Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ tiền thân là Trường dạy nghề Phú Thọ được thành lập từ năm 1999. Sau các lần nâng cấp (trở thành trường Trung cấp vào năm 2006 và Trường Cao đẳng năm 2008), Trường không ngừng được củng cố về quy mô và chất lượng đào tạo. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo hàng nghìn lượt học viên, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước và xuất khẩu lao động.
Ông Trần Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ
Xác định đào tạo phải theo nhu cầu sử dụng của xã hội, ngay từ những ngày đầu khi mới thành lập, trong điều kiện còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo… Ban Giám hiệu nhà Trường vẫn luôn xác định và kiên trì với mục tiêu dài hạn là không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh Phú Thọ, thông qua các chương trình đề án, Trường được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị phục vụ thực hành, đặc biệt với nghề quan trọng và trọng điểm quốc gia như: Điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, cơ khí động lực công nghệ ô tô, chế biến món ăn… Bên cạnh cơ sở vật chất, từ năm 2008 đến nay, Trường đã cử hàng trăm lượt giáo viên tham gia các chương trình đào tạo, các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn.
Để tăng cường tính thực tiễn, Trường đã thành lập bộ phận theo dõi và liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp để nắm bắt yêu cầu về vị trí việc làm, nhu cầu tuyển dụng. Từ đó, Trường có sự điều chỉnh về nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp. Ngoài ra, Trường còn liên kết để tổ chức cho học sinh, sinh viên đến thực hành tại các doanh nghiệp (cả trong và ngoài tỉnh) như: Công ty Lilama 69-3; Công ty CP tập đoàn Flamingo; Công ty TNHH Yasaki Hải Phòng; Công ty CP Đóng tàu Sông Lô; Công ty CP Điện nước ATĐ Hà Nội; Công ty Điện tử Việt Nhật; Công ty CP điện tử thương mại và kỹ thuật Hòa Bình; Công ty CP ô tô Phú Thọ, Công ty TNHH TM và DV Thành Công, Công ty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ,…
Giờ thực hành sửa chữa ô tô
Nhờ những đổi mới trong phương pháp đào tạo, Trường ngày càng có sức hút với sinh viên, học sinh quy mô và chất lượng đào tạo của nhà trường ngày càng được nâng lên. Các chỉ tiêu từ tuyển sinh tới chất lượng đào tạo ngắn hạn, dài hạn luôn đạt kế hoạch. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm đạt trên 90% với mức thu nhập trung bình từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng, trong đó học sinh, sinh viên làm đúng ngành nghề đào tạo đạt trên 75%. Học sinh, sinh viên được đánh giá cơ bản có ý thức, thái độ tốt và kiến thức chuyên môn, tay nghề đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Ban Giám hiệu Nhà trường trao Bằng tốt nghiệp cho các sinh viên
Năm 2020, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Phú Thọ và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ nghệ thực hành Phú Thọ vào Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ, sau sáp nhập, Trường có 16 ngành nghề đào tạo với 2.055 học sinh, sinh viên; số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động là 225 người. Đây là cơ hội để Trường mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo song cũng là áp lực trong việc duy trì chất lượng đào tạo bởi sau khi sáp nhập, trường vừa phải duy trì việc dạy học vừa phải đảm bảo cơ sở vật chất và bố trí lại đội ngũ cán bộ, giáo viên...
Học sinh nhà trường thực hành chế biến món ăn
Với truyền thống vượt khó, thời gian tới, bên cạnh sự quan tâm tháo gỡ của tỉnh, nhà trường sẽ chủ động sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đào tạo các ngành nghề thế mạnh, nghề trọng điểm quốc gia và khu vực ASEAN; các nhóm ngành nghề phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng nhu cầu của người học, đơn đặt hàng của doanh nghiệp; đào tạo lại đội ngũ cán bộ, giáo viên để có trình độ chuyên môn phù hợp với các nghề đào tạo chính (gồm 3 nhóm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sạch; kỹ thuật công nghệ và dịch vụ, du lịch); điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng giảm lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, thực tế, thực tập sản xuất đồng thời với tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên./.
Long Đình