (do Bộ Nội vụ chủ trì). Tuy nhiên, với cấp tỉnh, thành lập chung Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính.
So với các Tổng điều tra kinh tế (hay Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp) trước đây, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 có nhiều điểm mới, được coi là những cải tiến quan trọng, đó là: Ứng dụng triệt để CNTT trong tất cả công đoạn Tổng điều tra, nội dung điều tra được thiết kế trong các bảng hỏi điện tử (Web-form) và theo phiếu điện tử (thực hiện trên CAPI) hoàn toàn không sử dụng phiếu giấy. Đặc biệt nội dung phiếu điều tra bổ sung câu hỏi thu thập thông tin về tình hình ứng dụng CNTT, phục vụ phản ánh kinh tế số ở Việt Nam.
Phóng viên: Với những điểm mới này địa phương đã có chuẩn bị như thế nào trong chỉ đạo thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2021?
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Với quan điểm việc tổ chức Tổng điều tra lần này yêu cầu phải đúng đối tượng, đơn vị điều tra, thông tin điều tra phải đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, không trùng lặp, không bỏ sót, phù hợp với điều kiện thực tế, tỉnh đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ thường trực Ban Chỉ đạo, 11 Ban Chỉ đạo cấp huyện và Tổ thường trực, 148/159 Ban Chỉ đạo cấp xã, với 1.091 thành viên tham gia. Trong đó, cấp tỉnh có 39 thành viên, cấp huyện có 259 thành viên và cấp xã có 793 thành viên. Ngoài ra, còn có 22 thành viên thuộc 11 xã miền núi có dưới 50 cơ sở kinh tế không thành lập Ban Chỉ đạo, do Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo và công chức Văn phòng - Thống kê xã làm thường trực Tổng điều tra.
Đến thời điểm này, tỉnh đã ban hành Chỉ thị, triển khai các kế hoạch, hoạt động phục vụ công tác Tổng điều tra. Lập, rà soát và tổng hợp danh sách các đơn vị thuộc các nhóm đối tượng điều tra, gồm: Danh sách toàn bộ DN, HTX trên địa bàn; cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; cơ sở sự nghiệp, hiệp hội; cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương; tổ chức chính trị - xã hội; cơ sở trực thuộc cơ quan, đơn vị, tổ chức nói trên (không bao gồm các đơn vị sự nghiệp, cơ sở kinh tế); cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Công tác tập huấn nghiệp vụ Tổng điều tra cho Ban chỉ đạo và các Tổ thường trực cấp tỉnh, huyện... cũng đã được nghiêm túc thực hiện và hoàn thành (giai đoạn 1) tại cấp tỉnh và cấp huyện.
Do Tổng điều tra có quy mô rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau, vì vậy các sở, ban, ngành, UBND các cấp đã phối hợp chặt chẽ với ngành Thống kê, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tuyên truyền và triển khai thực hiện Tổng điều tra. Tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin từ dữ liệu quản lý hành chính như dữ liệu thuế, đăng ký kinh doanh, quản lý y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, truyền thông… cho mục tiêu Tổng điều tra.
Phóng viên: Với những đặc thù kinh tế - xã hội của địa phương, việc triển khai Tổng điều tra trên địa bàn Tỉnh gặp thuận lợi và khó khăn như thế nào? Ông có thể nêu một số các giải pháp cụ thể để cuộc TĐT đạt kết quả tốt nhất.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Những yếu tố thuận lợi cần nhắc đến, đó là: Sự quan tâm, vào cuộc cả hệ thống chính trị cấp tỉnh, huyện, xã; kinh nghiệm các cuộc Tổng điều tra, nhất là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện được trưng tập từ các ngành đã phát huy chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, thực hiện tốt nhiệm vụ Ban Chỉ đạo phân công. Điều tra viên được tuyển chọn nắm nghiệp vụ điều tra, đã từng tham gia công tác Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019; giám sát viên chủ yếu là công chức Thống kê làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm, tuân thủ kế hoạch Tổng điều tra.
