Huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) có 27,8 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, có Cửa khẩu Trà Lĩnh là khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tận dụng được những lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm gần đây, Huyện ủy và UBND huyện Trà Lĩnh đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể hóa nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh nhằm phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm; phát triển kinh tế - xã hội gắn với du lịch, nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, ổn định chính trị - xã hội.
Quýt Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã có thương hiệu riêng, được người tiêu dùng ưa chuộng
bởi vị ngọt và hương thơm đặc trưng.
Ảnh: Tư liệu
Theo đó, Huyện đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu như: đường giao thông, trung tâm thương mại - dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, kho bãi hàng hóa…; luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; vận dụng đầy đủ các cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính, thuế cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu với tốc độ nhanh, có hiệu quả, bền vững. Phát triển, nâng cao chất lượng du lịch và các sản phẩm du lịch bền vững thông qua mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO” tại điểm ngắm cảnh đèo Mã Phục và Khu Nặm Chá - Mắt Thần núi.
Đồng thời, để đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế cho những năm tiếp theo, huyện đã chú trọng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp (tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 54%); phát triển cây trồng có thế mạnh như: Cây chanh leo ( đạt 97 ha); dâu tằm (đạt 23,5 ha); cây hồi (khoảng 1000 ha); bảo tồn phục tráng và mở rộng diện tích trồng cây cam, quýt (đạt 155 ha)... Hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi hình thức sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Vận dụng có hiệu quả các chính sách, kịp thời hỗ trợ về vốn… giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Vì vậy, đã có nhiều mô hình sản xuất phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao điển hình tại các xã Quang Hán, Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc như: chăn nuôi lợn thịt, lợn nái; vỗ béo trâu, bò; trồng cây ăn quả; sản xuất vật liệu xây dựng..., hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn.
Nhờ đó, Trà Lĩnh đã vươn lên phát triển về mọi mặt. Năm 2019, huyện hoàn thành 19/21 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu kinh tế như: tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 101% chỉ tiêu; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 7,1 tỷ đồng (bằng 118% chỉ tiêu). Tổng thu ngân sách địa phương đạt 324 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa đạt 58 tỷ đồng (bằng 234,6% dự toán tỉnh giao); thu cân đối đạt 15.466/10.887 triệu đồng (bằng 142% dự toán tỉnh giao); thu thuế xuất nhập khẩuxấp xỉ 257 tỷ đồng (bằng 401% so với chỉ tiêu Tỉnh giao)….
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Trà Lĩnh, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh Cao Bằng
à tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Ảnh: Tư liệu
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế, tình hình thị trường có nhiều biến động...Song với sự nỗ lực, năng động, sáng tạo của cấp Ủy, UBND, các cấp, ngành và nhân dân huyện Trà Lĩnh không chỉ tập trung phát triển kinh tế, huyện Trà Lĩnh còn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách, người có công, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn..., bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, an ninh quốc gia được bảo vệ vững chắc../.
Kiều Thủy