Hòa Bình: Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp

|

Hòa Bình: Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp

Với diện tích đất tự nhiên lớn, lại nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, Hoà Bình có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp.  Bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành nông nghiệp Hòa Bình đã tiến hành định vị những lợi thế cạnh tranh, tái cơ cấu ngành hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng lớn.
 
Ông Trần Văn Tiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình

Theo ông Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành, những năm qua, Sở đã tham mưu để Tỉnh ủy ban hành các Nghị quyết chuyên đề; UBND Tỉnh điều chỉnh và lập mới 9 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu, ban hành 25 đề án phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh.

Cụ thể, trong sản xuất trồng trọt, Tỉnh ưu tiên phát triển nhóm cây ăn quả có múi, rau an toàn, mía ăn tươi. Đến nay, Hòa Bình đã hình thành và mở rộng vùng sản xuất tập trung cây có múi ở các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng mía nguyên liệu ở Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ, rau sạch ở Lương Sơn, Tân Lạc, Mai Châu… Diện tích cây ăn quả có múi đạt 10,5 nghìn ha, trong đó, diện tích kinh doanh trên 6,6 nghìn ha, sản lượng ước đạt trên 120 nghìn tấn. Toàn tỉnh có 14 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích canh tác khoảng 271 ha.

 
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao thu nhập và thay đổi cách thức làm nông nghiệp của người dân tại huyện Lạc Thủy

Ngành chăn nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất quy mô lớn, hình thức trang trại, gia trại tập trung, sử dụng giống năng suất cao, thay đổi phương thức chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo chuyển sang nuôi các loại gia súc, gia cầm phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường, trong đó, tập trung phát triển 5 loại vật nuôi lợi thế là trâu, bò, lợn, gà, dê.

Nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhanh, đã tăng tỷ trọng sản lượng nuôi lồng, kết hợp nuôi trồng trên các hồ thủy lợi. Một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như các loại cá: chiên, trắm đen, lăng, dầm xanh, bỗng, tầm...

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, để nâng cao hiệu quả rừng trồng, Chi cục kiểm lâm Hòa Bình, chỉ đạo các hạt kiểm lâm tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng tăng diện tích trồng cây bản địa và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tiến tới đạt chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC). Diện tích trồng rừng hàng năm đều vượt kế hoạch đề ra; độ che phủ rừng tăng từ 48,96% năm 2015 lên 51,5% năm 2019.
Các lực lượng chức năng liên ngành huyện Đà Bắc xây dựng phương án tuần tra bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng

Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm ngày càng được quan tâm. Tỉnh đã xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong và các nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc hữu như: Mía tím Hòa Bình, hạt dổi Lạc Sơn, quả lặc lày và rau hữu cơ Lương Sơn, bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, cá, tôm sông Đà, mật ong Hòa Bình... Kết thúc năm 2019, tỉnh Hòa Bình đã có 27 sản phẩm của 21 chủ thể (Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ sản xuất) được công nhận sản phẩm OCOP của địa phương, trong đó có 9 sản phẩm 4 sao và 18 sản phẩm 3 sao.
 
Cam Cao Phong của HTX Nông sản 3T (xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019) được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận

Quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ: Năm 2019, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân khoảng 4,5%/năm. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản./.
Trung Long