Bên cạnh những thuận lợi, là một số khó khăn nhất định. Đó là, công tác Tổng điều tra diễn ra trong lúc tình hình dịch bệnh Covid- 19 xảy ra một số tỉnh, thành trên cả nước, ảnh hưởng đến công tác tiếp cận đối tượng điều tra thu thập thông tin. Số lượng doanh nghiệp thành lập nhỏ và vừa chiếm khoảng 80% trong tổng số doanh nghiệp, thường xuyên thay đổi địa chỉ; trong khi việc cập nhật địa chỉ doanh nghiệp của các ngành quản lý doanh nghiệp cập nhật chưa kịp thời. Cuộc TĐT diễn ra trùng thời thời điểm tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cao điểm trong tháng 5/2021, do đó các địa phương đang tập trung nguồn lực, vật lực vào cuộc bầu cử.
Trước thực tế đó, BCĐ Tỉnh đã áp dụng một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, phải thực hiện chu đáo công tác chuẩn bị Tổng điều tra trong từng khâu công việc, đặc biệt là việc lập bảng kê đơn vị điều tra; tuyển chọn điều tra viên và tổ chức tập huấn trước khi tiến hành thu thập thông tin, bởi đây là những khâu then chốt quyết định đến chất lượng thông tin điều tra. Trong công tác tập huấn, giảng viên cần chuẩn bị bài giảng chu đáo, rõ ràng, truyền đạt tốt và đưa ra các tình huống thực tế tại địa phương để tham gia thảo luận thống nhất.
Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của cuộc TĐT. BCĐ tỉnh tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai đồng bộ, huy động xã hội hóa công tác tuyên truyền với nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau để đối tượng điều tra hiểu biết chủ trương và thực hiện nghĩa vụ của mình là khai báo đầy đủ, trung thực, khách quan theo yêu cầu của Luật Thống kê.
Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên, liên tục và có kế hoạch cụ thể trong từng khâu công việc của quá trình Tổng điều tra. Trong đó, cần chú trọng đến kiểm tra, giám sát thu thập thông tin của điều tra viên tại địa bàn, phát hiện chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình điều tra; Giám sát trực tiếp thông qua các đoàn công tác tại địa bàn điều tra và giám sát gián tiếp thông qua Trang Web điều hành của Tổng điều tra.
Thứ tư, chủ động ứng phó dịch bệnh Covid-19, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho điều tra viên, công chức, người lao động. Tuân thủ các quy định phòng dịch tại địa bàn, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tiến hành thu thập số liệu. Đối với điều tra viên, giám sát viên: Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định trong suốt quá trình tiếp xúc với điều tra viên, đối tượng cung cấp thông tin và những người liên quan. Nếu trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương lùi thời gian thu thập số liệu Tổng điều tra để thống nhất thực hiện toàn tỉnh.
Phóng viên: Kết quả Tổng điều tra giúp gì cho việc hoạch định chính sách của tỉnh, thưa Ông?
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng: Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là một trong 3 cuộc Tổng điều tra hết sức quan trọng do ngành Thống kê thực hiện sẽ cung cấp số liệu toàn bộ về khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ; giúp phản ánh quy mô GDP, cơ cấu từng ngành kinh tế trong GDP, làm tiền đề quan trọng cho việc tính toán số liệu GDP của toàn quốc và GRDP của địa phương.
Đối với tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 2016 - 2020, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, là một trong những địa phương phát triển khá ở khu vực miền Trung. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 6,4%/năm (2016-2020); tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện trên 48.500 tỷ đồng, tốc độ thu tăng bình quân gần 16%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, hoàn thiện; diện mạo đô thị, nông thôn, cả vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều đổi mới. Đặc biệt, trong 5 năm qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Bình Định không ngừng được cải thiện rõ rệt, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm tốt, khá của cả nước, góp phần đưa tỉnh Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, xoá đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. An ninh - quốc phòng được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, kết quả Tổng điều tra năm 2021 sẽ giúp phản ánh bức tranh toàn cảnh nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà; kết quả của cuộc Tổng điều tra là căn cứ quan trọng để thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; từ đó, so sánh đối chiếu với sự tăng trưởng của 5 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước. Đây cũng là công cụ hữu ích quan trọng giúp các ngành, các cấp, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong bối cảnh mới.
Phóng Viên: Trân trọng cảm ơn Ông!