Với đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình rộng, lại xa các đô thị lớn, tỉnh Cao Bằng xác định việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư nhằm khai thác và phát huy các thế mạnh địa phương.
Thực hiện Chương trình số 09-Ctr/TU của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016- 2020 và Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành Giao thông Vận tải Cao Bằng đã tham mưu để Tỉnh đề xuất, kiến nghị Trung ương tiếp tục bố trí vốn; đồng thời huy động ngân sách địa phương và tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp, người dân đóng góp phát triển kết cấu giao thông đạt kết quả cao.
Thực hiện Chương trình số 09-Ctr/TU của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016- 2020 và Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành Giao thông Vận tải Cao Bằng đã tham mưu để Tỉnh đề xuất, kiến nghị Trung ương tiếp tục bố trí vốn; đồng thời huy động ngân sách địa phương và tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp, người dân đóng góp phát triển kết cấu giao thông đạt kết quả cao.
Xuất phát từ cách làm mới trong việc xác định danh mục các công trình cấp bách cần làm trước, Tỉnh tập trung dành nguồn lực đầu tư trọng điểm, không dàn trải, xây dựng một số tuyến giao thông trọng điểm tạo đột phá như tuyến kết nối các khu, điểm du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu và đô thị.
Trong điều kiện nguồn lực của địa phương còn hạn chế, Tỉnh đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có tuyến đường bộ cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Ðồng Ðăng (Lạng Sơn) được xác định là trục đột phá, tạo động lực cho phát triển kinh tế địa phương. Tỉnh đã đề xuất phương án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, Cao Bằng cam kết đóng góp gần 2.500 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, cùng vốn ngân sách nhà nước và vốn của nhà đầu tư thực hiện dự án. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí 100 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh giải phóng mặt bằng. Ðến nay, việc triển khai dự án cao tốc Trà Lĩnh - Ðồng Ðăng đã đạt những kết quả tích cực.
Đầu tư hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế các huyện của Cao Bằng
Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông trọng điểm khác cũng được triển khai đầu tư, đơn cử như tuyến đường từ động Hang Dơi (xã Ðồng Loan, huyện Hạ Lang) đến khu du lịch thác Bản Giốc (xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh), tổng dự toán 109 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 211 (Trùng Khánh - Trà Lĩnh) tổng dự toán đầu tư gần 256 tỷ đồng; dự án đường phía nam khu đô thị mới TP. Cao Bằng, tổng vốn đầu tư gần 647 tỷ đồng,... Các dự án trên cùng với các tuyến quốc lộ, cao tốc trong tương lai sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối liên hoàn giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Cao Bằng.
Đối với giao thông nông thôn, Tỉnh ban hành cơ chế “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tùy từng tuyến đường Nhà nước có mức hỗ trợ cụ thể về vật liệu chính (cát, đá, xi măng, thép), phần còn lại huy động nhân dân đóng góp. Với cách làm trên, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông nông thôn; trong đó, có gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp. Trong đó, tiêu biểu nhất là huyện Hà Quảng (từ năm 2016 đến nay, Huyện đã đầu tư 276 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, mở mới 195 km đường giao thông).
Đến năm 2019, toàn tỉnh có 145/199 xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải (chiếm 73%); Còn 54 xã có đường ô tô đến trung tâm xã nhưng chưa được cứng hóa (chủ yếu là đường đất, cấp phối) đều thuộc các xã khó khăn vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Có 1.706/2.450 thôn bản có đường trục giao thông được cứng hóa, bê tông hóa không lầy lội vào mùa mưa (chiếm 70%).
Mạng lưới giao thông hoàn thiện đã tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Những tuyến đường liên xã, liên xóm, đường nội đồng được đầu tư mở rộng, vươn xa đã tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa cho người dân. Nhờ vậy, Nhiều miền quê vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng đã trở nên trù phú, thành những vùng chuyên canh hàng hóa, điểm du lịch hấp dẫn./.